"Bên trời", những câu thơ yêu tin cuộc đời

Chưa một lần nào đọc thơ mà tôi không lặng đi vì ngỡ nhà thơ viết riêng cho mình, viết hộ lòng mình, viết hộ ký ức mình.

“Nhị Hà chở ngàn năm trên ngọn sóng hoa văn

Cổ ngư dệt chiều thu thảo…”

Sài Gòn tháng 12 mát dịu như ngày Tết hanh khô Hà Nội quê tôi. Đầu tuần rồi, nghe đài báo Hà Nội đã có lúc xuống đến 11độ C. Ở xa… lúc nào cũng thèm mùa đông Hà Nội. Thế mà mùa đông ập đến không kịp trở tay, nỗi nhớ từ phương trời chỉ có nắng với hai mùa khô ướt tê tái hơn cả nghe tin gió mùa về ở nơi ấy.

Nhớ, nên cứ ngừng vẽ là tôi đọc thơ Trần Kim Hoa. Gần như là thuộc hết "Bên Trời" rồi, nhưng chiều nay nắng yếu, cuối ngày mà màu nắng như khóc khi cứ hây hẩy qua tán lá. Hôm nay Hà Nội hiện ra trong thơ Hoa như cào cấu nỗi nhớ trong tôi:

 “ngày không bắt đầu bằng mặt trời

mưa li ti cám dỗ 

hàng cây chiều qua hớn hở

sáng nay so vai

ngã tư chiều qua hớn hở

sau một đêm trong hơi nước như đàn kiến bơi…

….

Hà Nội gió mùa đông bắc về

phố chưa kịp trở vàng

ai đó vội thốt lời yêu đã vội vã chia tay

những ngày thu cuối cùng phập phù trên cây bàng lá đỏ

như tấm áo phù dung

sắp sửa tuột khỏi bờ vai thiếu phụ…”

Phải ngấm, phải yêu, phải thương tiết trời Hà Nội thật như Hoa mới có thể viết câu thơ như tranh vẽ như thế. Cuối thu nhưng nơi ấy lá chưa vàng, chưa rụng đâu.            

Thu Hà Nội không phải thu châu Âu hay thu châu Mỹ, châu Úc. Cây và phố nhuộm màu là cuối đông cơ.

Nhưng mùa đông mới thật gây nhớ dù rét, dù buốt và đời sống vất vả hơn ngày nắng nhiều lắm.

Nhưng có vất vả mới gây nhớ và nghiện quê hương.

Tập thơ
Tập thơ "Bên Trời" của Trần Kim Hoa.

Tôi đã từng in hai tập sách ảnh về đời sống hè phố Hà Nội. Tôi yêu sự chật chội, ngổn ngang của phố cũ trong thời mới, yêu cả vỉa hè đi bộ kiểu lượn sóng lên lên xuống xuống vì xe cộ, vì hàng, quán, vì mọi thứ đều đổ ra vỉa hè, từ ăn, chơi, nghỉ ngơi và nói cười vui buồn. Hà Nội khói bụi, tắc đường, Hà Nội nắng nực kinh hãi và rét buốt cắt da, Hà Nội có ngày nồm nhớp nháp, có ngày nóng ra đường như nướng thịt.

Nhưng, nếu ta yêu nơi ta sinh ra thì bằng đó thứ đều là chất gây nhớ, gây nghiện khi trở trời không về được.

Trần Kim Hoa viết thế này:

“Hà Nội thủng thẳng vỉa hè

Hà Nội kẹt xe từ 7 giờ sáng

Hà Nội của người đi xa se sắt nhớ

chợ Bắc Qua mê mệt tiếng người…”

Cả gia đình tôi là lính. Bố mẹ và anh chị đều mặc áo trận mạc. Là con gái út, tôi lên xe từ phố Bảo Khánh, vượt sông Hồng sông Đuống lên thẳng trường sĩ quan ở Hà Bắc vào ngày cuối thu năm 1978, hết chiến tranh biên giới phía Bắc, cuối năm 1979 theo đoàn tiền trạm, tôi bí mật lên tàu quân sự vào Nha Trang, qua cửa sổ tàu trước khi vào ga Hàng Cỏ, nhìn xuống phố, cách nhà có 20m, thấy mẹ đang lúi húi nấu cơm cạnh gốc bàng mà không được gọi, không được nhắn.

