Bí quyết bảo quản và chăm sóc đồ da đúng cách tại nhà

Đồ da sẽ giữ bền đẹp và có tuổi thọ lâu dài nếu được nâng niu và chăm sóc đúng cách, đặc biệt là vào những ngày nóng ẩm.

Những món đồ da có giá trị thẩm mỹ cao nhưng cũng đòi hòi sự tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc, bảo quản để luôn bền đẹp. Ngoài việc tham khảo hướng dẫn từ nhân viên khi mua sản phẩm, bạn nên biết một vài mẹo nhỏ để vệ sinh, bảo quản đồ da ngay tại nhà.

“Giặt” đồ da đúng cách

Trước khi tiến hành vệ sinh đồ da, bạn nên tìm hiểu về đặc điểm của từng chất liệu. Một số loại da cao cấp không thể đụng nước mà chỉ có thể vệ sinh bằng dung dịch tẩy rửa riêng hoặc vệ sinh khô. Đối với những món đồ sử dụng thường xuyên, đặc biệt là quần áo, bạn nên chọn chất liệu da không kị nước để dễ dàng hơn trong việc vệ sinh.

Ảnh: iStock
Ảnh: iStock

Giày da

Bạn không nên “giặt” giày da trực tiếp với nước mà chỉ nên nhẹ nhàng vệ sinh những nơi dính bẩn. Những đôi giày da bóng sẽ dễ dàng được lau chùi với dầu tắm em bé hòa cùng nước ấm. Nếu vết bẩn cứng đầu hơn, bạn có thể dùng xăng, acetone, rượu hoặc kem đánh răng cùng bàn chải mềm để đánh bay đi chúng.

Ảnh: @_sui 
Ảnh: @_sui 

Đối với giày da lộn, bạn nên sắm một chiếc bàn chải chuyên dụng để tránh hư hại bề mặt da mỗi lần vệ sinh. Dùng chiếc giũa móng tay hơ nóng hoặc một cục tẩy chà nhẹ lên giày, bạn đã có thể đánh bay những vết bẩn.

Ảnh: iStock 
Ảnh: iStock 

Túi da

Túi da có thể vệ sinh tương tự như giày nhưng không cần làm sạch thường xuyên như quần áo. Mỗi lần ra ngoài, bạn nên để sẵn trong túi một chai giấm nhỏ và chiếc khăn mềm sạch để có thể dễ dàng vệ sinh chiếc túi ngay khi vừa dính bẩn. Bạn không nên lau túi da bằng khăn giấy ướt vì hóa chất trong khăn giấy có thể khiến túi dễ phai màu, bong tróc.

Ảnh: Prada 
Ảnh: Prada 

Quần áo da

Chiếc lồng xoáy của máy giặt không phải là cách vệ sinh thân thiện với những món đồ da. Bạn nên dành thời gian giặt bằng tay với nước ấm và dầu tắm em bé để đảm bảo món đồ da luôn được chăm sóc bằng cách dịu nhẹ nhất. Những loại xà phòng có hàm lượng chất tẩy rửa cao như bột giặt, nước giặt nên được hạn chế.

Sau khi đã giặt sạch và xả kỹ lại với nước, bạn hãy nhẹ nhàng vắt khô chúng và phơi ở nơi thoáng gió. Bạn không nên vặn xoắn quá mạnh để tránh tạo nếp hằn, vết nứt mất thẩm mỹ. Nếu món đồ của bạn có kết đinh tán hoặc phụ kiện bằng kim loại, hãy đảm bảo rằng chúng đã khô hết nước trước khi cất vào tủ để tránh tình trạng rỉ sét.

Ảnh: STYLEDUMONDE 
Ảnh: STYLEDUMONDE 

Loại bỏ vết bẩn

Những vết bẩn khó chịu sẽ gây mất thẩm mỹ và làm giảm giá trị món đồ da của bạn. Xử lý vết bẩn sớm và đúng cách là điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý khi bảo quản đồ da. Vết bẩn khác nhau sẽ có cách xử lý khác nhau. Bạn có thể tham khảo qua một vài cách vệ sinh vết bẩn thường gặp dưới đây.

Ảnh: @yoyokulala 
Ảnh: @yoyokulala 

Trước khi làm sạch cho toàn bộ bề mặt, bạn nên bắt đầu ở phần da khó nhìn thấy nhất. Nếu phần da đó không bị hư hại gì, bạn có thể tiếp tục với những phần còn lại.

