Từ “thí nghiệm tiết kiệm” của chủ nhân giải Nobel Kinh tế: Đây là cách giúp bạn tăng trưởng quỹ tiết kiệm

Làm sao để tiết kiệm được nhiều tiền hơn mỗi tháng hoặc mỗi năm? Cuộc “thí nghiệm tiết kiệm” của Richard H. Thaler sẽ cho bạn câu trả lời.

Đâu là lý do khiến bạn chưa thể bắt đầu thói quen tiết kiệm, hoặc chưa thể tiết kiệm được số tiền đúng như kế hoạch đã đề ra? Câu trả lời có lẽ không phải là do chúng ta không muốn tiết kiệm, mà chính là khả năng giữ mình trước cám dỗ quá mong manh.

Bạn có thể đã lên kế hoạch tiết kiệm cụ thể với 4 lần đi ăn ngoài/tháng nhưng mỗi ngày tan sở, bạn đều cảm thấy quá mệt, nên lại tặc lưỡi gọi đồ ăn về nhà thay vì lao vào bếp. Bạn quyết định cắt giảm tiền shopping, nhưng khi dạo bước trong trung tâm thương mại, bạn nhìn thấy mẫu túi xách mới ra và tưởng tượng về khoảnh khắc mình trông sang chảnh hơn mấy tấc khi đeo nó lên người, thế là bạn lại tặc lưỡi, lôi thẻ ra quẹt.

Đây là những ví dụ đơn giản, dễ hiểu nhất về khả năng giữ mình trước cám dỗ quá mong manh được đưa ra bởi Richard H. Thaler - Người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2017. Ông là Giáo sư Khoa học, Kinh tế học hành vi của Đại học Chicago (Hoa Kỳ).

Richard H. Thaler
Richard H. Thaler

Năm 2004, trước khi đạt giải Nobel Kinh tế, Thaler từng tiến hành một cuộc thí nghiệm về hành vi tiết kiệm với quy mô 2000 người. Cuộc thí nghiệm này kéo dài trong 3,5 năm. Kết quả được công bố có thể giúp bạn tìm ra hướng đi hiệu quả để cải thiện khoản tiết kiệm của mình.

Tuy nhiên, để hiểu được cuộc thí nghiệm này của Thaler, có 2 khái niệm vô cùng quan trọng cần được làm rõ: Lạm phát lối sống và siêu lạm phát lối sống.

Lạm phát lối sống, siêu lạm phát lối sống là gì?

Lạm phát lối sống là hiện tượng mức sống (chi phí sinh hoạt/chi tiêu) tăng lên khi thu nhập tăng lên. Trong khi đó, siêu lạm phát lối sống là hiện tượng mức sống tăng lên khi thu nhập không tăng, thậm chí là giảm.

Lý thuyết nghe có vẻ hơi khô khan, nhưng thực tế về lạm phát lối sống/siêu lạm phát lối sống rất dễ hiểu và cũng là thực tế của không ít bạn trẻ. Ngày xưa, thời còn là sinh viên, bạn chỉ có 4 triệu để tiêu trong 1 tháng, bạn vẫn sống tốt. Sau này, khi đi làm, bạn kiếm được 10 triệu/tháng - Một con số gấp gần 2,5 lần khoản tiền bạn có thời sinh viên, nhưng bạn lại cảm thấy "chẳng đủ sống" hoặc "chẳng đủ để tiết kiệm". Đó chính là lạm phát lối sống.

Ví dụ về siêu lạm phát lối sống thậm chí còn dễ hình dung hơn: Bạn chỉ kiếm được 10 triệu/tháng, nhưng có những tháng, tổng số tiền bạn chi tiêu lên tới 12-13 triệu, bạn nợ thẻ tín dụng, nợ tiền bạn bè, người thân,...

"Save More Tomorrow" - Thí nghiệm tiết kiệm kéo dài 3,5 năm của Richard H. Thaler

Trong quá trình nghiên cứu về mối tương quan giữa tâm lý học hành vi và các quyết định kinh tế/tài chính, Thaler nhận ra nhiều người có xu hướng để bản thân rơi vào bẫy lạm phát lối sống/siêu lạm phát lối sống trong vô thức.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây chính là lý do thôi thúc ông tiến hành cuộc thí nghiệm "Save More Tomorrow" (Tạm dịch: Tiết kiệm nhiều hơn vào ngày mai).