Hôm nay đọc “Hà Nội tôi mơ” của Trần Kim Hoa tôi khóc như suối chảy:

“mẹ tiễn anh qua lối hoa đào nở

ga Hàng Cỏ đoàn tàu lăn bánh

ngày Bắc đêm Nam phấp phỏng phố phường

tôi nhớ anh lên đường rất vội

ba lô mới tinh cất kín thư tình

môi cười run run rất khẽ

bím tóc người yêu xanh biếc giảng đường…

Hà Nội thập kỷ bảy mươi không ai ra đường áo trắng

mũ rơm sơ tán ngoại ô

Hà Nội trong nhiều giấc mơ

Trai tráng trở về sạm đen khói súng”

Một dòng thôi, Hoa đã viết cho cả thời thơ ấu và tuổi trẻ của tôi.

“của tôi một ngày thương nhớ

Hà Nội xênh xang phố phường

Hàng Đào đỏ bừng đôi má

Hàng Lược chải mái tóc mây…

của tôi, nơi người đã đến

Hà Nội không màng phấn son

hàng cây tưng bừng đến hẹn

kỷ niệm chất đầy trong tim…”

Tháng 12. Cả tuần nay Sài Gòn mưa trái mùa. Ngoài kia khăn áo mùa đông kín mít.

“băng qua đường

vấp phải heo may…” 

“trái tim khẽ rung lên

chỉ là giá lạnh ngoài cửa thôi…”

“ngày vội trôi như nước

đêm tất tả về sáng

trăng trên cao đơn độc dọn mình

gió trên cao

bươn bả tìm mình

dảnh mạ lội bùn

tháng chạp chân son

đồng chiều lục lạc

vùi trong sương lạnh

khúc đồng dao mắt tròn xoe”

 

“mặt trời mỗi ngày dán lên cánh cửa

mệnh lệnh duy nhất

sống

để cảm nhận niềm vui thật thà như đếm

và nỗi buồn lẳng lơ

để tiễn đưa từng sợi tóc xanh

nghe tiếng chim ríu rít trên cành

để tằn tiện từng xu kiếm được

và đánh rơi chuỗi hạt thời gian trong đáy giếng lợi danh

để khóc những giọt nước mắt ngày xưa thì trong bây giờ thì đục

đi hết cơn mơ dẫu ngắn hay dài

và biết mình thực ra đang đợi

giấc mơ cuối cùng…”

Người đàn bà thơ đã nhòa nhoẹt trong tôi gần 30 năm chìm trong im lặng, chưa một lần nào gặp thơ Hoa, đọc tâm hồn nhà thơ ra giấy, ra chữ mà tôi không lặng đi, vì ngỡ nhà thơ viết riêng cho mình, viết hộ lòng mình, viết hộ ký ức mình.

Nhà thơ Trần Kim Hoa.
Nhà thơ Trần Kim Hoa.

Gặp và biết Hoa lâu lắm rồi, từ ngày cũng đang làm báo, vài lần thoáng qua khi đi cùng chị gái đến VPĐD báo Phụ nữ HCM ở Hà Nội những năm 1990…

Mãi mới đây, gặp lại Hoa trên Facebook, lâu lâu được đọc một bài mới, tôi nhận ra thơ sao người vậy. Hoa ra tập thơ "Bên Trời", tôi mới mạnh dạn hỏi rằng, tập này có bán trong Sài Gòn không. Ngay sau đấy Hoa gửi cho tôi tập thơ mới ra. Tôi không đọc ngay. Rồi tôi nhẩn nha… những khi trống trải nhớ nhà.

Hai tháng rồi, tôi thấy mình trong từng con chữ của Hoa, tôi đọc và chìm mình trong nhớ nhung ký ức; đồng cảm rồi, thuộc cả chữ rồi, chiều nay thời tiết Sài Gòn hiu hiu gió lạnh, pha ấm trà nhài, bỗng nước mắt cứ chảy, tôi bật ra lời: “rồi như khói mỏng về trời - cách duy nhất để đầy thêm và vơi bớt”. Là chữ Hoa viết, nhưng tôi đảo câu.

