11 giờ trưa ngày 1 tháng 10 năm 2024 là thời khắc xúc động của tôi trên đất Ấn Độ bởi công sức 5 năm trời vận động trong nước và ở Ấn Độ được thể hiện trong bài phát biểu tại Viện quản trị kinh doanh Arham. Vẻn vẹn trong hơn 776 từ tiếng Anh nhưng công thức, chiến lược và tầm nhìn tạo nên một cách mạng đọc sách ở đất nước có hơn 1,5 tỷ người được các đối tác Ấn Độ ủng hộ và họ sẽ là những người đóng vai trò chính giúp hơn 200 triệu trẻ em nông thôn Ấn Độ được nghe và đọc sách.
Gần 12h trưa, hơn 100 học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, giảng viên tiễn tôi lên đường bằng những bước chân, biểu ngữ và cờ của Sách về nông thôn Ấn Độ với logo đôi chân cõng sách và mũi một bàn chân ra khỏi trái đất. Khi ấy, những ý tưởng tạo logo cho Sách hóa nông thôn Việt Nam từ những năm 2012, 2013, 2014, 2015 hiện về rất nhanh.
Những tranh luận với bạn bè về ý nghĩa của những logo rõ mồn một bên tai tôi. Như vậy là, lá cờ bước chân cõng sách sang Pháp, Ba Lan, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines và nay đi cùng tôi trên hành trình hơn 160km từ Pune đến Mumbai, trong niềm vui hiện tại, đã gợi nhớ một tiến trình lao động trí óc tạo những logo chưa ưng ý đến logo trở thành biểu tượng đưa sách về nông thôn không những ở Việt Nam và ra những quốc gia khác. Trí não chúng ta thật tuyệt vời làm sao!
Đoàn người đưa chân tôi đi được khoảng 700m, tôi đề nghị với tiến sĩ Atish rằng mọi người nên dừng ở đây để học sinh về nhà sớm và giao thông trên đường được đảm bảo. Và tôi lên đường một mình với lá cờ Books for Rural India/ Sách về nông thôn Ấn Độ trong tay. Trên lá cờ còn có dòng chữ “Thư viện lớp học Gyan-key” và số điện thoại của ứng dụng gọi điện miễn phí Whatsapp. Ra khỏi hàng cây mát tỏa bóng mát bên đường nhỏ, tôi cắt qua đường lớn và rẽ phải tiến về thành phố Mumbai.
Ở Ấn Độ, chiều thuận của đường nằm bên tay trái, tôi bước trên vỉa hè và dần cảm nhận được cái nóng là là mặt bê tông, bụi đường và mùi hôi tranh nhau xông vào mũi chứ không nể nả hay biết tránh người đang đi bộ vì học sinh Ấn Độ. Tôi biết chặng đường đi bộ phía trước sẽ khó khăn nhưng nhiều niềm vui ở phía trước.
Và tôi nhớ lại những gì tôi vừa chia sẻ với thầy cô giáo, học sinh, simh viên, giảng viên trong hơn một giờ trước. Công thức Thư viện lớp học 32 USD, 42 USD và 52 USD là những con số của hy vọng, của sự khả thi. Công thức ấy có thể nhân rộng bởi hàng trăm triệu cha mẹ học sinh, thầy cô giáo, cựu học sinh nếu trái tim họ được gọi. Giáo dục con trẻ nằm trong tim người mẹ.
Và tôi nhớ lại lời chia sẻ rằng “Cuộc cách mạng đọc sách chúng tôi mong đợi là nông dân và công nhân đọc sách cùng con hàng ngày, tất cả giáo viên mầm non nông thôn giúp học sinh nghe sách và chơi cùng sách, tất cả học sinh nông thôn được đọc sách ở lớp và ở nhà, và đọc sách là cấu phần quan trọng trong học tập của học sinh cũng như học tập suốt đời của mọi công dân”.
