Theo ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. Có đến 21 tỉnh, thành phố đang có mức sinh dưới 2 con, chiếm 39% quy mô dân số. Đa phần là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long.... 5 thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt TP HCM ở nhóm thấp nhất cả nước với mức sinh 1,39 con.
Ông Sơn nhận định, kinh tế phát triển nên gây ra nhiều áp lực về đời sống, việc làm, chi phí sinh hoạt, nuôi dạy con cái... đặc biệt lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định khiến mức sinh thấp.
Trẻ chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: Lê Phương. |
Các chuyên gia cho rằng, với nhiều người trẻ, mục đích của hôn nhân là có người để chia sẻ cuộc sống, sau đó mới hướng đến việc sinh sản duy trì nòi giống. Tuy nhiên, tình trạng mức sinh thấp sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Ví dụ như giảm sinh sẽ tạo áp lực cho hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, suy giảm về nguồn nhân lực lao động...
Theo số liệu của Bộ Y tế, mức tăng dân số của Việt Nam đang giảm dần đều. Trong 10 năm từ 1989 đến 1999, dân số Việt Nam tăng bình quân mỗi năm 1,2 triệu người. Thập kỷ tiếp theo, mỗi năm cả nước tăng 0,94 triệu người. Từ năm 2010 đến nay, trung bình một năm Việt Nam thêm 0,95 triệu người.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết sau gần ba thập kỷ áp dụng chính sách khuyến khích mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con để xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đang giữ tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức 2,1 con một mẹ. Nếu thấp hơn, dân số "già hóa" tạo ra nhiều sức ép về xã hội, chăm sóc sức khỏe người. Mức sinh giảm xuống sâu dưới mức thay thế rất khó đưa mức sinh trở lại. Ở các nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển sẽ gia tăng khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các vùng, miền trên cả nước.
Ông Tú cho rằng, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2011 và được dự báo sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038, khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%. Để cải thiện tình hình, Tổng cục Dân số đã đưa ra nhiều giải pháp duy trì mức sinh thay thế.
Hiện, TP HCM là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước. Chi cục Dân số Kế hoạch hóa TP HCM đề xuất miễn giảm viện phí, tăng thời gian nghỉ thai sản bố và mẹ, hỗ trợ vay, mua nhà với vợ chồng sinh hai con.
Trong hai năm gần đây, Chính phủ cũng đã chuyển từ việc khuyến khích sinh một hoặc hai con sang "sinh đủ hai con". Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ 2 con là lý tưởng nhất. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ tâm lý thích độc thân, chưa nghĩ đến chuyện kết hôn.
WHO: 10% dân số toàn cầu có thể đã bị nhiễm COVID-19
Ngày 5/10, Giám đốc phụ trách chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan cho biết, ước tính cứ 10 người...