Cần làm gì khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng?

Hiểu không đúng về bệnh tay chân miệng và chăm sóc sai cách có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng, gây nhiều biến chứng đe dọa đến tính mạng của trẻ nhỏ.

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng do virus gây nên, thường tự khỏi và không đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu hiểu không đúng và chăm sóc sai cách, có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của trẻ nhỏ.

ttxvn_taychanmieng.jpg

Theo BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM, Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo, vì trẻ hay có thói quen cho tay vào miệng.

Theo quan niệm, nhiều phụ huynh thực hiện kiêng gió, kiêng nước, dẫn đến việc không tắm cho trẻ. Đây là sai lầm, bởi khi trẻ bị sốt, mồ hôi và dịch tiết ra từ các nốt phỏng bị vỡ là môi trường tốt cho vi khuẩn có hại sinh trưởng và phát triển, dẫn đến những căn bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm.

Vì thế, đừng tránh việc tắm cho trẻ, thay vào đó hãy sử dụng xà bông diệt khuẩn để thực hiện vệ sinh sạch sẽ cơ thể trẻ, sau đó lau khô, nhất là vùng cổ, nách, háng... và cho bé mặc quần áo mỏng, nhẹ, nằm ở nơi thoáng mát.

Điều quan trọng nhất trong việc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng là giữ vệ sinh sạch sẽ và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, để tăng cường sức đề kháng.

Khi nhiễm bệnh, trẻ thường hay sốt. Chỉ cần cho bé mặc đồ rộng, nằm nghỉ ở nơi thông thoáng, đừng lạm dụng thuốc hạ sốt. Chỉ nên dùng thuốc khi thân nhiệt trẻ vượt quá 38, 5 độ C. 

Do trẻ bị nổi các mụn nước trong khoang miệng và trên lưỡi, chúng thường dập vỡ rất nhanh, tạo ra các vết loét gây đau rát làm trẻ khó ăn uống. Vì những nguyên nhân này, phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ ăn thức ăn nóng và cứng.  Không nên ép trẻ ăn quá nhiều, khi trẻ đã từ chối không ăn thì nên ngưng ngay bù cho trẻ uống sữa.

Không cho trẻ ngậm đồ chơi hay núm vú cao su. Chú ý, không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi, làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.

Lưu ý khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay, bất kể trong đêm: 

Sốt cao.
Thở bất thường.

Quấy khóc liên tục. 

Khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà.

Giật mình, hốt hoảng, chới với.

Ngồi không vững hoặc đi loạng choạng.

Run tay, chân hoặc co giật.

Vã mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú. 

Yếu tay chân. 

Da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái...

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1).

So với cùng kỳ năm 2020, số mắc tăng 4 lần. Bệnh gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

HẢI MY