Hành trình Sách về nông thôn Ấn Độ và tôi đi bộ... lên tờ báo tiếng Marathi lớn nhất Ấn Độ. |
Một cuộc cách mạng vô vàn khó khăn ở phía trước và lời bài hát tiếng Anh “Một dollar thay đổi thế giới” do tôi viết lời ùa về trong tâm trí:
Mẹ yêu ơi, một đô la mẹ trao con
Con đã thấy chim muông trồng cây
Và bao truyện thánh hiền trên trần gian này con được đọc
Con đã thấy ngài Mahatma Gandhi bộ hành về phía biển *
Mẹ yêu ơi, một đô la mẹ trao con
Con đã thấy bạn gió trồng cây
Con được gặp bác học Marie Curie tài ba
Con yêu những chuyện về mẹ Te-zơ-ra
Mẹ yêu ơi, một đô la mẹ trao con
Một đô ấy, giúp lớp con có thư viện
Bạn bè và con đây đọc sách mỗi ngày
Cô giáo thì nói “ấy là kinh tế sẻ chia”
Mẹ yêu ơi, một đô la mẹ trao con
Hồn con đắm say những vần thơ của Taggore
Thế giới mới đến với con thật hay
Thầy giáo con nói “nước ta rồi sẽ đổi thay”
Mẹ yêu ơi, một đô la mẹ trao con
Trái tim bao người mẹ sẽ động lay
Và mọi lớp học trên thế gian này
Sẽ chứa bao truyện và những sách hay
Một đô la thay đổi thế giới chúng ta trong lặng thầm
Chỉ một đồng xu, chúng ta gieo những ước mơ
Và mọi trái tim tỏa sáng trên đời này.
Một đô la vượt xa chính mình mẹ nhỉ.
Mẹ yêu ơi, một đô la mẹ trao con diệu kỳ thế đó.
* Nói về Mahatma Gandhi đi bộ 387 km đòi muối vào năm 1930.
Đi được vài trăm mét, tôi bật livestream chia sẻ những bước chân của ngày đầu tiên với bạn bè trên Facebook. Nhiều người vào xem hành trình và bình luận ủng hộ, tôi thấy hơi tiếc về chặng đường hơn 1.700km từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 2015, vì không quay lại những bước chân đầu tiên từ nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh và không lập kênh Youtube sẻ chia những câu chuyện trên hành trình nhiều triệu bước chân.
Trên chặng đường 2,8km buổi sáng của ngày đầu tiên, tôi thấy nhiều người mẹ khuôn mặc hốc hác đội hàng hóa trên đầu, một số bà mẹ bế con ăn xin… Và tôi hiểu rằng những người mẹ nghèo ấy không thể nghe lời bài hát tiếng Anh “Một dollar thay đổi thế giới” mà ở đó người con cám ơn mẹ mình vì giúp con được đọc sách. Tôi biết rằng nếu cuộc cách mạng đọc sách chúng tôi kỳ vọng diễn ra trong ngày tôi đi bộ thì hàng chục triệu người mẹ vẫn không thể tham gia ngay vì thay đổi nhận thức những người còn lo tối nay có gì để ăn góp tiền mua sách thì khó như ai đó muốn mắt trái tôi sáng lại.
Nhưng những bước chân gọi trái tim của hàng trăm triệu bà mẹ hiểu biết sẽ giúp hàng trăm triệu đứa trẻ ở trường học được nghe và đọc sách, sẽ là lực kéo trong dài hạn, có thể giúp cháu của những bà mẹ nghèo đói được đến trường trong tương lai, khi GDP của Ấn Độ gấp đôi, gấp ba hiện nay và giáo dục mầm non đến phổ thông là bắt buộc đối với mọi gia đình.
Bước chân gọi trái tim người mẹ sẽ gọi cả những ông bố và những người khác trong xã hội tham gia tiến trình tạo nên cuộc cách mạng đọc sách ở Ấn Độ và các nước đang phát triển khác. Đó là niềm tin dẫn lái tôi trên mọi nẻo đường.
Nguyễn Quang Thạch: Chuyến đi này là thước đo để thấy được sự trưởng thành
“Tôi muốn bước chân của tôi in dấu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Châu Phi để giúp trẻ em nông thôn có sách đọc”.