Vinh danh ba nhà khoa học nữ có những nghiên cứu ứng dụng vì sức khỏe và lợi ích cộng đồng

Năm 2022, Giải thưởng L’Oréal - UNESCO vinh danh 3 nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu và Khoa học Đời sống.

Chiều 25/11/2022, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức trao giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2022.

Năm 2022, Giải thưởng L’Oréal - UNESCO vinh danh 3 nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu và Khoa học Đời sống.
Năm 2022, Giải thưởng L’Oréal - UNESCO vinh danh 3 nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học Vật liệu và Khoa học Đời sống.

Ba nhà khoa học nữ được Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học vinh danh là:

 PGS. TS Lê Minh Hà - Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với đề tài nghiên cứu hiện đại hóa bài thuốc tắm lá cổ truyền hỗ trợ chữa bệnh đau nhức xương khớp của dân tộc Dao Đỏ Sa Pa thành sản phẩm OCOP đặc trưng của xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đề tài nghiên cứu đã giúp lập được hồ sơ cơ sở khoa học của bài thuốc tắm lá, dao đỏ, bổ sung các bằng chứng khoa học về thực vật, hóa học, dược lý, tính an toàn và chuẩn hóa công thức, thành phần của bài thuốc, lưu trữ hồ sơ để bảo tồn bài thuốc, phát triển, nhân rộng các cây thuốc quý. Đồng thời, đề tài cũng mong muốn tạo ra được sản phẩm kem xoa bóp và chai dạng xịt phát triển từ bài thuốc của dân tộc Dao đỏ.

PGS.TS Phan Thị Phương Nhi - Phó Trưởng khoa Nông học, phụ trách Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế, với đề tài Sử dụng chỉ thị phân tử đánh giá nguồn gen cây chè ở miền Trung Việt Nam và nhận diện cây chè Truồi - một đặc sản của xứ Huế phục vụ bảo tồn và phát triển sản phẩm của địa phương.

Nghiên cứu nhằm đánh giá giá trị nguồn gen và xây dựng mối quan hệ di truyền của các giống chè ở miền Trung Việt Nam. Đồng thời nhận diện được cây chè Truồi - là đặc sản của xứ Huế bằng Chỉ thị phân tử DNA barcode (mã vạch DNA), phục vụ cho công tác bảo tồn và hướng tới phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, góp phần bảo tổn một giống chè đặc hữu của địa phương.

TS Hà Thị Thanh Hương- Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, với đề tài nghiên cứu thiết kế cảm biến miễn dịch điện hóa với độ nhạy cao và phát hiện nhanh nhằm định lượng protein p-tau 217 trong huyết tương để chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer.

Dự án mong muốn sẽ đóng góp nền tảng kỹ thuật quan trọng trong việc chế tác các hệ thống cảm biến nano dùng trong chẩn đoán bệnh Alzheimer nói riêng và các bệnh lý khó phát hiện khác nói chung tại Việt Nam. Sự thành công của nghiên cứu sẽ thúc đẩy sự phát triển công nghệ nano và công nghệ chẩn đoán y khoa ở Việt Nam, hướng tới xây dựng một công cụ xét nghiệm với độ chính xác cao, giá thành phải chăng, không xâm lấn và đặc biệt có khả năng di động cao, giúp giải quyết được vấn đề thiếu chuyên gia và trang thiết bị chuyên về sa sút trí tuệ, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc chẩn đoán bệnh Alzheimer.

Ba nhà khoa học nữ xuất sắc nhận được học bổng nghiên cứu trị giá 150 triệu đồng/người, giúp các nhà khoa học có điều kiện tiếp tục phát triển các nghiên cứu chuyên sâu, mang lại giá trị và lợi ích to lớn cho xã hội và cộng đồng.

Chương trình cũng vinh danh PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân - nhà khoa học nữ trẻ vừa được trao tặng giải thưởng L’Oreal- UNESCO Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới tại Paris vào tháng 6/2022
Chương trình cũng vinh danh PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân - nhà khoa học nữ trẻ vừa được trao tặng giải thưởng L’Oreal- UNESCO Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới tại Paris vào tháng 6/2022

Trong khuôn khổ Lễ trao giải, L’Oreal - UNESCO cũng vinh danh PGS. TS Hồ Thị Thanh Vân - nhà khoa học nữ trẻ vừa được trao tặng giải thưởng L’Oreal- UNESCO Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (International Rising Talent) tại Paris vào tháng 6/2022.

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng khoa học thế giới đề cử giải thưởng nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022, cho nghiên cứu về công nghệ pin nhiên liệu hydro, một lĩnh vực trọng tâm cho tương lai của năng lượng sạch.

Nghiên cứu giúp tối ưu hóa hoạt động của pin nhiên liệu để cải thiện hiệu suất và cho phép sản xuất năng lượng hydro bền vững, tránh việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.

Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã được giới thiệu đến Việt Nam vào năm 2009. Giải thưởng nhằm hỗ trợ khuyến khích việc sử dụng trí tuệ, sự sáng tạo và đam mê của “một nửa thế giới” là những nhà khoa học nữ tại Việt Nam.

Trong suốt 13 năm qua, Giải thưởng đã vinh danh 35 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, vì những nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với nghiên cứu khoa học.

Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi được vinh danh 3 lần cho giải thưởng L’Oreal- UNESCO Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (International Rising Talent) tại Paris vào năm 2015, 2018 và 2022.

Trong năm 2020, 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh qua giải thưởng L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học các năm trước cũng được chọn lựa vào các vị trí hàng đầu trong danh sách 100 nhà khoa học xuất sắc châu Á.

Diệu Thuần

Chân dung PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - người lọt Top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á

Chân dung PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - người lọt Top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân từng được vinh danh vì những thành tích trong lĩnh vực Khoa học vật liệu trong top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á