Đứng bên Rihanna, một trong những vị khách mặc đẹp nhất trong đêm Met Gala tháng 9/2021, nhưng rapper A$AP Rocky đã thu hút mọi ánh nhìn với gu thời trang độc đáo của mình – trang phục vải chần bông đồ sộ và sặc sỡ.
Đây là tác phẩm may đo của nhà thiết kế Eli Russell Linnetz cùng thợ chần vải Zak Foster, dựa trên một chiếc chăn trong "Thrift store" – một mô hình cửa hàng secondhand tại California, Mỹ. Một người phụ nữ sau đó cho biết tấm chăn chính là sản phẩm thêu tay của bà cố nội cô.
A$AP Rocky và Rihanna trong Met Gala 2021 tại thành phố New York, Mỹ (Ảnh: Getty Images). |
Sự xuất hiện của tác phẩm trong đêm thời trang lớn nhất này chỉ là ví dụ mới nhất về sự hồi sinh của nghề thủ công hiện đại, khi biến những chiếc chăn trần trong mỗi gia đình thành các sản phẩm xa xỉ. Hiện hữu trên các sàn diễn lớn và trong các bộ sưu tập mùa đông đầy hoài cổ, các loại vải tái sử dụng đang được các nhãn hàng ngày càng hướng tới như bằng chứng về sự thân thiện với môi trường của họ.
Đối với những người đam mê vải chần như cựu biên tập của tạp chí Quiltfolk, Mary Fons, việc thấy chúng trở thành xu hướng chính thực sự là thú vị. “Thực tế là vải chần bông rất tuyệt. Chúng vượt thời gian. Việc thấy nó xuất hiện trên thảm đỏ củng cố điều đó, và là người yêu thích chất liệu này, chúng tôi rất mừng”.
Một nước Mỹ mới
Nếu như các thương hiệu xa xỉ như Norma Kamali và Moschino gần đây kết hợp các họa tiết vải chần bông vào bộ sưu tập, thì những thương hiệu độc lập như Stan Los Angeles đã sử dụng kỹ thuật này làm nền tảng cho các sản phẩm của họ.
Dễ dàng thấy được những miếng vải chần tái chế nổi bật trong các bộ sưu tập trang phục lướt sóng của thương hiệu California. Một chiếc áo khoác, làm từ vải chần thủ công ở Pennsylvania năm 1870, có giá 2.250 USD.
Bộ trang phục bằng vải chần của nhãn hiệu California Stan Los Angeles (Ảnh: Stan Los Angeles) |
Người sáng lập thương hiệu, Tristan Detwiler, lần đầu trở nên quan tâm tới những tấm vải chần tái chế là khi anh biến chiếc chăn em bé thành một chiếc áo khoác. Sau đó, anh đã gặp thợ chần vải Claire McKarns, hiện đã 80 tuổi, và được bà đưa đến một nhà kho chứa “hàng trăm tấm vải chần do chính tay bà chọn lựa”, anh cho biết. Sau đó bà đã mời Detwiler vào nhóm thợ thủ công của bà, nơi anh đã kết nối với nhiều nghệ nhân chần vải lành nghề.
Câu chuyện đằng sau từng miếng vải là trung tâm trong cách tiếp cận sáng tạo của Detwiler. Có rất nhiều mảnh từng được truyền qua nhiều thế hệ đã được anh tái chế, trong đó có cả chiếc áo khoác họa tiết mặt trời được chính bà cố của anh thêu tay từ những năm 1800. Nguồn gốc của chúng luôn được anh đính kèm theo trang phục. “Năng lượng của gia đình, các thế hệ và lịch sử rõ ràng khơi gợi được cảm xúc”, anh cho biết.
Trong triển lãm nghệ thuật thời trang xa xỉ "In America: A Lexicon of Fashion" tại Metropolitan Museum of Art đã giới thiệu một vài mẫu với chất liệu vải chần. |
Hai năm rưỡi kể từ khi ra mắt thương hiệu, nhà thiết kế giờ đây tập trung vào những sản phẩm độc nhất – hai trong số đó hiện đang được trưng bày tại triển lãm "In America: A Lexicon of Fashion" ở Học viện trang phục của The Met. Khám phá lịch sử thời trang quốc gia, show diễn giới thiệu bộ trang phục áo khoác cùng quần mà Detwiler làm bằng tấm vải chần từ thế kỷ 19 mà anh được McKearns tặng. Là một trong 12 trang phục vải chần trong triển lãm, nó được trưng bày cạnh tác phẩm của Ralph Lauren, một trang phục được thêu chắp vá từ những miếng vải cổ của những năm 1980.
