World Bank: Tác động tiêu cực của làn sóng COVID-19 thứ hai tới Việt Nam sẽ giảm, nhờ nỗ lực đẩy nhanh đầu tư công

WB cho rằng tác động tiêu cực của làn sóng COVID-19 lần thứ hai phần nào được giảm nhẹ, do Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh việc triển khai các chương trình đầu tư công, nhất là ở các địa phương.

Nền kinh tế vẫn đang phục hồi dù chưa quay lại như trước đại dịch COVID-19

Theo báo cáo “Cập nhật Kinh tế Vĩ mô Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, tháng 7/2020, cùng với việc nới dần giãn cách xã hội, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục với sản lượng chế tạo, chế biến và doanh số bán lẻ trong nước tăng lần lượt 2,1% và 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ.

World Bank: Tác động tiêu cực của COVID-19 thứ hai tới Việt Nam sẽ giảm. Ảnh: TTO.
World Bank : Tác động tiêu cực của COVID-19 thứ hai tới Việt Nam sẽ giảm. Ảnh: TTO.

Trước khi dịch bùng phát lại, kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tháng 7 tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng dần phục hồi và tiếp tục tốc độ tăng 4,6%. Nhưng tốc độ tăng trưởng chế tạo chế biến và doanh số bán lẻ đều thấp hơn so với tháng 7/2019. Điều đó cho thấy nền kinh tế chưa thực sự trở lại như trước khi có khủng hoảng.

Chỉ số CPI của tháng 7 vẫn đi ngang so với tháng 6 còn lạm phát cơ bản ghi nhận mức tăng rất nhỏ. Tỷ lệ lạm phát tính theo CPI rơi vào khoảng 3,4%.

Tăng trưởng tín dụng chững lại đáng kể, ở mức dưới 10% trong những tháng gần đây. 

Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng vững (tương đương tháng 7/2019), thể hiện khả năng chống chịu ở mức độ ngoài dự kiến trong bối cảnh quốc tế đình trệ. 

Cụ thể, kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ hơn (tăng 10,6%), trong khi doanh số của các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc khu vực nước ngoài giảm khoảng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong lúc hầu hết các thị trường đều suy giảm thì kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản lại tăng lên trong tháng 7.

Quá trình phục hồi phụ thuộc số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Theo WB, trong thời gian tới, quá trình hồi phục kinh tế của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trước tình hình xuất hiện ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, cùng với việc các biện pháp hạn chế mới được áp dụng. 

Tuy nhiên, theo Ngân hàng thế giới, tác động tiêu cực này phần nào được giảm nhẹ, do Chính phủ đã và đang nỗ lực đẩy nhanh các chương trình đầu tư công, nhất là ở các địa phương. 

 WB cho rằng nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi sau khi những hạn chế trong nước do cách ly chống COVID-19 được gỡ bỏ. Đợt bùng phát vào cuối tháng 7/2020 ở Đà Nẵng và các biện pháp ứng phó nhằm kiểm soát bệnh dịch có thể gây ảnh hưởng đến khôi phục kinh tế trong thời gian tới. Chính quyền cần quan tâm hơn đến diễn biến phát triển của dịch bệnh, tác động tài khóa của nó và chính sách xử lý trong trung và dài hạn.

Trước đó, cuối tháng 7/2020, báo cáo cập nhật kinh tế của WB, với tựa đề "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao", nhận định Việt Nam đang ở vị thế tốt để có thể thoát khỏi bẫy kinh tế của COVID-19.

Một là, Chính phủ đã tích lũy được dư địa tài khóa đủ để triển khai một gói kích thích tài khóa ấn tượng. Công cụ này phải được sử dụng một cách cẩn trọng, để đảm bảo bền vững nợ và tài khóa trong tương lai. Cũng cần cải thiện được hiệu quả phân bổ và tài chính của chi tiêu công. 

Đồng thời, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế thứ hai do sớm thoát khỏi quỹ đạo dịch bệnh trong cuộc chiến chống COVID-19, nâng tầm dấu ấn của mình trên nền kinh tế thế giới thông qua thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động, và giảm thiểu rủi ro với các cú sốc tương lai.

Việt Nam cũng có thể đa dạng hóa thương mại bằng cách gây dựng liên minh với các quốc gia khác có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp, và xuất khẩu gạo (và nông phẩm khác) đến ngày càng nhiều quốc gia đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực.

KHOA MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương