Liệu có người phụ nữ vừa quảng giao xã hội lại vừa "tề gia nội trợ" hướng vào gia đình hay không?

Liệu có phụ nữ vừa Tròn lại vừa Méo, vừa quảng giao xã hội tốt lại vừa "tề gia nội trợ" hướng vào gia đình hay không?

Tròn là từ thường xuyên hiện ra trong đầu tôi khi học về giáo dục, văn hóa và xã hội châu Á. Nói đến châu Á, ở trường Upenn tôi học nhiều về Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ hơn. đơn giản vì những nước này họ có nhiều người nghiên cứu về xã hội hơn ở Việt Nam và cũng tạo nhiều điều kiện hơn cho người nước ngoài đến nghiên cứu về nước họ (cả mặt tốt và xấu), và cũng có nhiều tài liệu bằng tiếng Anh hơn.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào có cơ hội, trên lớp tôi cũng đưa Việt Nam ra để so sánh và giới thiệu với các bạn sinh viên quốc tế về văn hóa Việt. Ở bài viết này tôi chỉ muốn mượn nghiên cứu của học giả phương Tây nhìn về xã hội châu Á để bàn luận về vấn đề “Tròn và Méo”.

Tại sao lại Tròn? Trong tôi, từ tròn trịa, tròn vo; tròn có nghĩa là trong cuộc sống mong muốn lớn nhất là không va chạm vào ai, không sóng gió, mong muốn cân bằng, điều hoà tất cả mọi việc, và cao hơn nữa là hoàn hảo tuyệt đối. Đọc đến đây mọi người có thể nói là hoàn hảo thì ai chả thích, không va chạm thì ai chả mong, cứ gì châu Á?

Tôi cũng từng nghĩ thế, cho đến khi đọc được nghiên cứu của người ngoại quốc viết về châu Á. Họ nhìn xã hội châu Á theo lăng kính của người đứng ngoài, mặc dù có nhiều điều hạn chế, nhưng có những điểm rất thú vị mà tôi (là người trong cuộc) coi như hiển nhiên, đương nhiên là thế, nhưng với họ thì là vô cùng khác biệt.

Bậc cha mẹ Trung Quốc thường dạy con bằng những thông điệp khác hẳn nhau (Ảnh:shutterstock).
Bậc cha mẹ Trung Quốc thường dạy con bằng những thông điệp khác hẳn nhau (Ảnh:shutterstock).

Học kỳ vừa rồi tôi đọc được một bài viết rất hay của Vanessa Fong (2007) tên là “Parent-Child Communication Problems and the Perceived Inadequacies of Chinese Only Children”, nói về quan hệ của cha mẹ với con cái ở Trung Quốc. Đây là bài viết, theo tôi, là cao điểm thể hiện khái niệm Tròn mà tôi muốn đề cập.

Bài viết kể về một số trường hợp học sinh, bên cạnh tên mỗi em là một vài “từ khoá” nhận xét của bố mẹ về các em, ví dụ: Xu Qun, không quan tâm đủ, không quan hệ xã hội đủ, không thật nghe lời, không xuất sắc và không đủ tự lập...

Qua một số trường hợp nữa, bài viết phân tích cha mẹ Trung Quốc đã đưa đến cho con nhiều thông điệp khác hẳn nhau (mixed messages). Muốn giữ con ở nhà, lại muốn con giỏi giao tiếp xã hội, muốn con quan tâm đến người khác nhưng chỉ giới hạn sự quan tâm này trong gia đình, họ hàng. Muốn con độc lập nhưng lại đòi hỏi con phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ, muốn con vừa trung thực nhưng lại vừa “khôn khéo”…

Tuy nhiên, cái tôi thích nhất ở bài viết này là tác giả không áp đặt hay phán xét các trường hợp là tốt hay xấu, hay dạy con phải thế này, thế kia, mà chỉ phân tích các khác biệt về văn hóa. Mặc dù chưa có con nhưng tôi thấy có lý do để cha mẹ dạy con như vậy.

Bậc cha mẹ châu Á thường dạy con mình cách để sống trong một xã hội yêu cầu sự tròn trịa (Ảnh minh họa).
Bậc cha mẹ châu Á thường dạy con mình cách để sống trong một xã hội yêu cầu sự tròn trịa (Ảnh minh họa).

Họ sinh ra và lớn lên trong xã hội yêu cầu “phải thế này, nhưng cũng phải thế kia...” và “không được thế này quá, không được thế kia quá...” thì việc dạy con như vậy là đương nhiên để chuẩn bị cho một xã hội yêu cầu sống tròn trịa như thế.

Tuy vậy, là một phụ nữ và là người nghiên cứu về giáo dục, tôi cảm thấy dường như xã hội châu Á có tầng tầng lớp lớp yêu cầu về “đối nhân xử thế”, và khá mệt mỏi để làm vừa lòng mọi người, có khi vừa lòng được mọi người rồi thì lại không vừa nổi lòng mình.