Theo Fons, xu hướng chần vải tái xuất “sau mỗi 30 năm”. “Adolfo đã thực hiện vào cuối những năm 60, Ralph Lauren thì làm trong những năm 80, rồi sau đó Calvin Klein và các nhà thiết kế như Emily Bode đã bắt đầu lại nó khoảng năm 2017”.
Lịch sử của kỹ thuật chần vải Quilting
Quilting có nguồn gốc sâu xa tại Mỹ, được Fons mô tả là “nghệ thuật dân chủ” khi được thực hành bởi những người thuộc mọi thành phần tài chính, chủng tộc và tôn giáo trong suốt lịch sử nước Mỹ.
Phong cách vùng miền cũng biến hóa, từ những tấm vải chần khảm chủ yếu được làm bởi những người thợ da trắng New England cho tới những thiết kế hình học có sắc màu rực rỡ của vùng Gee’s Bend, Alabama. Theo Michael C. Thorpe, nghệ sĩ làm việc với chất liệu cho biết, phụ nữ tại đây từng buộc phải tái sử dụng quần áo và các túi đựng đồ để giữ ấm cho gia đình.
Triển lãm vải chần của vùng Gee’s Bend tại bảo tàng de Young Museum (Ảnh: Art Caravan). |
Nhà lãnh đạo dân quyền Rev. Jesse Jackson thậm chí từng nhắc tới nghệ thuật thủ công này trong một bài phát biểu nổi tiếng tại Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ vào năm 1984 như một phép ẩn dụ để miêu tả về một nước Mỹ với “nhiều mảnh ghép, nhiều miếng vá, nhiều màu sắc, kích cỡ, tất cả đều được dệt và gắn kết với nhau bằng một sợi chỉ chung”.
Trong buổi khai mạc triển lãm học viện trang phục, trợ lý giám tuyển Amanda Garfinkel nói lời trích dẫn đó phù hợp với tiêu chí “tập trung vào tính toàn diện và đa dạng” của show diễn. Theo bà Garfinkel, những cuộc triển lãm về vải chần thường khiến người xem xúc động bởi “những câu chuyện cá nhân và lịch sử mà chúng mang theo”.
Bà Fons cho biết tình yêu với kỹ thuật quilting chính là “bằng chứng vật chất” về các giá trị của nước Mỹ. “Tất nhiên không phải lúc nào giá trị đó cũng hiện diện, nhưng những tấm vải chần vẫn luôn được xem là biểu tượng của những gì chúng tôi hy vọng có thể trở thành”, bà nói.
Thay vì dựa vào những khía cạnh lịch sử, những nghệ sĩ như Thorpe đang kết hợp các phương diện khác của thiết kế trong những tác phẩm chần vải của họ. Từng hợp tác với Nike trong những tác phẩm chần vải lấy cảm hứng từ quá khứ và tương lai của NBA, Thorpe đã đưa lịch sử của người da đen, những trải nghiệm và giấc mơ thơ ấu của chính anh vào cuộc sống qua những bức chân dung dệt may.
Nghệ sĩ Michael C.Thorpe tạo dáng trước hai tác phẩm bằng vải chần với chủ đề bóng rổ (Ảnh: CNN) |
Thế nhưng bất chấp cách tiếp cận đương đại ấy, người xem tại triển lãm Miami cho biết họ vẫn nghĩ về người bà của họ mỗi khi xem tác phẩm của anh. “Những tấm vải chần khiến mọi người cảm nhận. Nó giống như phản ứng của đầu gối vậy, tôi nghĩ đó là điều mọi người đang hướng tới”, anh cho biết.
