Bộ VH-TT-DL yêu cầu làm rõ việc Panorama Mã Pí Lèng ngày càng bề thế

Không ít người nhận xét Panorama Mã Pí Lèng sau khi chỉnh sửa có phần bề thế hơn công trình ban đầu.

Hình ảnh Panorama Mã Pí Lèng lan truyền trên mạng xã hội với quy mô bề thế hơn cũ đang khiến dư luận xôn xao. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết, đã giao Cục Di sản Văn hóa kiểm tra, xem xét. 

Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pí Lèng được khởi công vào tháng 4/2017 với các sàn thép gồm 7 cấp xây bám địa hình. Đến tháng 4/2019, công trình khánh thành với tổng mặt bằng hơn 500m, xây dựng được khoảng 80% thì bị dừng vì sau khi báo chí phản ánh.

  Panorama Mã Pí Lèng sau khi chỉnh sửa gây tranh cãi

Panorama Mã Pí Lèng sau khi chỉnh sửa gây tranh cãi

Chính quyền huyện Mèo Vạc đã lập đoàn kiểm tra liên ngành, Sở Xây dựng Hà Giang yêu cầu tháo dỡ, sau đó chuyển sang đề xuất cải tạo, chỉnh sửa một phần. 

Tháng 3/2020, UBND tỉnh Hà Giang chủ trì lấy ý kiến để chỉnh sửa công trình này thành điểm dừng chân ngắm cảnh. Tháng 7, chủ đầu tư bắt đầu chỉnh trang và tới nay đưa vào khai thác. 

Theo ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Panorama Mã Pí Lèng nằm ngoài khu vực bảo vệ di sản danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng, việc xử lý thuộc trách nhiệm UBND tỉnh và huyện Mèo Vạc

Trước đó, Bộ cũng nêu ý kiến về tổng thể thẩm mỹ, hình thức công trình không phù hợp cảnh quan thiên nhiên truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy đề nghị Hà Giang cải tạo để phù hợp cảnh quan, không làm cản trở tầm nhìn của di sản, hài hòa thiên nhiên, không gây tác động tới môi trường. 

Tháng 3, trong cuộc họp góp ý kiến, các cơ quan quản lý và chuyên gia kiến trúc đều thống nhất quan điểm giữ công trình và cải tạo, chỉnh trang thành điểm dừng chân ngắm cảnh và không kinh doanh lưu trú. Hiện phần mặt tiền sát với đường của công trình đã thành 3 tầng, màu sắc chất liệu xây dựng và lớp ngói âm dương cũng hoàn toàn khác so với góp ý của các chuyên gia. 

Quy mô công trình sau cải tạo gồm 5 cấp, xây bám theo địa hình, cần tháo dỡ cấp 6 và cấp 7 có sàn thép phục vụ ngắm cảnh tại khu vực mỏm đá phía vực để đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc khẳng định công trình này được chỉnh sửa, cải tạo đúng theo hồ sơ thiết kế thẩm định xin ý kiến trước đó ở hội nghị hồi tháng 3/2020. Nhưng một số chuyên gia cho rằng chủ đầu tư và kiến trúc sư cải tạo công trình dường như không thiện chí tiếp thu góp ý.

KTS Trần Đức Hợp, nguyên giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, một trong những chuyên gia được mời tham góp ý kiến chỉnh sửa Panorama Mã Pí Lèng cho biết sau cuộc họp đó ông không được mời tham gia ý kiến gì thêm nữa. “Giá như tác giả KTS được chủ đầu tư mời cải tạo làm kỹ hơn, làm tới cùng bằng cách tham khảo hội đồng chuyên môn sâu hơn thì công trình sẽ khác”, ông nói.

Ông Hợp góp ý: “Tôi đề xuất công trình cần độc đáo, đơn giản, có ngôn ngữ kiến trúc, đặc biệt cần kiểm tra lại kết cấu công trình cho phù hợp bảo đảm độ an toàn, phòng cháy chữa cháy, môi trường”. 

Ông Đặng Tiên Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Việt Nam trước đó cũng đề xuất nên nghiên cứu lập dự án đầu tư thành sản phẩm du lịch độc đáo tại Mã Pí Lèng. Kỳ vọng về điểm dừng chân ngắm cảnh có kiến trúc độc đáo hoặc hài hòa thiên nhiên dường như không thành.

Thanh Mai

Mã Pì Lèng Panorama đang được phá dỡ một phần

Mã Pì Lèng Panorama đang được phá dỡ một phần

Mã Pì Lèng Panorama (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) sẽ được cải tạo thành điểm dừng chân theo kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc.