Các khu phi quân sự trên thế giới

Nửa thế kỷ trước, Việt Nam cũng từng phải tồn tại một khu DMZ.

Khu vực phi quân sự hay khu giới tuyến quân sự tạm thời (Demilitarized Zone - DMZ) là khu vực, biên giới nằm giữa hai hay nhiều lực lượng quân sự đối lập mà tại đó hoạt động quân sự không được phép tiến hành do đã có thỏa thuận với nhau. 

Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 Việt Nam

Năm 1954 sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, theo Hiệp định Geneve, khu phi quân sự được thành lập chia cắt hai miền Nam Bắc. Giới tuyến tạm thời được phân chia tại vĩ tuyến 17, vị trí cầu Hiền Lương và sông Bến Hải (Quảng Trị). Trong dự kiến ban đầu, đường giới tuyến tạm thời sẽ bị xóa bỏ sau cuộc tổng tuyển cử 2 năm sau đó (1956). Nhưng nó đã trở thành vạch chia đôi hai miền Nam - Bắc suốt 30 năm sau. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Ngày 2/7/1976, Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. DMZ chính thức bị xoá bỏ.

Khu Di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương - Bến Hải nhìn từ trên cao
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Hiền Lương - Bến Hải nhìn từ trên cao

Hiện nay, Quảng Trị đang tập trung khai thác du lịch ở khu vực này, bao gồm Địa đạo Vịnh Mốc - đường hầm dài dài 2.034 m, nhà tù Lao Bảo, ….

Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải từ trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và rạng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

“Đường xanh”, Cộng hòa Síp

Đảo Síp, Cộng hòa Síp là nơi chung sống của cả người gốc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1964, khu phi quân sự “Đường xanh” được thành lập, như một biện pháp tạm thời để khôi phục hòa bình sau nhiều năm tranh chấp giữa hai dân tộc. Khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Lực lượng gìn giữ hòa bình (LLGGHB) của Liên hợp quốc (LHQ), dài 112 dặm và rộng tới 4,6 dặm.

Nguồn gốc của cái tên “Đường xanh” (Green Line) là do sau khi đóng quân ở thủ đô Nicosia, Thiếu tướng Peter Young - chỉ huy LLGGHB đã vẽ một đường ngừng bắn trên bản đồ bằng bút chì màu xanh lá cây.

Năm 1974, dưới hậu thuẫn của quân đội chính quyền Athens, người Síp gốc Hy Lạp tiến hành một cuộc đảo chính quân sự với mục đích sáp nhập hòn đảo vào Hy Lạp. Đây là tiền đề cho cuộc tấn công người gốc Hy Lạp của quân đội Thổ Nhĩ Kỹ sau đó. Cuối cùng, “Đường xanh” được mở rộng, đảo Síp bị chia thành hai phần ngăn cách bởi Vùng đệm của LHQ: phía Bắc thuộc địa phận người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp ở phía Nam.

Tại đây, phần lớn các con đường đều được chặn bởi các thùng chứa lớn hoặc dây thép gai nhằm ngăn chặn việc đi ra ngoài hoặc tiến vào Vùng đệm. Ảnh: Roman Robroek  
Tại đây, phần lớn các con đường đều được chặn bởi các thùng chứa lớn hoặc dây thép gai nhằm ngăn chặn việc đi ra ngoài hoặc tiến vào Vùng đệm. Ảnh: Roman Robroek  

Các nhà khoa học so sánh khu vực này như một “công viên” bởi lẽ nhiều nơi thuộc “Đường xanh” đã bị bỏ hoang trong nhiều năm, tạo điều kiện cho động thực vật có thể tự do phát triển.

Ước tính có khoảng 300 con cừu sừng cong mouflon được tìm thấy. Bên cạnh đó,  hoa lan ong quý hiếm, hoa Tulip Síp cùng 356 loài thực vật khác đang phát triển mạnh mẽ ở đây. Năm 2007, các nhà khoa học phát hiện sự sống của thằn lằn Schneiders Skink, chim te te, chuột Spiny Cyprus - những loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đã tuyệt chủng ở Síp.

Một khu chốt không người trực. Ảnh: Roman Robroek
Một khu chốt không người trực. Ảnh: Roman Robroek

Biên giới Iraq-Kuwait

Năm 1990, Iraq và Kuwait giao chiến. Năm 1991, Iraq chấp nhận các nghị quyết ngừng bắn và khôi phục hòa bình.

Hội đồng bảo an LHQ đã thành lập một khu phi quân sự dọc theo ranh giới giữa Iraq-Kuwait triển khai một phái đoàn gồm 300 quan sát viên để ngăn chặn các hành vi thù địch hay vi phạm ranh giới giữa hai quốc gia.

Năm 2010, chính phủ Iraq chính thức công nhận biên giới, và khu vực xung quanh trong phạm vi 500m ở cả hai bên biên giới đều đã được quy hoạch thành khu phi quân sự.

DMZ Bàn Môn Điếm (Panmunjom) Bán đảo Triều Tiên

Sau Thế chiến thứ 2, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt ở vĩ tuyến 38 tỉnh Kangwon, phía Bắc là CHDCND Triều Tiên, phía Nam là Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc). 

