Giáo sư Tim Spector (Anh) là chuyên gia về vi sinh vật học và dinh dưỡng. Ông cũng sáng lập và điều hành công ty Zoe Health, tập trung vào ứng dụng vi sinh vật với sức khỏe và dinh dưỡng cá nhân. Theo ông, cơ thể có đồng hồ sinh học và hầu hết các cơ quan đều cần được nghỉ ngơi theo từng khoảng thời gian nhất định.
Việc tạo khoảng nghỉ cho đường ruột là chìa khóa giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Giáo sư Tim nhấn mạnh rằng, khi ruột có thời gian để “tạm ngưng”, hệ vi khuẩn có lợi sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong việc bảo vệ và làm sạch niêm mạc ruột, điều này hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật. Muốn làm được điều này, có 3 thời điểm trong ngày chúng ta không nên ăn uống:
1. Sau 10 giờ tối
Ăn khuya, ăn ngay trước khi đi ngủ đều có hại cho đường ruột và sức khỏe tổng thể (Ảnh minh họa) |
Theo Giáo sư Tim, ăn tối trong khoảng 16 tới 20 giờ là tốt nhất cho sức khỏe tổng thể và sức khỏe đường ruột nói riêng. Còn sau 22 giờ, hãy cố gắng không ăn gì cho tới bữa sáng của bạn. Hoặc ít nhất, hãy để ruột nghỉ ngơi trong khoảng 22 giờ tới 2 giờ sáng hôm sau.
“Ăn khuya, đặc biệt sau 10 giờ tối, có thể khiến hệ vi khuẩn đường ruột bị quá tải. Ban đêm là thời điểm hệ vi khuẩn cần nghỉ ngơi và thực hiện các quá trình tái tạo, bao gồm cả việc hỗ trợ tiêu hóa, phân hủy chất nhầy trên niêm mạc ruột. Khi ta ăn quá muộn, đường ruột phải làm việc nhiều hơn, dễ gây rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc bệnh về dạ dày và ảnh hưởng đến giấc ngủ” - ông nói.
2. Trong vòng 3 giờ sau bữa sáng
Nhiều người có thói quen ăn vặt sau bữa sáng nhưng đây là khoảng thời gian ruột cần xử lý và hấp thu các chất dinh dưỡng từ bữa ăn chính. Ăn quá sớm sau bữa sáng sẽ gây áp lực lên ruột, làm rối loạn hệ vi khuẩn.
Giáo sư Tim Spector khuyến nghị nên đợi ít nhất 3 giờ sau bữa sáng để ruột hoàn thành nhiệm vụ của mình, giúp duy trì cân bằng vi khuẩn và hỗ trợ sức khỏe lâu dài. Nếu đói bụng, có thể uống thêm nước hoặc ăn nhẹ một chút hoa quả ít ngọt, giàu chất xơ. Ông cũng nhắc nhở thêm rằng, bữa sáng tốt cho sức khỏe và đường ruột là sau 5 giờ và không quá 9 giờ.
3. Ngay trước khi ngủ, dù ban ngày hay ban đêm
Ăn ngay trước khi đi ngủ là thói quen không tốt cho đường ruột và giấc ngủ cũng như sức khỏe tổng thể. Bất kể bạn đi ngủ sớm hay muộn, vào ban ngày hay ban đêm. Bởi khi nằm xuống, quá trình tiêu hóa bị gián đoạn, dễ gây trào ngược dạ dày, đầy hơi, khó tiêu và tăng nguy cơ béo phì. Điều này cũng ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ và làm chậm quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Đặc biệt, với giấc ngủ ban đêm, Giáo sư Tim cho biết: “Việc ăn ngay trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ vi khuẩn đường ruột. Cụ thể là mất đi thời gian nghỉ ngơi để phục hồi và làm sạch niêm mạc ruột. Phải làm việc quá tải trong trạng thái không phù hợp, lâu ngày dẫn tới suy giảm chức năng, tăng nguy cơ viêm nhiễm và suy giảm miễn dịch. Chưa kể còn gây mất ngủ và tăng cân".
Ăn xong liền đi ngủ vào ban ngày hay ban đêm đều rất hại hệ tiêu hóa, nên sửa sớm (Ảnh minh họa) |
Theo ông, nên chờ ít nhất 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn vào ban ngày mới ngủ. Còn buổi tối, cần kết thúc bữa ăn cuối cùng trong ngày ít nhất 2 - 3 giờ trước khi đi ngủ. Điều này giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa, giúp vi khuẩn đường ruột tập trung vào nhiệm vụ tái tạo và bảo vệ niêm mạc ruột.
Nguồn và ảnh: Express, Eat This Not That
Người đàn ông ăn 3 bữa đúng giờ mỗi ngày nhưng mắc ung thư ruột, bác sĩ cau mày tức giận khi biết thực đơn
Nhiều người luôn tưởng mình ăn uống lành mạnh cho đến khi phát hiện bệnh tật mới ngỡ ngàng rồi hối hận. Ông Lý (Trung Quốc) là một trong số đó.