Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố chiều 4/11, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thông tin một khảo sát do Sở Y tế thực hiện cách đây 2 ngày trên nhóm F0 mới nhập viện thuộc tầng 2, cho thấy đến 86% bệnh nhân đã tiêm 1 hoặc đủ 2 mũi vaccine. Các bệnh nhân này hầu hết có triệu chứng rất nhẹ, không cân hồi sức.
Đây là khảo sát được thực hiện tại tất cả bệnh viện ở thành phố, dựa trên số lượng F0 đang nằm viện, không bao gồm người tự cách ly hoặc ở khu cách ly quận, huyện.
Cũng theo bác sĩ Vĩnh Châu, trong số bệnh nhân khảo sát có khoảng 14% trường hợp chưa tiêm vaccine. Trong số này, khoảng 90% là người dưới 18 tuổi điều trị ở các bệnh viện nhi. Họ là F0 mới phát hiện tại các khu công nghiệp, khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.
Hiện bệnh viện điều trị Covid-19 tầng 2 của TP.HCM có chức năng tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền.
Theo khảo sát nội bộ của ngành Y tế TP, nhóm đã tiêm vaccine thì khi nhiễm Covid-19 khả năng phòng vệ tốt hơn, tỷ lệ trợ nặng giảm đáng kể. Ảnh: BVCC |
Vào giữa tháng 10, một khảo sát khác thực hiện trên khoảng 350 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, thuộc tầng 3) cho thấy, 45% trong tổng số này ở mức độ nhẹ, còn lại là nặng (cần thở oxy, thở máy không xâm lấn, xâm lấn và ECMO).
Bác sĩ Châu cho biết so sánh giữa hai nhóm bệnh nhẹ và nặng với yếu tố đã tiêm và không tiêm vaccine, cho thấy nhóm chưa tiêm có 74% bệnh nặng, 26% nhẹ. Nhóm đã tiêm (gồm một hoặc hai mũi) thì 40% mắc bệnh nặng, 60% nhẹ. Trong đó, những người đã tiêm một mũi thì 49% bị nặng; người đã tiêm hai mũi chỉ có 12% nặng.
Phân tích sâu hơn ở nhóm bệnh nặng, kết quả là, nhóm đã tiêm 2 mũi có 1 trường hợp cần thở máy xâm lấn, 5 ca phải thở oxy.
Nhóm tiêm 1 mũi thì có 10 ca phải thở máy xâm lấn. Nhóm không tiêm vaccine có 51 trường hợp phải thở máy xâm lấn, 3 ca ECMO.
Bác sĩ Châu lưu ý đây là khảo sát ở quy mô một bệnh viện chuyên khoa của thành phố, không đại diện cho toàn bộ thông tin về vaccine và bệnh nặng. Tuy nhiên, kết quả này xác nhận lại thông tin mà y văn thế giới đã khẳng định nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 thì khả năng bảo vệ tốt hơn, và tỷ lệ trở nặng khi nhiễm virus sẽ giảm đáng kể. Nếu có suy hô hấp thì những người đã tiêm đủ vaccine cũng ít phải thở máy xâm lấn.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng cho biết kể từ khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 18 đến nay, Sở Y tế chưa thống kê số F0 mới mắc là người ngoại tỉnh. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy F0 mới ghi nhận tại khu công nghiệp là người chưa tiêm đủ liều vaccine.
Do vậy, TP cảnh báo nguy cơ dịch bùng trở lại, nếu người dân chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Độ phủ vaccine tại thành phố đang cao, nhưng người dân từ các tỉnh trở về thành phố làm việc cũng tăng lên. Nếu họ chưa tiêm vaccine, nguy cơ tăng ca mắc mới, trở nặng và nhập viện.
Số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy trong 1-2 tuần qua, số ca mắc Covid-19 mới và số ca nhập viện tại tầng 2 có xu hướng tăng. Riêng số F0 tầng 2 tăng nhẹ, do nhiều nguyên nhân như: một số bệnh nhân thật sự cần nhập viện; một số có bệnh nền.
Hai tuần qua, nếu tính riêng tiêu chí là số ca mắc mới thì với 50-150 ca mắc mới/tuần/100.000 dân, TP.HCM ở cấp độ dịch 3. Với những tiêu chí đánh giá cấp độ dịch khác, như tỷ lệ tiêm vaccine cho nhóm người nguy cơ cao; năng lực điều trị... nên nhìn chung dịch TP.HCM được đánh giá ở cấp độ 2. Với cấp độ này, thành phố vẫn sẽ thực hiện kịch bản tương ứng. Thành phố đã chuẩn bị 4 kịch bản để đối phó với 4 cấp độ dịch khác nhau.
Ngành Y tế yêu cầu người dân dù đã tiêm vaccine Covid-19 vẫn không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K.
Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải (Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM) nêu thực trạng những ngày qua vẫn còn khá nhiều người dân trên địa bàn không tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Nhiều người chở trẻ con ra đường nhưng không cho đeo khẩu trang; nhiều người tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang; vào nhà hàng, quán ăn chưa tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế...
COVID-19 khiến con người mất 28 triệu năm tuổi thọ
Hơn 28 triệu năm tuổi thọ đã bị mất đi so với dự kiến vào năm 2020, theo một nghiên cứu về các quốc gia có thu nhập trung bình và cao.