Yến Lộc Rừng: Mô hình nông nghiệp tuần hoàn độc đáo giữa u minh đại ngàn

Mô hình vườn rừng của chị không chỉ là một giải pháp kinh tế hiệu quả mà còn là minh chứng cho sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên

Từ bỏ bục giảng đại học, chị Nguyễn Thị Yến, người con đất Vĩnh Phúc, đã chọn cho mình một lối rẽ khác biệt: về với núi rừng Định Quán, Đồng Nai, khởi nghiệp với những sản vật thiên nhiên.

Hành trình ấy không chỉ là câu chuyện về sự dũng cảm, dám từ bỏ vùng an toàn mà còn là bài ca về tình yêu thiên nhiên, khát vọng kiến tạo một cuộc sống xanh và bền vững.

Từ giảng đường đại học đến “giấc mơ xanh”

Tốt nghiệp Đại học Quốc gia TP.HCM, chị Yến từng có thời gian giảng dạy tại Đại học Công nghệ Đồng Nai và Cao đẳng Công nghệ Cao ở Dĩ An, Bình Dương. Một công việc ổn định với tương lai rộng mở tưởng chừng đã được định sẵn. Thế nhưng, chị Yến luôn ấp ủ trong mình một tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên, một khát khao được sống hòa hợp với đất trời.

Một góc vườn rừng xanh ngát xanh của chị Yến tại Xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai
Một góc vườn rừng xanh ngát xanh của chị Yến tại Xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai

"Hơn 10 năm trước, tôi và chồng đã quyết định bỏ phố về rừng", chị Yến chia sẻ. "Quyết định ấy vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình hai bên. Ai cũng cho rằng chúng tôi điên rồ, từ bỏ cuộc sống tiện nghi để về với nơi rừng thiêng nước độc".

Bỏ ngoài tai những lời can ngăn, chị Yến cùng chồng đến với xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai - một vùng quê còn nhiều khó khăn, cách trở. "Nơi đây giống như quê tôi cách đây 20 năm, điện thì có, nhưng đường xá đi lại khó khăn, internet cũng chập chờn. 80% là người đồng bào dân tộc Dao, Tày, văn hóa còn nhiều khác biệt", chị nhớ lại.

Nhưng chính cuộc sống tối giản, tự cung tự cấp nơi đây đã giúp chị tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, được sống là chính mình, "không phải sống theo cuộc sống của người khác".

"Biến vườn thành rừng": Mô hình nông nghiệp tuần hoàn độc đáo

Với kiến thức được học, tự học, cùng kinh nghiệm thực tế, chị Yến đã tiên phong áp dụng mô hình "biến vườn thành rừng" vào sản xuất nông nghiệp. Trên mảnh đất 3ha, chị trồng cây đa tầng tán, tức kết hợp các loại cây trồng tầng cao, tầng thấp, cây tạo sinh khối, xen canh cỏ giữa các luống.

"Mình dùng sức người, dùng bàn tay lao động hoặc máy cắt cỏ để chăm sóc vườn rừng. Nước tưới thì dùng béc tưới nhỏ giọt để tiết kiệm, giữ ẩm cho đất... Mô hình vườn rừng này không chỉ tạo ra một hệ sinh thái cân bằng, đa dạng sinh học, giảm thiểu sâu bệnh hại mà còn rất linh hoạt, có thể ứng dụng ở nhiều nơi", chị Yến tự hào chia sẻ. "Quan trọng là phải hiểu rõ đặc tính của từng loại cây, thổ nhưỡng, khí hậu để có sự kết hợp phù hợp".

Chị Yến kiên quyết nói không với hóa chất, chỉ sử dụng phương pháp tấp ủ, hoặc phân bón hữu cơ tự ủ, thuốc trừ sâu sinh học. Nguồn nguyên liệu chính là các loại đậu và cây sương sâm được trồng xen canh dưới tán rừng, tạo nên hệ sinh thái đa dạng, cân bằng.

Chị Yến chia sẻ với những hộ liên kết trong mô hình vườn rừng
Chị Yến chia sẻ với những hộ liên kết trong mô hình vườn rừng

Chị Yến kết hợp chăn nuôi gà trong vườn rừng. Phân gà được ủ thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng, tạo thành nguồn dinh dưỡng tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng. Thức ăn cho gà cũng được ủ lên men từ các nguyên liệu sẵn có trong vườn như ngô, rau muống, giúp giảm mùi hôi, tăng cường sức đề kháng cho gà và giảm ô nhiễm môi trường. Các phụ phẩm nông nghiệp như nước ngâm đậu, nước rửa sương sâm được tận dụng để tưới cây,  góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mô hình vườn rừng của chị không chỉ là một giải pháp kinh tế hiệu quả mà còn là minh chứng cho sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Đây là mô hình có tính ứng dụng cao, có thể nhân rộng ra nhiều vùng miền, góp phần kiến tạo một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững cho cộng đồng.

Ban đầu, mô hình của chị vấp phải sự hoài nghi của người dân địa phương. Nhưng bằng sự kiên trì, chị đã chứng minh được hiệu quả của mô hình, thu hút 15 hộ liên kết, với tổng diện tích vườn rừng lên tới12ha.

Yến Lộc Rừng: Nâng tầm sản vật quê hương

Từ những vườn rừng xanh ngát, những sản vật địa phương, chị Yến đã cho ra đời những sản phẩm "xanh", an toàn cho sức khỏe: bột đậu.

