Bình đẳng giới có đồng nghĩa với loại bỏ “tinh thần nghĩa hiệp”?

Khi bạn muốn chăm sóc đủ, bạn sẽ biết chính xác khi nào nên làm gì, dù đó là mở cửa cho người kia, hoặc nhận lại việc mở cửa từ họ.

Mở cửa xe, nhường chỗ, kéo hộ ghế ngồi, trả tiền cho bữa ăn... dù chỉ là những hành động nhỏ nhưng đó vẫn thường được coi là biểu hiện của sự ga-lăng, tính lịch thiệp của nam giới dành cho nữ giới.

Điều gì sẽ xảy ra khi một người đàn ông không làm theo các thông lệ ấy? Liệu anh ta có đáng bị đánh giá là “không đàn ông”? Ngược lại, khi đàn ông thể hiện sự ga-lăng theo cách trên, liệu phụ nữ có đang được trao nhiều “đặc quyền” hơn nam giới? 

Khởi nguồn của “những hành động lịch thiệp”

“Hành động lịch thiệp” được cho là có nguồn gốc từ "Bộ quy tắc hiệp sĩ" ("Notion of Chivalry" hay "Knight’s Code") thời trung cổ, hình thành và phát triển vào cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 12 ở châu Âu. Từ điển Oxford định nghĩa, “tinh thần nghĩa hiệp” (chivalry) là “một hệ thống bao gồm các quy tắc tôn giáo, đạo đức và xã hội” trong đó nhấn mạnh đến lối “cư xử lịch sự” được mong đợi ở một người đàn ông đối với người phụ nữ và các yếu tố khác như “lòng dũng cảm, danh dự, sự liêm chính và sẵn sàng giúp đỡ kẻ yếu”.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Với định nghĩa này, có thể thấy ý tưởng ban đầu về “tinh thần nghĩa hiệp” mang một dụng ý tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, dễ thấy nam giới và nữ giới không được đặt ở vị trí ngang nhau. Nếu như nam giới được kỳ vọng phải cư xử lịch thiệp, thì nữ giới lại được khắc họa như những cá nhân bị động, chờ đợi được giúp đỡ.  Bàn rộng hơn, câu hỏi có thể được đặt ra là mặc dù phụ nữ được hưởng nhiều “đặc quyền” hơn nhưng có chắc tầm quan trọng của họ được đặt ngang hàng với nam giới?

Bình đẳng giới có đồng nghĩa với loại bỏ “tinh thần nghĩa hiệp”?

“Tôi thích được ai đó mở cửa cho mình”, Emma Watson trả lời khi được hỏi về vai trò của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. “Tôi cũng thích được đưa đi ăn tối. Nhưng tôi nghĩ vấn đề mấu chốt ở đây là ‘Liệu anh có phiền không nếu tôi mở cửa cho anh’?”.

“Tinh thần nghĩa hiệp” và bình đẳng giới không hề đối chọi hay phủ nhận nhau. Nói như Hillary Clinton, “Quyền phụ nữ chính là quyền con người”. Ủng hộ bình đẳng giới dựa trên niềm tin rằng bất cứ ai cũng xứng đáng được được tôn trọng, với toàn bộ nhân phẩm và danh dự của một con người, cho dù thuộc bất cứ giới tính nào.

Người phụ nữ hoàn toàn có thể chủ động làm những việc họ muốn và có thể làm được dựa theo năng lực của họ như tự kéo ghế, trả tiền ăn, hay thậm chí mở cửa xe cho nam giới mà không sợ bị đánh giá là “quá chủ động” hay “mất giá”. Đồng thời, nam giới không đáng bị cho là “thiếu chủ động”, “kém tinh tế” nếu họ không có những hành động vốn được cho là ga-lăng, lịch thiệp theo tiêu chí chung của xã hội.

Tạm kết

Chúng tôi tin sự quan tâm, chăm sóc giữa con người với con người có nhiều cách biểu hiện khác nhau, không nhất thiết cứ phải là những hành động mang “tinh thần nghĩa hiệp”. Tất nhiên, cách mỗi người định nghĩa thế nào là quan tâm, chăm sóc là rất đa dạng. Thông qua giao tiếp trao đổi, chúng ta vẫn có thể đi đến một sự đồng thuận để cả hai đều cảm thấy được yêu thương, tôn trọng theo một cách riêng, không nhất thiết phải giống với quy chuẩn xã hội.

Suy cho cùng khi bạn quan tâm đủ, bạn sẽ muốn chăm sóc người kia. Khi bạn muốn chăm sóc đủ, bạn sẽ biết chính xác khi nào nên làm gì? Dù đó là mở cửa cho người kia, hoặc nhận lại việc mở cửa từ người kia.

Hoàng Hương

Nếu cánh mày râu trở nên vô tích sự…

Nếu cánh mày râu trở nên vô tích sự…

Phụ nữ đơn thân không còn lạ lẫm, nhưng sự chủ động làm mẹ đơn thân mà bỏ qua hôn nhân của họ thực sự khiến tôi nể trọng.