Việt Nam công bố Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh

Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh có phạm vi rộng và liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều bên liên quan.

Ngày 8/8, tại Đà Nẵng, Việt Nam đã chính thức công bố Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cam kết của Việt Nam về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh.

Chương trình được xây dựng dựa trên bốn trụ cột của chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa Bình và An Ninh, cụ thể gồm Sự tham gia, Bảo vệ, Phòng ngừa và Cứu trợ phục hồi. Chương trình cũng đề cập tới hợp tác quốc tế, nhấn mạnh sự cam kết của Việt Nam trong việc hợp tác với cộng đồng toàn cầu để thúc đẩy chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa Bình và An Ninh.

Các đại biểu tham dự sự kiện.
Các đại biểu tham dự sự kiện.

Việc ban hành Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh là định hướng chính sách quan trọng, khẳng định quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa vai trò, tiếng nói của phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực hoà bình và an ninh. Nhằm cụ thể hóa và xây dựng các dòng hành động và lộ trình triển khai Chương trình hành động trong thời gian tới, Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy thảo luận, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về chiến lược và phương pháp xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết, phù hợp với yêu cầu và điều kiện của từng cơ quan, địa phương.

Bà Sima Bahous, Giám đốc điều hành toàn cầu của UN Women, cho biết, việc triển khai Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan trọng, khi những thách thức toàn cầu đang tác động đến tất cả chúng ta. Phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều tổn thương và phân biệt đối xử. Vì vậy việc khởi động Chương trình hành động quốc gia này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. UN Women sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác, tận dụng các nguồn lực để đảm bảo rằng không có phụ nữ hay trẻ em gái nào bị bỏ lại phía sau.

Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về phụ nữ, hòa bình và an ninh là văn bản chính sách với mục tiêu nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hoà bình, an ninh trong giai đoạn 2024 – 2030. Chương trình hành động gồm 4 mục tiêu là tăng cường sự tham gia của phụ nữ, ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường lồng ghép quan điểm về giới trong các công tác cứu trợ và phục hồi, tăng cường hợp tác quốc tế.

Nhân dịp này, từ ngày 8-9/8/2024, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo về Phương pháp xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia nhằm phổ biến, quán triệt và nâng cao nhận thức về PNHBAN. Sự kiện lần này có sự tham gia của đông đảo đại diện từ các ban, bộ, ngành Trung ương và đại biểu đến từ hầu hết 63 tỉnh, thành phố Việt Nam, cùng các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, các đối tác quốc tế của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu sẽ tham gia tập huấn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thảo luận về các nội dung hoạt động có thể triển khai trong thời gian tới đối với từng nhóm nhiệm vụ, giải pháp, hướng tới xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hoà bình và an ninh ở các cấp.

Thanh Mai/Tổng hợp

Lễ hội Vì Hòa bình tại Quảng Trị năm 2024 giới thiệu nhiều hoạt động quy mô quốc gia, quốc tế

Lễ hội Vì Hòa bình tại Quảng Trị năm 2024 giới thiệu nhiều hoạt động quy mô quốc gia, quốc tế

Lễ hội Vì Hòa bình là sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế trong giai đoạn 2024-2025.