Kết nối những mảnh ghép
Trong quá trình định hình lại thời trang bằng những tấm vải chần cổ, những nhà thiết kế Mỹ trớ trêu thay lại có thể gây nguy hiểm với nghề thủ công này. Theo bà Fons, “chúng tôi có nguy cơ mất đi những mảnh lịch sử vĩ đại của nước Mỹ, cụ thể là lịch sử của những người phụ nữ và cộng đồng bên lề xã hội bởi họ chính là những con người đã tạo ra nhiều tấm vải chần nhất trong lịch sử đất nước”.
Kỹ năng thêu tay truyền thống ngày nay cũng ít phổ biến hơn. Những tấm vải chần thường được làm bằng cách chắp vá những mảnh vải lại với nhau, bằng tay hay bằng máy, trước khi kẹp một lớp vải bông ở giữa mặt trang trí phía trước và mặt vải phía sau (giúp tạo độ phồng và lớp cách nhiệt để giữ ấm).
Trong khi các máy may chạy điện (có thể may trên cả trục x và y) làm thay đổi hoàn toàn nghề thủ công trong những thập kỷ gần đây, thì một số nghệ nhân và nhà thiết kế vải chần hiện đang quay lại phương thức “chần vải bằng kim thủ công và kết nối lại với di sản”, bà Fons cho biết.
Theo bà, sự hồi sinh của kỹ thuật chần vải có lẽ phản ánh nhu cầu về “tính xác thực” giữa bối cảnh số hóa nhanh chóng và sản xuất thời trang hàng loạt. Trong khi đó, bà Garfinkel cho rằng đó là “ý thức cộng đồng và sự bảo tồn với kỹ thuật chần vải, đặc biệt đối lập với tốc độ ngày càng gia tăng của cuộc sống hiện đại, sự ẩn danh của sản xuất công nghiệp và tính chóng vánh trong văn hóa kỹ thuật số”.
Nhà thiết kế người Mỹ Norma Kamali trong trang phục vải chần tại một sự kiện ở Thành phố New York vào tháng 10/2021 (Ảnh: Getty Images). |
Nhà thiết kế Thorpe cho rằng mọi người đang “kiệt sức tột độ từ công nghệ”, “Tôi nghĩ họ giờ quan tâm nhiều hơn tới những thứ mất nhiều thời gian hơn, và muốn quay lại với thủ công… ý tưởng về thứ rất chậm và liên quan tới cộng đồng”.
Một thế hệ mới
Hiện là cố vấn biên tập cho tạp chí Quiltfolk, bà Fons cho biết độc giả của tạp chí “tầm độ tuổi 50”, nhưng ngày càng được quan tâm bởi giới trẻ. Trong giai đoạn đại dịch, bà cho biết đã từng nói chuyện với những người lần đầu làm quen với chần vải và cả những người “quay trở lại kỹ thuật này trong giai đoạn phong tỏa”.
Dù có một số rào cản khi ra nhập, như chi phí máy móc, vải vóc nhưng những người dùng TikTok với bộ óc DIY đang sử dụng những kỹ năng mới của họ để tiết kiệm tiền cho trang phục. Chẳng hạn như tiktoker Wandy the Maker chia sẻ hướng dẫn chần vải để kêu gọi thế hệ Gen Z suy nghĩ bền vững hơn về tủ quần áo của họ. Một tiktok khác đã có được thành công qua từ khóa #quilttok với video làm vải chần chủ đề xương rồng thu hút 2,4 triệu lượt xem.
Theo bà Fons, có một “yếu tố tôn thờ” trong tình yêu với kỹ thuật chần vải của người Mỹ. “Về bản chất, sự khao khát những đồ thủ công, mỹ nghệ và những quá trình “chậm” là điều dễ hiểu. Tốc độ cuộc sống hiện đại đôi khi khá đáng sợ. Đối với nhiều người, vải chần là biểu tượng của “thời gian đơn giản hơn”, dù điều đó khá là sai lệch. Đây là thời điểm tuyệt vời khi là một thợ chần vải", bà cho biết.
Có gì tại tuần lễ thời trang cao cấp Ấn Độ
Từ sắc màu trầm tới gợi cảm phần trên, đó là những xu hướng chính trong thời trang đồ cưới trên sàn diễn năm nay