Thau rửa bể nước cần tuân thủ những gì để tránh tai nạn thương tâm?

Sau khi UBND TP Hà Nội thông báo, nước sông Đà đã an toàn cho sinh hoạt, ăn uống, để đảm bảo vệ sinh, nhiều người dân tự mình thau rửa bể chứa nước gia đình. Tuy nhiên, rửa bể nước sao cho hiệu quả, an toàn thì không phải ai cũng biết. Một số thông tin dưới đây sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình thau rửa bể:

Trước khi vệ sinh bể: 

- Các bể chứa nước thường bị thiếu ô xi, để đảm bảo an toàn và tránh tình trạng bị ngạt, cần kiểm tra bể chứa trước khi tiến hành thau rửa bể bằng cách: đốt một cây nến, dùng dây buộc cẩn thận hạ cây nến đang cháy xuống bể chứa nước. Quan sát cây nến, nếu thấy nến tiếp tục sáng, thì bể có ô xi. Nếu nến tắt, cần dùng quạt thổi ôxi vào trước khi tiến hành các bước thau rửa bể.

- Để đảm bảo an toàn, cần có sự tham khảo và có mặt của người có chuyên môn. Không tự ý vệ sinh bể một mình. 

Trong khi vệ sinh bể 

Bể nước ngầm

Bước 1: Xả hết nước có trong bể nước ngầm. Khi còn lại một lượng nước vừa phải sử dụng nilon, giẻ lau để bịt lại các đầu đường ống, tránh các chất bẩn trong quá trình thau rửa chui vào đường ống dẫn nước làm tắc đường ống sau khi chúng ta thau rửa bể nước xong.

Bước 2: Chuẩn bị bàn chải nhựa hoặc sắt, găng tay đeo, ủng đi chân.

Bước 3: Tiến hành cọ rửa bằng các biện pháp thông thường.

Bước 4: Tráng lại bể bằng nước sạch, sau đó hút toàn bộ lượng nước bẩn này ra ngoài, phơi khô bể.

Nếu phát hiện bể có những vết nứt, vỡ, nên sử dụng hỗn hợp xi măng và cát để gia cố lại các điểm đã bị nứt, hạn chế tình trạng rò rỉ nước. Phơi bể cho tới khi các điểm gia cố khô.

Bước 5: Bơm nước vào bể và sử dụng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vệ sinh bể nước inox

Bước 1: Khóa các van nước, thiết bị bơm lên bể nhằm tránh tình trạng bị điện giật trong quá trình thau rửa.

Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ bao gồm: chổi mềm chuyên dụng cho vệ sinh các bể nước, găng tay, ủng, kính bảo hộ, dung dịch vệ sinh (thuốc tẩy)…

Bước 3: Tháo toàn bộ nước ra khỏi các bể chứa, chỉ để lại một lượng nước nhỏ vừa đủ để đảm bảo quá trình thau rửa bể nước ngầm.

Bước 4: Pha dung dịch vệ sinh theo tỷ lệ 1 phần thuốc tẩy 10 phần nước. Dùng bàn chải mềm cọ sạch các lớp cặn bẩn bám trên thành bể chứa. Phần dung dịch còn thừa đổ xuống lỗ thoát nước để làm sạch đường ống bên dưới. 

Bước 5: Dùng nước để tẩy rửa lại các lớp cặn bẩn, tháo bỏ nguồn nước này ra khỏi bể cho sạch.

Bước 6: Với các bể chứa đã lâu chưa tiến hành thau rửa thì có thể sử dụng các hóa chất phù hợp. Đây là cách thau rửa bể nước nhanh tuy nhiên cần cẩn trọng khi sử dụng.

Bước 7: Vệ sinh lại các bể nước và tiến hành tích nước sử dụng như bình thường.

Lưu ý:

- Khi vệ sinh bể, sử dụng thêm dây bảo hiểm và có người ở trên theo dõi thường trực, khi gặp sự cố hoặc cảm thấy khó thở phải lên ngay.

- Trong trường hợp ngạt khí khi xuống bể ngầm, nhanh chóng kéo người bị ngạt ra nơi thoáng mát, thoáng khí, hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt, bóp bóng…) để họ thở dễ dàng, nhanh hồi tỉnh. Kịp thời đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế gần nhất.

Diệu Thuần (t/h)

Hà Nội khẳng định nước sạch sông Đà đã an toàn cho sinh hoạt, ăn uống

Hà Nội khẳng định nước sạch sông Đà đã an toàn cho sinh hoạt, ăn uống

Chiều 22-10, UBND TP Hà Nội thông tin kết quả xét nghiệm mẫu nước sạch sông Đà đạt quy chuẩn, người dân có thể sử dụng sinh hoạt, ăn uống.