Lần nào gặp đâu đó bài thơ trên báo hay tạp chí mà khiến tôi ẩn trong từng mênh mông ký ức và hình ảnh do câu chữ mở ra, dìm tôi đi mướt mát, rưng rưng, phải rất lâu sau lắng lại, tôi mới tìm xem ai là tác giả mà khiến tôi tan loãng thế này. Hầu như lần nào cũng là thơ Trần Kim Hoa. Thơ hay tranh đầy cảm xúc không nệ tên tác giả.

Hoa viết khơi gợi từ cảm xúc tâm tư trái tim. Con chữ mềm như tâm hồn trải ra, cô đọng, chắt lọc. Bộc bạch, khát khao, nhớ nhung, nuối tiếc và dặn lòng… Tôi thấy ký ức đã trải qua, thấy thời gian, thấy gió, thấy bốn mùa và thấy thân phận, tình yêu trong mỗi dòng:

“đơn độc mũi tên mùa hạ

ký ức chói chang

hoa xấu hổ góc vườn xưa yêu dấu

ban trưa trôi nhanh trên một cánh chuồn…”

….

“ta biết những hư không những khoảng trống những phương trời

người với người, mùa thu với mùa thu, dòng sông với bên bồi bên lở

biết cỏ đã bén xanh một thời, đã héo vàng một thuở

dễ ta có khác gì nhau…”

Tôi nhớ từng câu, từng dòng như thể ký ức ấy, tâm tư ấy… là của mình. Nhưng là thơ của Hoa.

Chiều nay, trong nhà tôi, chỉ cần mượn mấy dòng Hoa viết thôi:

“nắng len khe cửa

gió gối thì thào

gương mặt mùa hè sao đêm nhức nhối

ta và mình

như thể một bình minh

giấc mơ thuở nào nhen lên

vành môi thuở nào à ơi

à ơi

nắng

vắng…”

Đọc thơ Hoa không phải để kể lại thơ Hoa thế nào.

Chỉ muốn cám ơn nhà thơ đã nuôi tâm hồn tôi sau quá nhiều năm tháng trống trải thèm cả lửa, thèm cả rét, thèm cả gió, thèm mênh mông, thèm tụ hội, thèm tiếng cười, thèm vòng ôm và thèm cả cô đơn… khi trời se lạnh và cả khi nắng rát mặt phơi sương, khi ở nhà hay ở vùng núi cao, ở nơi biển vắng hay phố đông đều trải phía sau những vần thơ mượt như viết hộ mình.

“năm cũ về chốn cũ

bãi bờ nằm xanh rêu

dấu chân con còng nhỏ

vẽ chữ chi kín chiều”.

Làm thơ là để mở lòng mình, tôi không chúc mừng Hoa dù tập thơ "Bên Trời" nhận giải thưởng lớn, được ghi nhận, đồng cảm là người viết hạnh phúc rồi. Nhưng tôi cảm ơn nhà thơ đã có thơ cho tôi và chắc chắn cho cả nhiều người nữa rưng rưng, thấy mình được bộc bạch, trong lặng thẳm lòng mình, khi đọc thơ Hoa.

Người đẹp thế, mắt long lanh tròn vo lại cứ như buồn buồn, sâu sâu, thăm thẳm thế thì thơ đẹp và trải rộng cho bao người đồng cảm là đúng Hoa rồi. Gần 50 bài thơ chảy trong máu tôi, không nhạt một bài nào.

Vài ngày nữa thôi là sang năm mới rồi.

“xé nốt tờ lịch cũ

tháng ngày hóa thênh thang

ngựa non yên đã thắng

đò đầy đợi người sang

rũ tấm khăn phiền muộn

những ngọn gió lên đường

những dòng sống cuộn chảy

những chân trời nguôi ngoai…”

Cứ sống như mệnh lệnh, để mãi bay như gió, lao về phía trước như ngựa và ấm áp như ngọn lửa chở những câu thơ yêu tin cuộc đời mãi Hoa nhé, người đàn bà đẹp trong gió - mây, khói - hoa - cỏ - nắng - rét và chữ.

Họa sĩ Đỗ Hương

Thu và ngôn tình

Thu và ngôn tình

Văn chương của Võ Hồng Thu tất cả đều xoay quanh chuyện yêu đương. Ngôn tình thực sự là ngôn tình. Yêu là yêu, và yêu nhau thì làm tình.