Theo thông tin của Tổng cục Môi trường, từ 20/3 đến nay, nhất là trong 2 tuần thực hiện cách ly xã hội, chất lượng không khí tại các đô thị tốt hơn so với 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên từ 8-9/4, giá trị PM2.5 lại tăng trở lại do phương tiện giao thông đông đúc.
Tổng cục Môi trường đánh giá chung chất lượng không khí từ đầu 2020 đến nay luôn có sự biến động do chịu tác động bởi các nguồn phát thải, hay các yếu tố như thời tiết, khí hậu, địa hình…
Cụ thể từ đầu năm do yếu tố thời tiết nên không khí có nhiều thay đổi, kèm theo đó là ảnh hưởng của đại dịch đến các hoạt động kinh tế - xã hội cũng có nhiều tác động đến diễn biến chất lượng không khí.
So với cùng kỳ các năm trước, chất lượng không khí từ 1 đến 10/4 cho thấy có xu hướng được cải thiện hơn. Từ tháng 1 đến đầu tháng 3, thông số bụi mịn PM2.5 có thấp hơn nhưng không rõ rệt. Còn nửa cuối tháng 3 đến nay, chất lượng không khí tại các đô thị tốt hơn so với đầu năm. Điều này cho thấy ảnh hưởng của các nguồn phát thải như giao thông và hoạt động sản xuất có tác động đáng kể đến chất lượng không khí đô thị.
Tại TPHCM, giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn trong 2 tuần gần đây thấp hơn so với trước đó. Còn Hà Nội, chất lượng không khí cũng có khoảng thời gian tốt hơn, song do yếu tố thời tiết nên cũng có một vài ngày biến động.
Trong 2 ngày 8-9/4, số lượng phương tiện giao thông đường bộ trong nội đô tăng hơn nên giá trị bụi mịn PM2.5 trong những ngày này cũng bắt đầu tăng lên rõ rệt.
Về thông số CO (thông số đặc trưng cho nguồn phát thải từ hoạt động giao thông tại các khu vực đô thị), trung bình 24 giờ từ nửa cuối háng 3 đến đầu tháng 4 thấp hơn so với đầu năm và với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là trong 10 ngày đầu cách ly xã hội, CO giảm đáng kể vào các khung giờ cao điểm giao thông so với các tháng trước đó.
Tổng cục Môi trường cho biết theo kết quả quan trắc trong 3 tháng đầu năm, Hà Nội có 43 ngày (chiếm tỷ lệ 47,3%) có giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn quy chuẩn cho phép và có những ngày ô nhiễm khá cao.
Ở khu vực miền Trung và miền Nam, chất lượng không khí duy trì khá ổn định ở mức tốt và trung bình. Riêng thành phố Việt Trì (Phú Thọ) và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có 6 ngày (chiếm tỷ lệ 6,6%), giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt giới hạn quy chuẩn cho phép.
Chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) giờ tại các trạm của Hà Nội trong thời gian từ 1/1 đến 9/4 có nhiều ngày chất lượng không khí kém và xấu, thậm chí có ngày rất xấu. Nhưng từ 22/3 đến 7/4, phần lớn duy trì ở mức trung bình và tốt. Hai ngày 8-9/4, chất lượng không khí đã bị suy giảm, đa số các giờ trong ngày chỉ số AQI ở mức kém và xấu.
Tỷ lệ AQI trong tháng 1 và 2 ở Hà Nội có 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100). Riêng tháng 2 có khoảng 4% số ngày chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI >200). Đến tháng 3 cải thiện hơn.
Tổng cục Môi trường nhận định việc thực hiện cách ly xã hội đã khiến chất lượng không khí được cải thiện. Lý do là có sự thay đổi các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Đây là nguyên nhân quan trọng làm thay đổi chất lượng không khí.
Cơ quan quan trắc môi trường cũng lưu ý thời gian tới cần tiếp tục theo dõi các số liệu quan trắc và các yếu tố tác động để đưa ra đánh giá cụ thể hơn.
Singapore phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng
Bộ Y tế Singapore ngày 9/12 thông báo phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng ở nước này, đồng thời cảnh báo có thể sẽ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm biến thể mới này trong những ngày tới.