Năm 1950 xung đột giữa hai nước đã khiến khoảng 3 triệu người thiệt mạng. Ba năm sau, hiệp định đình chiến được ký kết nhằm mục đích ngừng bắn cho đến khi đạt được “một giải pháp hòa bình cuối cùng”, khu phi quân sự Panmunjom (Bàn Môn Điếm) được thành lập, rộng 4km dọc vĩ tuyến 38.

Trong khu vực này, không quốc gia nào được phép khai hỏa vũ khí, trang bị quân đội hoặc có bất kỳ hành động tấn công nào. 

Theo Tổ chức du lịch Hàn Quốc chia sẻ năm 2019, khu phi quân sự đón hơn 1,2 triệu du khách mỗi năm. Phía Triều Tiên không cho du khách đến khu vực này từ phía nước mình. 

Hai địa điểm nổi bật ở Triều Tiên là cột cờ Panmunjom và trạm quan sát Bức tường bê tông. Hàn Quốc cũng đã cho xây dựng nhiều điểm tham quan như Công viên Hòa bình Nuri, cầu Tự do (có rào chắn) đài quan sát núi Odu, bảo tàng, xây dựng Vọng Bái Đàn.. 

Quang cảnh từ Đài quan sát Dora. Ảnh: Carl Court / Getty Images AsiaPac / Getty Images
Quang cảnh từ Đài quan sát Dora. Ảnh: Carl Court / Getty Images AsiaPac / Getty Images

Khu DMZ này cũng được cho là một khu sinh cảnh đa dạng. Các nhà sinh thái học đã xác định được hơn 2000 loài thực vật, 300 loại chim (bao gồm cả sếu đầu đỏ quý hiếm) và 70 loại động vật có vú. Ngoài ra còn có cả gấu đen châu Á, loài báo Amur vốn đang bị đe dọa và thậm chí có thể là hổ Hàn Quốc - loài đã tuyệt chủng ở Hàn Quốc. 

 Biên giới Golan

Năm 1967, sau Chiến tranh 6 ngày giữa Israel và Syria, biên giới “lằn ranh đỏ” được thành lập, cao nguyên Golan ngăn cách hai nước được giăng phủ dây thép gai. Tại đây, LHQ kiểm soát một khu phi quân sự rộng hơn 230km².

Hiện nay, chỉ một số ít thị trấn và làng mạc vẫn còn tồn tại trong khu DMZ và được coi là "Khu vực tách biệt". Các trạm kiểm soát và tuần tra theo dõi, bảo vệ địa điểm này rất nghiêm ngặt.

Phía Bắc của vùng đêm, núi Hermon trên cao nguyên Golan nổi tiếng với rừng sồi, lan quý hiếm, mèo rừng, linh cẩu, linh cẩu,... Theo ước tính có khoảng 100 loài bướm trên ngọn núi, bao gồm cả một loài mới mới được phát hiện năm 2017. Cao nguyên còn là nơi ẩn náu của hơn 500 triệu con chim khi chúng di chuyển từ châu Âu, châu Á đến các khu trú đông của châu Phi.

Hạc trắng trên một con đường ở Cao nguyên Golan, gần biên giới Syria. Ảnh: CNN
Hạc trắng trên một con đường ở Cao nguyên Golan, gần biên giới Syria. Ảnh: CNN

Khu vực trung lập Saudi–Iraq

Trong những năm 1920, một khu phi quân sự đã được thành lập sau khi Ả Rập Xê Út và Iraq có nhiều xung đột. Tại khu vực này, các tòa nhà kiến cố không được phép xây dựng, và chỉ có các bộ lạc du mục trên sa mạc sinh sống.

Năm 1991, khu vực trung lập này bị xóa bỏ. 

Ngoài ra, thế giới còn có hai khu phi quân sự ít người biết đến

Nam Cực

Năm 1959, với mục đích để bảo tồn lục địa, duy trì tự do khoa học và ngăn chặn  hoạt động quân sự ở Nam Cực, 50 quốc gia đã ký kết một hiệp định thống nhất Nam Cực trở thành khu vực phi quân sự. Các đơn vị quân đội chỉ được phép hoạt động nghiên cứu hoặc tiến hành một số nhiệm vụ như cung cấp vật tư.

Ngoài không gian

Đây chính là một khu phi quân sự với diện tích cực lớn, ở bên ngoài không gian cách bề mặt Trái Đất 100 dặm. Năm 1967, các nước đã ký hiệp ước công nhận khu DMZ này nhằm cấm việc mang bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hay hạt nhân nào đến không gian, đồng thời cấm xây dựng các căn cứ, đồn điền quân sự. Hiện nay, hiệp ước có 110 quốc gia thành viên, song thực tế có đến 89 nước chưa hoàn thiện phê chuẩn.

Hương Giang (Tổng hợp)

Phố phường Hà Nội rực rỡ cờ đỏ chào mừng ngày lễ 30/4-1/5

Phố phường Hà Nội rực rỡ cờ đỏ chào mừng ngày lễ 30/4-1/5

Những ngày này, nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội đã được trang trí cờ hoa rực rỡ chào mừng 47 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4-1/5).