Tổng cục Khí tượng Thủy văn mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng về công tác dự báo bão Noru. Theo báo cáo, Biển Đông có thể hứng thêm 5-6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới từ nay đến cuối năm. Trong đó, 2-4 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Cũng theo báo cáo của cơ quan này, đáng lưu ý, trong các tháng cuối năm, miền Trung đối mặt với nguy cơ bão và mưa lớn dồn dập. Khả năng trong tháng 1/2023, xoáy thuận nhiệt đới vẫn còn xuất hiện ở nam Biển Đông.
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết ngày 28-29/9, mưa lớn xuất hiện ở Nghệ An và Hà Tĩnh gây ra đợt lũ trên các sông. Ngày 30/9, dự báo cho thấy lũ xuống trên sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố, trong khi lũ ở hạ lưu sông La (Hà Tĩnh) và sông Cả (Nghệ An) tiếp tục lên. Tình hình mưa lũ cũng mở ra phía bắc khi đỉnh lũ trên sông Mã (Thanh Hóa) có thể đạt báo động 1.
Theo các chuyên gia cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở. Ngoài ra, mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực đã đạt trạng thái bão hòa hoặc gần bão hòa, khả năng trượt lở cao, tập trung tại các địa phương miền núi ở Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Kon Tum.
Mưa lớn ở trung du, Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ được dự báo kéo dài đến hết ngày 30/9 với lượng phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Ngày 1/10, mưa tiếp diễn nhưng cường độ giảm và chỉ còn xuất hiện cục bộ.
Tính đến tối 29/9, ảnh hưởng của bão số 4 (Noru) khiến nhiều nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề.
Nghệ An ghi nhận 2 người chết, 1 người mất tích. Ngoài ra còn có 62 người bị thương ở thời điểm trước và trong khi bão đổ bộ, trong đó 13 người ở Quảng Trị, 8 người ở Thừa Thiên - Huế và 41 người ở Quảng Nam.
Với cường độ gió mạnh và mưa lớn sau bão, gần 3.400 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; hơn 7.300 nhà bị ngập chủ yếu ở Nghệ An. Đồng thời, gần 5.400 cây xanh gãy đổ.
Về nông nghiệp, 874 ha lúa, gần 4.500 ha hoa màu, 3.000 ha thủy sản bị ngập. Hơn 1.700 con gia súc và gần 20.300 con gia cầm cũng bị chết hoặc bị cuốn trôi.
Gió bão cũng làm sạt mái hạ lưu đập Hóc Cối (Nghệ An); 500 m kênh và 1.000 m đê, kè biển bị hư hỏng sạt lở; 12 đập, hồ chứa bị xói lở.
Hơn 10.500 trạm biến áp mất điện tạm thời do bão, các địa phương đã khắc phục xong. Tính đến tối 29/9, một đường dây 110kV chưa khôi phục nên tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục khắc phục các sự cố mất điện tại 147 xã.
Tránh mua cổ phiếu các doanh nghiệp không tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, trình độ quản lý kém và tính minh bạch thấp