Đây là triển lãm cá nhân đầu tay của nữ họa sĩ Sophie Trịnh, tổ chức tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam (16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trưng bày 23 tác phẩm - là kết quả nghiên cứu và sáng tác trong 6 năm, chất liệu sơn dầu trên vải, với hình tượng phụ nữ khỏa thân.
Một góc triển lãm “Lớp lang cảm xúc” của nữ họa sĩ Sophie Trịnh. Ảnh: L.Q.V |
Sinh trưởng tại TP.Hạ Long, hiện sống ở Hà Nội, ngay từ lúc nhỏ, Sophie Trịnh (sinh năm 1988) đã mơ ước trở thành giáo viên và khi trưởng thành, lại thích làm diễn viên điện ảnh và người mẫu thời trang. Thế rồi, với tâm hồn lãng mạn và giàu cảm xúc, Sophie Trịnh lại đắm mình trong tình yêu hội họa và bằng triển lãm đầu tay này, cô như muốn thay lời tri ân với ý nguyện và sự động viên của người cha (đã mất) với con gái ở cuộc sống tương lai.
Nghi thức khai mạc triển lãm. Ảnh: L.Q.V |
Là người sống khép kín, Sophie Trịnh chia sẻ: "Trong cuộc sống hiện đại, con người dường như đang đối diện với sự cô đơn và cảm xúc phức tạp hơn bao giờ hết. Mỗi người đều mang trong lòng những nỗi niềm riêng, nhưng đôi khi lại thật khó nói ra, bởi ai cũng ẩn chứa những khao khát được thấu hiểu, yêu thương và quan tâm. Đây là những cảm xúc mãnh liệt, nhưng lại thường bị kìm nén, không thể thổ lộ. Với triển lãm “Lớp lang cảm xúc”, tôi muốn gửi gắm một thông điệp của sự sẻ chia”.
Nữ họa sĩ Sophie Trịnh bên tác phẩm của mình. Ảnh: L.Q.V |
Từng học Thạc sĩ tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và với tinh thần lao động nghệ thuật cần mẫn, nghiêm túc, Sophie Trịnh là một trong số ít họa sĩ nữ của Việt Nam tự họa về bản thân trong góc nhìn khỏa thân, rất thanh mà không tục. Nhiều lúc, khi cảm xúc đam mê dâng trào, cô tự hành hạ mình bằng việc phóng tỏa bút lực, vẽ xuyên đêm, với sự hỗ trợ của máy ảnh - điều mà những họa sĩ khác ít khi sử dụng, và sáng tạo thêm bằng những nét bút phóng khoáng, bay bổng trong không gian ước lệ của nhiều xu hướng hội họa, khiến rất gần gũi với mọi người.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: L.Q.V |
Nói một cách khác, “Lớp lang cảm xúc” tựa như một chuỗi tâm sự thầm kín khó thể chia sẻ bằng lời của nữ họa sĩ. Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - đã chia sẻ: “Các tác phẩm trong "Lớp lang cảm xúc" của nữ họa sĩ Sophie Trịnh đều tràn trề tình cảm. Đây thực sự là một món quà đặc biệt cho mọi người yêu mỹ thuật, yêu cái đẹp…”.
Với Sophie Trịnh, ngoài sự đam mê với hội họa, mơ ước làm giáo viên từ ngày nhỏ của cô sau này cũng đã trở thành hiện thực, khi đã có cơ hội đứng lớp dạy môn vẽ của lớp thiết kế ở Công ty VTC Online và dạy vẽ cho thiếu nhi. Trước đó, là giảng viên hội họa của một trường đại học. Dưới đây là một số tác phẩm (đều không có tựa đề) của họa sĩ Sophie Trịnh, trưng bày tại triển lãm:
Trước thềm triển lãm “Lớp lang cảm xúc”, đã có phụ huynh nhắn hỏi Sophie rằng: “Con gái chị 12 tuổi, lớp 6, có thể đi xem triển lãm "Lớp lang cảm xúc” không cô?". Sophie Trịnh đã hồi đáp: “Tại sao không chứ? Nghệ thuật khỏa thân hoàn toàn phù hợp với các bạn nhỏ cho tới sinh viên. Bởi trong nghệ thuật chân chính, các tác phẩm trong một triển lãm khỏa thân đều đã được chuyển hóa thành nghệ thuật.
Những bức tranh không chỉ đơn thuần là hình ảnh tôn vinh vẻ đẹp cơ thể con người, mà là sự thể hiện cảm xúc, bút pháp và sự sáng tạo thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật. Khi chúng ta nhìn vào những tượng khỏa thân nổi tiếng ở phương Tây, hay những tác phẩm được trưng bày ở các không gian công cộng, điều chúng ta thấy không phải là sự dung tục, mà là vẻ đẹp thanh cao, tinh tế đã được nâng tầm thành nghệ thuật.
Việc cho trẻ tiếp xúc với nghệ thuật khỏa thân từ sớm không chỉ là mở mang tư duy mà còn là cơ hội để các em hiểu thêm về giá trị của nghệ thuật. Trẻ sẽ được chiêm ngưỡng cách phối màu, bút pháp, bố cục, ánh sáng và cách tạo chất liệu, những yếu tố quan trọng giúp phát triển về cảm thụ nghệ thuật từ khi còn nhỏ để sau này có khuynh hướng thưởng thức nghệ thuật sâu hơn rộng hơn, cũng như sẽ làm được nhiều việc trong lĩnh vực nghệ thuật hiệu quả hơn.
Nghệ thuật chân chính không hướng người xem vào những điều dung tục mà là để truyền tải vẻ đẹp, giá trị thẩm mỹ và sự sáng tạo. Vì vậy, các em nhỏ từ tiểu học cho đến sinh viên hoàn toàn có thể và nên được khuyến khích tham gia các triển lãm nghệ thuật như thế này. Đây là cách để nuôi dưỡng tâm hồn, mở rộng kiến thức và phát triển tư duy toàn diện cho các em…”.
Ở Việt Nam không thiếu họa sĩ tự họa, nhưng chủ yếu tự họa chân dung, chứ chưa thấy nữ họa sĩ tự họa cơ thể mình để biểu đạt cảm xúc và Sophie Trịnh là một trong số ít họa sĩ nữ tự họa mình trong góc nhìn khỏa thân, tựa như yêu một người tình trong mộng.
Tâm sự về cuộc sống, Sophie Trinh đã giãi bày:
“Đừng phán xét hoạ sĩ phiêu lãng. Bởi vì thật sự, bản chất sâu thẳm của con người chính là phiêu lãng. Cuộc sống vốn là một con đường uốn khúc, và chỉ khi ta lạc bước, ta mới khám phá ra sự phiêu lãng là bắt đầu của mọi điều.
Bắt đầu yêu... ta mở ra một cánh cửa mới.
Bắt đầu hiểu triết lý... ta khai phá vũ trụ bên trong.
Bắt đầu yếu đuối... ta học được sức mạnh của sự khiêm tốn.
Bắt đầu sống cho chính mình... ta thấy bản ngã thực sự của mình.
Bắt đầu mạnh mẽ... ta biết cách chống lại sóng gió.
Bắt đầu độc lập... ta tự tạo ra những dấu ấn riêng.
Trên bức tranh của Sophie mọi thứ đều hiện diện. Tất cả những điều này vẫn là tìm kiếm cái đẹp, cái trong sáng, cái bình dị của sự khởi đầu...”.
Triển lãm “Lớp lang cảm xúc” của nữ họa sĩ Sophie Trịnh sẽ kéo dài tới ngày 2/9/2024.
Nữ họa sĩ Phan Minh Châu và những “Nét sợi” đáng yêu.
Triển lãm “Nét sợi” của Phan Minh Châu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang thu hút sự chú ý của giới nghề và những người yêu nghệ thuật.