Thaler đã làm việc với một công ty quy mô 2000 nhân sự và tiến hành khảo sát tư duy, thói quen tiết kiệm của 2000 nhân sự này.

Đầu tiên, Thaler đưa ra đề xuất với toàn thể nhân viên về việc tăng 5% tỷ lệ tiền mà họ gửi vào tài khoản tiết kiệm mỗi tháng. Kết quả, 75% nhân viên từ chối đề xuất này của Thaler. Thaler tiếp tục cố gắng thuyết phục nhóm người từ chối đề xuất của ông bằng cách gợi ý rằng họ có thể tăng tỷ lệ tiền tiết kiệm vào lần tăng lương tiếp theo. Kết quả, 78% nhân viên trong nhóm người từ chối đề xuất ban đầu đã chấp nhận đề xuất mới này. Đề xuất này được gọi là kế hoạch "Tiết kiệm nhiều hơn vào ngày mai".

Cuộc thí nghiệm này của Thaler kéo dài trong ba năm rưỡi, với tổng cộng bốn lần tăng lương. Kết quả sau cùng: Những người chấp nhận đề xuất tăng tỷ lệ tiết kiệm theo mỗi lần tăng lương đã có khoản tiền tiết kiệm tăng 13,6%, sau 3 năm rưỡi.

Trong khi đó, những nhân viên chấp nhận mức tăng 5% số tiền tiết kiệm mà Thaler đưa ra ban đầu có mức tăng trưởng tiết kiệm là 8,8%, sau 3 năm rưỡi.

Sau khi cuộc thí nghiệm tiết kiệm này kết thúc, Thaler đã có cơ sở để khẳng định: Thiết lập mục tiêu tăng trưởng tiền tiết kiệm dựa theo cơ hội được tăng lương mới là cách hiệu quả để cải thiện quỹ tiết kiệm, đồng thời tránh sa bẫy lạm phát lối sống/siêu lạm phát lối sống.

Hơn 15 triệu người Mỹ đã tăng trưởng được quỹ tiết kiệm nghỉ hưu sau khi áp dụng lời khuyên của Thaler vào thói quen tiết kiệm của mình. Đây là kết quả cuộc khảo sát tính hiệu quả của lời khuyên tăng trưởng tiết kiệm mà Thaler đã đưa ra, được thực hiện bởi Shlomo Benartzi - Nhà kinh tế học hành vi, Giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ).

Phải làm sao để tăng trưởng tiền tiết kiệm khi mãi chẳng được tăng lương?

Nếu thực hành tăng trưởng tiết kiệm theo lời khuyên của Thaler, việc được tăng lương định kỳ 6 tháng 1 lần gần như là điều bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế của nhiều người trong vài năm trở lại đây lại ở chiều ngược lại: Tăng khối lượng công việc, tăng giờ làm nhưng không được tăng lương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có cách nào để tăng trưởng tiết kiệm theo lời khuyên của Thaler khi cả (mấy) năm rồi bạn chưa được tăng lương?

Với thắc mắc này, Chu Thụy - Giáo sư, đồng thời là người giám sát trực tiếp đối tượng đang học để lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Cheung Kong (Hồng Kông) đưa ra câu trả lời rất ngắn gọn: "Đa dạng hóa nguồn thu nhập".

"Tăng lương thực chất là việc thu nhập hàng tháng của bạn tăng lên một khoản so với tháng trước và khoản tăng này sẽ được duy trì đều đặn trong vòng ít nhất 6 tháng tiếp theo. Tư duy theo cách này giúp bạn hiểu ra rằng nếu tính chất công việc hiện tại không cho phép bạn được tăng lương, bạn vẫn có thể làm thêm việc khác và coi khoản tiền đó như khoản tăng lương" - Chu Thụy khẳng định.

Theo The Telegraph, Business Today

Ngọc Linh

Cô nàng U30 tiết kiệm được “cả đống tiền” nhờ đơn giản hóa chuyện làm đẹp

Cô nàng U30 tiết kiệm được “cả đống tiền” nhờ đơn giản hóa chuyện làm đẹp

Vẫn xinh và quyến rũ dù không chi bội tiền để làm đẹp, cô nàng U30 này đã làm thế nào?