Khử khuẩn

Bạn có thể khử khuẩn cho đồ da bằng cách ngâm chúng vào hỗn hợp gồm 5ml thuốc tẩy và nửa chậu nước lớn. Bạn nên ngâm trong khoảng nửa tiếng và xả lại thật kỹ với nước cho sạch chất tẩy. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tẩy sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến độ bền của da, do đó cách này chỉ nên dùng vào những lúc thật sự cần thiết.

Mùi hương khó chịu

Hòa 5g baking soda với 1 lít nước ấm và ngâm áo một lúc trước khi giặt (tầm nửa tiếng đến 1 tiếng). Baking soda hoạt động tương tự như một chất tẩy rửa tự nhiên không gây hại cho chất liệu da và khử mùi rất tốt.

Sáp nến

Phủ giấy nến (giấy nướng bánh) lên bề mặt da dính sáp. Bạn dùng bàn ủi ở mức nhỏ và áp nhẹ lên để hơi nóng từ bàn ủi làm tan chảy sáp. Tiếp tục giữ bàn ủi cho phần sáp chảy hoàn toàn đến khi bạn có thể lau sạch đi chúng.

Vết máu

Vết máu sẽ làm phần da cứng lại và gây ra mùi hương khó chịu sau khi khô đi. Nếu món đồ da của bạn không may dính máu, hãy giặt chúng dưới nước ấm và dầu tắm càng sớm càng tốt.

Nấm mốc

Nếu đồ da bị nhiễm mốc, bạn có thể pha 250ml dung dịch cồn (rubbing acohol) với 250ml nước. Thấm miếng vải vào hỗn hợp tẩy rửa và nhẹ nhàng lau chùi vị trí bị nấm mốc. Đối với những vết mốc “cứng đầu” hơn, bạn có thể dùng thêm dung dịch từ nước và xà phòng dịu nhẹ có chứa một ít hàm lượng chất tẩy rửa. Dùng khăn sạch lau đi phần dung dịch thừa trên lớp da và để khô hoàn toàn.

Vết dầu mỡ

Vết dầu mỡ là một trong những vết bẩn khó tẩy nhất trên đồ da. Bạn có thể dùng phấn rôm hoặc phấn viết bảng như một loại chất hút sạch dầu. Rắc bột phấn lên vị trí cần làm sạch và để ở nơi khô thoáng trong 1 ngày sau đó lau bằng khăn sạch.

 Ảnh: Daddy Cool
 Ảnh: Daddy Cool

Cách bảo quản đồ da khi không dùng đến

Quá trình bảo quản da sau khi sử dụng có thể ảnh hưởng đến phom dáng, chất lượng bề mặt da cũng như tuổi thọ của chúng.

- Khi món đồ da bị ướt, bạn nên phơi khô chúng ở nhiệt độ phòng, tránh sử dụng máy sấy hoặc phơi trước nắng gắt vì hơi nóng sẽ khiến da khô cứng lại và dễ nứt gãy.

- Không nên cất giữ đồ da dưới đáy tủ vì chúng có thể bị đè lên và hư hỏng. Thay vào đó, hãy treo chúng bằng giá hoặc móc gỗ và để ở nơi khô thoáng.

- Không treo đồ da bằng móc kim loại, thay vào đó hãy sử dụng móc nhựa hoặc móc gỗ có lót giấy làm phồng ở cầu vai để định hình phom áo.

Ảnh: Mademoiselle Fashion Blog 
Ảnh: Mademoiselle Fashion Blog 

- Giữ đồ da tránh xa khỏi những khu vực trong nhà có nhiệt độ cao hoặc ẩm ướt.

- Nếu bảo quản đồ da trong túi, chiếc túi bạn đang sử dụng nên có cấu tạo từ các loại vải thông thoáng như cotton. Túi bằng nhựa sẽ khiến quá trình thoáng khí gặp khó khăn dẫn đến ẩm mốc.

- Lau chùi thường xuyên hoặc định kì ngay cả những chiếc túi, đôi giày… mà bạn không hay dùng đến để yên tâm rằng chúng không bám quá nhiều bụi gây ra tình trạng mốc hỏng.

Ảnh: Trunk Club 
Ảnh: Trunk Club 

- Sử dụng giấy hoặc xốp bong bóng nhồi vào túi, mũi giày hoặc cổ giày boots để tránh tình trạng xẹp, gãy, nhàu trong khi bảo quản.

- Đối với giày có chất liệu da, bạn nên đầu tư thanh giữ phom có chất liệu gỗ thông hút ẩm, hút mùi và một chiếc tủ giày có khe thông thoáng. Nếu không có tủ, hãy đảm bảo rằng những đôi giày của bạn sẽ nằm ngay ngắn trong hộp sau khi sử dụng.

Ảnh: iStock 
Ảnh: iStock 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương