Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn có thể được xem là một nhân chứng lịch sử khá đặc biệt, người giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn cũ tham gia vào cuộc bàn giao lịch sử cho chính quyền cách mạng. Ông cũng là một trong những người tham gia đặt nền móng cho việc cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam tiệm cận với thế giới. Rạng sáng 3/6/2022, người kết nối đặc biệt của nền kinh tế đổi mới đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 77.
Ông Huỳnh Bửu Sơn (sinh năm 1946 tại Vũng Tàu) là một chuyên gia kinh tế nổi tiếng. Ông được đánh giá là một chuyên gia lỗi lạc và tận hiến với chính sách, luôn trăn trở để chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam cường thịnh.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, một trong những nhân chứng lịch sử của quá trình cải tổ nền kinh tế. Ảnh minh họa: TL |
Theo nhiều người, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn không chỉ là người giữ chìa khóa của kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn, mà những năm tháng về sau ông cũng chính là người “mở khóa” cho những vấn đề hóc búa của nền kinh tế Việt Nam thông qua những đề xuất, ý tưởng, lẫn công trình nghiên cứu của mình.
Thời mở cửa, có một Nhóm Thứ Sáu chuyên tụ hội các chuyên gia kinh tế để thực hiện các “đơn đặt hàng” từ lãnh đạo TP.HCM cũng như cả nước, về các vấn đề “kinh bang tế thế” một cách hiệu quả. Họ đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi tư duy làm kinh tế thị trường trong buổi chập chững đầu tiên sau đổi mới. Ông Huỳnh Bửu Sơn – một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu, thành viên của Nhóm Thứ Sáu.
Năm 1985, nhà nước thực hiện chính sách giá – lương – tiền, nền kinh tế lâm vào cảnh xáo trộn, giá cả tăng từng ngày, tiền mặt khan hiếm… Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, Thành ủy và UBND TP.HCM đặt hàng Nhóm Thứ Sáu nghiên cứu biện pháp kéo giá xuống và khắc phục hậu quả của chính sách này. Ông Huỳnh Bửu Sơn đã từng làm ở Ngân hàng Nhà nước, và đang công tác ở một công ty xuất nhập khẩu của thành phố, có điều kiện tiếp cận số liệu, nên được bầu làm chủ nhiệm đề tài.
Chia sẻ với KTSG Online, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, một thành viên của Nhóm Thứ Sáu hồi tưởng: “Lúc bấy giờ, hơn 20 chuyên gia kinh tế của Nhóm cùng tích cực thảo luận và kết quả là ý kiến của anh Huỳnh Bửu Sơn đã được mọi người đồng thuận. Theo anh, nhìn từ kinh tế vĩ mô thì giá cả không phải đang tăng, mà ngược lại đã giảm đến độ nền kinh tế đang tan rã, dẫn đến mọi ngành sản xuất đều thua lỗ, không tái tạo được đồng vốn”.
Quan điểm phản biện này lập tức được soạn thảo kịp thời bằng một đề án, và các anh em đại diện cho Nhóm Thứ Sáu được Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt, mời ra trình bày trước nhiều bộ trưởng và chuyên gia hàng đầu của chính phủ.
“Có thể nói, đó là một trong những yếu tố giúp Trung ương có những chính sách mới, chẳng hạn như xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”, hàng hoá được lưu thông xuyên suốt cả nước, cùng với các chính sách tài chính và tín dụng tiền tệ được ban hành, đã đưa nền kinh tế từng bước bình thường trở lại trong những năm kế tiếp”, ông Phan Chánh Dưỡng cho hay.
Từ tiền đề đó, những đề án của Nhóm Thứ Sáu như: Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế; Đổi mới hệ thống ngân hàng; Xây dựng chính sách phát triển ngoại thương cho Việt Nam; Quy hoạch vùng để phát triển kinh tế… đã góp phần hiệu quả trong việc giúp kinh tế – xã hội ổn định lại và sẵn sàng những đường băng để cất cánh.
Đến tháng 3/1987, công trình nghiên cứu “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế” hoàn thành, Nhóm trực tiếp báo cáo với lãnh đạo TP.HCM. Sau đó, ông Huỳnh Bửu Sơn và 3 chuyên gia khác trong nhóm Thứ Sáu đã được tham gia vào Nhóm Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
Những năm sau này, khi có những yêu cầu của lãnh đạo TP.HCM về việc góp ý kiến hay tham gia xây dựng các công trình kinh tế trên địa bàn thành phố, như thành lập Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công Thương, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước… đều có sự đóng góp của chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn.
Nhiều năm qua, ông đã đúc rút kinh nghiệm và trí tuệ của mình để viết nên những cuốn sách có giá trị – “Giấc mơ hóa rồng”, “25 năm theo dòng kinh tế Việt Nam”, gửi gắm ước mơ đất nước ngày mai sẽ hóa rồng! Đây được xem là giá trị tinh thần của một một trí thức lớn – người đã chủ động chọn thái độ cống hiến trước bao giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Như trong lần chia sẻ gần đây nhất với báo chí, ông bộc bạch: “Bất cứ người dân nào khi có cơ hội được đóng góp cho đất nước mình, dù nhỏ, cũng đều sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm. Những điều tôi làm cũng bình thường như tất cả những người dân Việt, không có gì đặc biệt. Tôi nghĩ rằng một người tự nhận mình là người trí thức thì ít nhất phải có tư duy độc lập, trong ý nghĩa là mình suy nghĩ và hành động theo điều mình biết và tin là đúng”.
Với nhóm báo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group), chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã có nhiều đóng góp tích cực qua các nội dung liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.
Thông qua các bài viết, góp ý của mình, ông bộc bạch niềm mong mỏi khu vực kinh tế tư nhân được hỗ trợ đầy đủ và đúng lúc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế quốc dân càng được khẳng định và ngày càng được coi trọng.
Ông từng chia sẻ ngoài chính sách, doanh nghiệp rất cần thêm sự chân thành trong quá trình thực thi, họ muốn được các lãnh đạo chia sẻ và biết lắng nghe để đồng hành cùng họ. Nếu làm được như thế, sẽ tạo động lực để khối tư nhân cống hiến nhiều hơn và Việt Nam sẽ sớm “hóa rồng”, thực sự trở thành một quốc gia cường thịnh.
Đến hôm nay, sứ mệnh của “Ánh tà dương” Huỳnh Bửu Sơn, một trí thức chọn thái độ cống hiến trước bao giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, đã hoàn thành!
Mỗi ngày có khoảng 11 vụ phụ nữ Pakistan bị cưỡng hiếp
Tháng 11 năm ngoái, Pakistan đã thông qua luật chống hiếp dâm, cho phép tòa án thiến hóa học những tội phạm tình dục bị kết tội cưỡng hiếp nhiều lần.