Tôi từng làm ở nhiều nơi khác nhau, nói chung môi trường nào, dù “trong sáng” đến đâu cũng phức tạp về quan hệ người với người, nhất là phụ nữ với nhau. Tôi từng thấy có chị sống Tròn lắm, ai nói gì cũng cười, ai mắng gì cũng nhận, lúc nào cũng nhìn trước nhìn sau xem có chạm phải ai không.

Tóm lại là một “người con gái Việt” sống ổn định, mong hết giờ làm về nhà chăm chồng con. Nhưng không phải ai cũng thích, có người còn ví chị như một con rùa, ngoan thì ngoan nhưng lăn lóc trong mai rùa ở xó nhà, nhìn là muốn... đá! (phụ nữ nhiều khi “ngoa” thế đấy). À, thế ra tròn trịa cũng không hẳn là ổn.

Tại sao mọi người vẫn tung hô những mẫu người tự tin, vẫn dạy con “phải là chính tôi”, làm sao có thể vừa tự tin, vừa là chính mình mà lại vừa “nghe ngóng” mọi người xung quanh và chiều lòng tất cả được?

Phải chăng là phải Méo, là phải chấp nhận có những cái mình khác người, sẽ có va chạm, có xung đột nhưng được sống đúng với bản thân. Kiểu như tôi biết mọi người sẽ thích hơn nếu tôi thế này, thế kia, nhưng tôi chỉ có như thế thôi, miễn là tôi không hại đến ai, cứ để tôi là tôi. Tôi đã từng gặp rất nhiều người như vậy, đa phần là đàn ông (có những người Méo nhưng rất thành đạt). Một giáo sư đại học ở Mỹ kể với tôi là khi còn trẻ ông cũng khốn khổ vì phải chiều lòng mọi người, bây giờ có tiền, có địa vị rồi thì “I don’t give a sh*t”.

Tôi cũng gặp nhiều phụ nữ Méo, người ta vẫn “mỹ hóa” bằng từ “cá tính”. Ví dụ trong khi mọi người tung hô sự “cá tính” của mấy bạn gái như Huyền Chip hay siêu mẫu Hà Anh (tranh luận xung quanh mấy người này tôi không bàn đến, nhưng khẳng định họ “cá tính” theo định nghĩa của phần đông người Việt), bao giờ đi kèm tung hô cũng có mấy “anh” nhảy vào: “Có đàn ông Việt nào dám lấy em?” rồi: “Liệu đường sang Tây mà lấy chồng, trai Việt không ai lấy”. Tôi thấy rất buồn cười. Trai Việt anh là ai? Tại sao có mẫu phụ nữ này “được” đàn ông Việt yêu, mẫu phụ nữ kia thì “phải” Tây mới thích?

Liệu có thể có phụ nữ vừa Tròn lại vừa Méo, vừa “hoà nhập” với xã hội, vừa có cá tính riêng; trong công việc thì sắc sảo, quyết đoán, nhưng đã về nhà với chồng là phải “ngoan”; vừa quảng giao xã hội tốt lại vừa “tề gia nội trợ” hướng vào gia đình; tóm lại “vừa thế này, lại vừa thế kia”?

Trong xã hội không thiếu những phụ nữ vừa
Trong xã hội không thiếu những phụ nữ vừa "tròn" lại vừa "méo", vừa giỏi công việc mà cũng chăm lo việc nhà (Ảnh minh họa).

Nếu đây là một câu hỏi thật sự thì câu trả lời của tôi là: Có! Có kiểu người phụ nữ như vậy, rất nhiều người phụ nữ gồng mình lên để có thể “hai chân bước hai cầu”. Người điển hình chính là mẹ tôi - một người phụ nữ đã “master” trò chơi tròn méo này (mặc dù không bao giờ thích) để che chắn cho tôi hơn một phần tư cuộc đời.

Nhưng nếu hỏi tôi có thể (có muốn) làm như mẹ không, có muốn con gái tôi như mẹ không thì câu trả lời sẽ đều là không. Vì cuộc đời mỗi người chỉ có một, tại sao lại phải cố gắng sống thành hai?

Tôi quan niệm, dù là phụ nữ Việt Nam (với đủ các phẩm chất đạo đức “được” liệt kê trong sách giáo khoa) hay là phụ nữ Tây hay Tàu thì Tròn hay Méo là quyền lựa chọn của mỗi người. Xin đừng có, “vì em là người Việt Nam, vì em là đàn bà nên em phải thế”, khi em không thế thì “chắc là em “bị” Tây hóa quá rồi”. Xin bố mẹ khi dạy con, đặc biệt là con gái, đừng nghĩ rằng những gì mình áp đặt cho con là “đương nhiên”! Tất cả đều mang ý nghĩa sâu xa về xã hội, văn hóa giáo dục, giai cấp, tôn giáo, và bình đẳng giới.

Chi Nguyễn

Chuyên gia tâm lý bật mí bí quyết 5 chữ 'N' để dạy con dành cho các bậc cha mẹ

Chuyên gia tâm lý bật mí bí quyết 5 chữ "N" để dạy con dành cho các bậc cha mẹ

Làm thế nào để không hoang mang và gặp áp lực khi bị người khác đánh giá con chưa ngoan hay con gầy quá, con béo quá...