Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đưa học sinh học tập trở lại cần thực hiện thống nhất

Đã thấy yên tâm đưa các cháu đến trường và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp.

Nhằm đánh giá tình hình tổ chức dạy học trực tiếp, thúc đẩy việc mở cửa trường học an toàn tại các địa phương, Bộ GD&ĐT đã cử các đoàn công tác kiểm tra hoạt động dạy học tại các địa phương và cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND TP. Hải Phòng về các nội dung liên quan. Tại đây, đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Trường THCS Kênh Giang, Trường THPT Ngô Quyền trước khi có buổi làm việc với UBND Thành phố.

  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Hải Phòng - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Hải Phòng - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao sự mạnh mẽ, dứt khoát của Hải Phòng trong việc cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng một lần nữa nhắc lại quan điểm về sự cần thiết, cấp bách đưa học sinh trở lại trường học và nhấn mạnh sự phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay khi tỉ lệ tiêm vaccine của cả nước đã đạt rất cao, các biện pháp phòng chống, chữa trị COVID-19 đã có bước tiến dài.

Kiểm tra tại các lớp học và trò chuyện với giáo viên, hiệu trưởng nhà trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự quyết tâm cũng như công tác triển khai các điều kiện để mở cửa trường học của Trường Tiểu học Minh Tân, đặc biệt các em học sinh lớp 1 đã được đi học trực tiếp từ trước Tết Nguyên đán.

Đánh giá cao sự thận trọng của nhà trường khi thực hiện mở cửa từng bước, tổ chức giãn lớp, chia ca để dạy học, song Bộ trưởng cũng nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi cho rằng việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều.

Do đó để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nề nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.

"Chúng ta nên thực hiện đầy đủ để vừa đảm bảo việc học tập của các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh. Qua đó, làm cho cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng lưu ý nhà trường về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang được tiến hành ở lớp 1, lớp 2 và chuẩn bị cho lớp 3 trên tinh thần tập trung cao nhất.

Ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo của TP. Hải Phòng với giáo dục trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng cho rằng khi học sinh phải học trực tuyến kéo dài, Thành phố đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho việc dạy và học. Khi đưa học sinh quay trở lại trường học, Thành phố đã có ý kiến chỉ đạo thống nhất từ sớm, chính vì vậy, một số trường không đợi tới sau Tết mà trước Tết Nguyên đán đã cho học sinh tới trường.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự chuẩn bị và việc triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học tại các cơ sở giáo dục ở Hải Phòng. Việc thực hiện này cho thấy tinh thần ứng phó với dịch bệnh đầy đủ, đúng phương pháp, thái độ đúng, phù hợp và bản lĩnh của các nhà trường. 

Trước thực tế một số trường bố trí cho học sinh học một buổi/ngày khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng đề nghị Hải Phòng nhất quán, thống nhất trong việc bố trí học tập, với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho học sinh học bán trú.

"Chúng ta vẫn lấy đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu nhưng phải có sự ứng phó phù hợp. Đã thấy yên tâm đưa các cháu đến trường và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ứng phó với dịch ở trường học, Bộ trưởng lưu ý, nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể. Những nội dung này theo Bộ trưởng, đã được làm rõ trong cuốn "Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học" do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế phát hành tới các nhà trường.

Tại tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra điều kiện để dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, các trường học của tỉnh Hưng Yên sẽ đưa học sinh đi học trực tiếp trở lại bắt đầu từ ngày 14/2/2022.

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc lại chủ trương của Chính phủ là quyết tâm đưa học sinh đi học trở lại. Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các nhà trường đã phải chuyển từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến, mặc dù đạt kết quả là duy trì thói quen học tập cho học sinh và đảm bảo chương trình, kế hoạch năm học. Tuy nhiên, phương thức học tập trực tuyến không thể hiệu quả bằng phương pháp học tập trực tiếp ở bậc học mầm non và phổ thông.

Để đảm bảo an toàn khi đưa học sinh đi học trở lại, mỗi trường phải có phương án, kịch bản cụ thể. Phương án cần nêu các tình huống có học sinh, giáo viên mắc COVID-19, đồng thời  phân công rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân để khi cần có thể xử lý tình huống một cách nhanh nhất.

Cùng với đó, các nhà trường cũng cần chuẩn bị cơ sở vật chất phòng, chống dịch một cách tốt nhất, tạo lòng tin cho phụ huynh học sinh khi đưa con em mình đi học trở lại. Sở Y tế cần có kế hoạch ưu tiên vaccine để tiêm đủ theo hướng dẫn cho giáo viên và học sinh. Cố gắng đến mức cao nhất không để vì học sinh đến trường mà phát sinh ổ dịch.

Để bảo đảm an toàn trường học khi đưa học sinh đi học trở lại, nếu chỉ ngành giáo dục, các nhà trường không thể làm được, do đó, cần có sự phối hợp với ngành y tế, y tế cơ sở. Giữa ngành giáo dục và ngành y tế, nhà trường và y tế cơ sở cần phải ký quy chế phối hợp, công bố cho nhân dân biết để người dân, phụ huynh yên tâm là khi con em mình đến trường có sự giám sát an toàn của cơ quan y tế, nhân viên y tế.

Các nhà trường cũng cần bố trí đội ngũ giáo viên nắm bắt tâm lý học sinh những ngày đầu đi học trở lại. Ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên cần căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch năm học một cách phù hợp, linh hoạt thời điểm kết thúc năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục. Chú ý thời điểm kết thúc năm học đối với học sinh cuối cấp để đảm bảo chất lượng học sinh khi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Đối với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị tỉnh ưu tiên bố trí nguồn ngân sách cho giáo dục đúng theo quy định của Luật Giáo dục.

Tại Đồng Nai, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cùng đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, đại diện một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về việc chuẩn bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên trở lại trường học sau thời gian dài phải học trực tuyến do đại dịch COVID-19.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá rất cao tinh thần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, các sở ngành liên quan, các địa phương trong việc duy trì dạy và học trong thời gian xảy ra đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư trong thời gian qua.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Thời gian tới ngày học sinh đồng loạt trở lại trường học trực tiếp không còn nhiều, do đó tỉnh tiếp tục chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, công tác phòng chống dịch bệnh".

Liên quan đến xử lý tình huống phát sinh dịch bệnh khi học sinh trở lại trường, Thứ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT phải phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong xử lý như, đảm bảo ổn định dạy và học; Tiếp tục bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo chất lượng hiệu quả, củng cố kiến thức cho học sinh khi trở lại trường trước khi dạy chương trình mới, đảm bảo chất lượng và kế hoạch năm học 2021-2022.

Cũng nhằm kiểm tra công tác dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng có buổi làm việc trực tuyến với tỉnh An Giang và Kiên Giang. 

Tại An Giang, sau 3 tuần triển khai thí điểm dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 tại các trường thuộc huyện Châu Phú từ ngày 17/1 mang lại kết quả khả quan, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2.

Đại diện Sở GD&ĐT Kiên Giang thông tin, UBND tỉnh đã cho phép học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 được đến trường học trực tiếp từ ngày 7/2 đối với các vùng dịch cấp độ 1 và 2. Đối với những vùng dịch cấp độ 3 và 4, học sinh tiếp tục trực tuyến.

Trong những ngày qua, tỉ lệ học sinh lớp 7 đến 12 đi học đạt tỉ lệ cao, có 93,36 học sinh THCS và 97,26% học sinh THPT cao hơn mặt bằng chung cả nước.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh để đưa học sinh trở lại học trực tiếp an toàn, chúng ta đã có đầy đủ yếu tố. Thứ nhất, tình hình dịch bệnh của cả nước nói chung và 2 tỉnh đã được kiểm soát, đều là các địa phương vùng xanh. Biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay cũng đã thay đổi là thích ứng linh hoạt cùng các biện pháp 5K.

Thứ hai, điều kiện để học sinh quay lại trường được đảm bảo. Tỉ lệ tiêm vaccine cho cán bộ giáo viên học sinh đạt cao. Chúng ta đã có kinh nghiệm dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh, từ việc thí điểm đến nhân rộng mô hình.

Trên cơ sở kinh nghiệm và tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp những ngày vừa qua, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang tiếp tục xây dựng kế hoạch lộ trình để các cấp học còn lại tiếp tục có điều kiện trở lại học trực tiếp như đối với bậc mầm non, cấp học khác với hình thức linh hoạt.

Đề nghị tỉnh tăng cường kiểm tra hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục về các điều kiện, tiêu chí đảm bảo an toàn về phòng chống dịch. Đồng thời tăng cường truyền thông, tạo sự đồng thuận và yên tâm cho phụ huynh học sinh bằng kế hoạch cụ thể ứng phó với dịch bệnh.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn đầu  đã kiểm tra công tác tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục thành viên của Đại học Thái Nguyên.

Tại buổi làm việc, GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Thái Nguyên khẳng định nhà trường đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị đào tạo hỗ trợ sinh viên, lấy ý kiến phản hồi, rà soát chương trình, bù đắp kiến thức, kỹ năng, tư vấn tâm lý cho sinh viên. Thực hiện tốt công tác truyền thông, khen thưởng cán bộ, giảng viên, sinh viên có thành tích cao trong công tác phòng chống dịch.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các cơ sở giáo dục thành viên của Đại học Thái Nguyên cần thống nhất, đồng bộ thể hiện tinh thần quyết tâm hơn nữa trong vấn đề đưa sinh viên quay trở lại trường học tập trực tiếp. 

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tăng cường công tác truyền thông để sinh viên và gia đình các em yên tâm khi quay trở lại học trực tiếp. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhà trường cần tiếp tục có giải pháp lâu dài để thích ứng.

Nhật Nam

theo Chính phủ

Hội An nằm trong những điểm đến lãng mạn nhất thế giới mùa Valentine do CNN bình chọn

Hội An nằm trong những điểm đến lãng mạn nhất thế giới mùa Valentine do CNN bình chọn

Nằm cùng danh sách các điểm đến lãng mạn nhất hành tinh như Maldives hay Quebec (canada), Hội An (Quảng Nam)... hứa hẹn là điểm hẹn hò hấp dẫn trong mùa Valentine này.