Sản phẩm bột đậu ngũ hành của Yến Lộc Rừng là sự kết hợp hài hòa của 5 loại đậu quê hương: đậu xanh, đậu đen xanh lòng, đậu đỏ, đậu trắng, đậu nành. Tất cả đều là giống thuần chủng, được trồng theo phương pháp hữu cơ, không biến đổi gen, không chất bảo quản. Đậu được rang bằng máy gang, ủ trong chum sành theo phương pháp âm dương ngũ hành trong Đông y, giúp giữ trọn vẹn dưỡng chất, tốt cho sức khỏe.

Bột sương sâm được làm từ 100% lá sương sâm lông, trồng xen canh dưới những tán cây rừng, trên nền đất đỏ bazan màu mỡ, cách ly hoàn toàn với phân thuốc hóa học. Nhờ vậy, sản phẩm giữ được hương vị thơm ngon tự nhiên, giàu chất xơ, pectin, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cân bằng huyết áp, đường huyết.

Nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng của thị trường đối với các sản phẩm sạch, chị Yến đã mạnh dạn triển khai dự án "Nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy thương mại hoá một số sản phẩm có lợi cho sức khoẻ có nguồn gốc từ thiên nhiên". Dự án không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô mà còn góp phần xây dựng vùng nguyên liệu sạch, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

"Hiện tại, sản phẩm Bột sương sâm của Yến Lộc Rừng đã có mặt tại thị trường Mỹ và đang được các đối tác EU quan tâm", chị Yến hào hứng chia sẻ. Chị còn ấp ủ nhiều dự định phát triển các dòng sản phẩm mới từ cây sương sâm như: ươm giống, bán lá tươi, làm mặt nạ, viên nén...

Chị Yến giới thiệu các sản phẩm bột ngũ hành và bột sương sâm tại cuộc thi
Chị Yến giới thiệu các sản phẩm bột ngũ hành và bột sương sâm tại cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh"

Dự án của chị Yến không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần tạo việc làm cho phụ nữ địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. "Dự án tạo việc làm trực tiếp cho 10 chị em tại xưởng sản xuất, 24 chị em tại các hộ liên kết, chưa kể các đại lý, cộng tác viên trên toàn quốc", chị Yến chia sẻ.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc kiến tạo một mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, dự án "Nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy thương mại hoá một số sản phẩm có lợi cho sức khoẻ có nguồn gốc từ thiên nhiên" của Yến Lộc Rừng đã xuất sắc giành Giải Nhất cấp vùng miền Nam và giải khuyến khích Chung kết toàn quốc cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh". Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến của chị Yến và Yến Lộc Rừng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao vị thế của phụ nữ.

"Tôi muốn chứng minh rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể làm chủ cuộc sống, khởi nghiệp thành công và đóng góp cho cộng đồng", chị Yến khẳng định.

Chị Yến giành giải Nhất tại cuộc thi
Chị Yến giành giải Nhất tại cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" cấp vùng khu vực miền Nam

Khởi nghiệp từ tâm, thành công từ sự kiên định

Khởi nghiệp từ tâm, thành công từ sự kiên định – có thể đúc kết về hành trình khởi nghiệp đầy chông gai của chị Nguyễn Thị Yến như vậy.

Con đường khởi nghiệp nào mà trải đầy hoa hồng? Chị Yến cũng vậy, cũng có những lúc tưởng chừng gục ngã, khi tiền bạc đội nón ra đi, khi những lời nghi ngờ, chỉ trích như mũi dao cứa vào tim.

"Tôi đã mất nhiều tiền vì chưa có quy trình, bị mọi người nghi ngờ, chỉ trích, có lúc tưởng chừng như muốn buông xuôi tất cả", chị Yến tâm sự.

Nhưng sau mỗi lần thất bại chị Yến lại nghĩ tới mục tiêu từ những ngày đầu “bỏ phố về rừng”, về tình yêu với thiên nhiên, về khát vọng mang đến những sản phẩm xanh, sạch cho cộng đồng. Chính mục tiêu ấy đã giúp chị đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và trở nên mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn để tiếp tục theo đuổi đam mê.

Dự án
Dự án "Nâng cao năng lực sản xuất và thúc đẩy thương mại hoá một số sản phẩm có lợi cho sức khoẻ có nguồn gốc từ thiên nhiên" của chị Nguyễn Thị Yến cũng giành giải Khuyến khích chung kết toàn quốc cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh"

Vượt qua giông bão, chị Yến đã đúc kết cho mình bài học quý giá: "Trong cuộc sống, không có thất bại, chỉ có những bài học. Hãy cứ dấn thân, cứ thử nghiệm, cứ sai rồi sửa, rồi sẽ tìm ra con đường đúng đắn". Nhờ đó, chị đã tìm ra quy trình sản xuất tối ưu, cho ra đời những sản phẩm chất lượng nhất.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Yến là minh chứng cho tinh thần dám nghĩ dám làm, vượt qua khó khăn để chinh phục giấc mơ. Yến Lộc Rừng không chỉ là một thương hiệu, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên, khát vọng kiến tạo một cuộc sống xanh, một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau. 

Diệu Thuần

Vinh danh nhiều dự án khởi nghiệp xuất sắc của phụ nữ miền Bắc

Vinh danh nhiều dự án khởi nghiệp xuất sắc của phụ nữ miền Bắc

Nhiều dự án khởi nghiệp xuất sắc, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh trong cộng đồng được vinh danh tại Lễ trao giải