Sau khi tốt nghiệp Đại học và bắt đầu đi làm, mong ước của nhiều người trẻ là có thể tích góp tiền lương để báo hiếu bố mẹ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà không phải ai cũng dễ dàng hoàn thành mục tiêu này. Có những người trẻ đã phải cố gắng tính toán trong chi tiêu từng đồng hoặc bớt ăn bớt tiêu để có thể dành tiền báo hiếu cho phụ huynh.
Tháng nào cũng gửi bố mẹ 15 triệu, còn dư tiền tiết kiệm, mua vàng
Đó là câu chuyện của một cô bạn 24 tuổi (leader một nhóm trong công ty nước ngoài) được chia sẻ trong 1 hội nhóm về quản lý tài chính cá nhân và đầu tư. Tổng thu nhập của cô bạn là 30 triệu/tháng.
Với tổng thu nhập này, hàng tháng cô đều đặn trích một nửa để biếu bố mẹ ở quê, còn lại dùng để bản thân chi tiêu ở thành phố. Chi tiêu sinh hoạt của cô trong một tháng gồm những khoản sau:
- Chi phí thuê trọ: 3 triệu.
- Đóng học phí: 2,5 triệu.
- Chi phí cho nhu cầu cá nhân như ăn uống, giải trí: 5 triệu
- Quỹ tiết kiệm và mua vàng: 5 triệu.
Cô gái đều đặn biếu bố mẹ 15 triệu hàng tháng (Ảnh minh hoạ) |
Cô chia sẻ thêm, từ nhỏ đã ý thức tìm cơ hội kiếm thêm thu nhập để đỡ đần gánh nặng tài chính và giúp bố mẹ đỡ vất vả. Hiện, cô gái còn có dự định đón bố mẹ từ quê lên thành phố cùng sinh sống để họ có thể nhận được môi trường sống tốt hơn. Tuy nhiên, cô lo lắng chi phí sinh hoạt của cả gia đình sẽ tăng cao, và cô e ngại thu nhập của mình sẽ khó trang trải cho cuộc sống sau này.
Lo cho bố mẹ ở quê thì có nên đón họ lên thành phố sống cùng?
Ở dưới phần bình luận, nhìn thấy cách chi tiêu của cô gái, nhiều người đã khen cô hiếu thảo, vì có thể dành đến 50% thu nhập hàng tháng để biếu phụ huynh - một con số mà không phải người trẻ nào cũng làm được. Bên cạnh đó, họ cũng dành lời khen cho cách chi tiêu tiết kiệm của cô, để vừa có thể một mình tự lo chi phí sinh hoạt ở thành phố, vừa có tiền tiết kiệm mà còn đỡ đần tài chính cho bố mẹ.
Mặt khác, nhiều người cũng gợi ý cô gái nên cân nhắc kỹ lưỡng và hỏi ý kiến phụ huynh trước khi đưa bố mẹ từ quê lên thành phố sinh sống. Bởi lẽ, không phải phụ huynh nào cũng dễ hòa nhập với cuộc sống nơi đô thị sau nhiều năm đã quen ở quê.
Một bữa ăn hàng ngày được cô chia sẻ. Nhiều người nhìn ảnh bữa ăn đạm bạc thì dành lời khen cho sự tiết kiệm của cô. Song họ cũng khuyên cô nên dành thêm tiền cho bản thân, tăng chăm sóc sức khoẻ vì bữa ăn này không đủ chất dinh dưỡng |
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Em giỏi quá em ơi!
- Bố mẹ bạn lên thành phố chơi thì được chứ sống cùng chắc gì bố mẹ thích đâu. Suốt ngày quanh quẩn trong căn phòng đi đâu cũng không quen. Họ ở quê và bạn gửi tiền đều cho bố mẹ là tốt rồi. Nếu bạn tiết kiệm được tiền xây sửa nhà ở quê nữa là ok.
- Nếu có điều kiện gửi tiền về quê chăm sóc ông bà tốt hơn ạ. Không khí ở quê không ô nhiễm như thành phố. Ở đây đất chật người đông sợ ông bà thấy ngột ngạt. Ở quê còn rảnh rỗi ra làm này làm kia mua vui, rồi có hàng xóm chuyện trò, chứ ở thành phố bắt ông bà ngồi không cũng chán.
Mà không biết các khu dân cư ra sao chứ chung cư chỗ mình ai ở nhà nấy, đóng kín cửa, nhiều khi cùng tầng mà sống mấy năm không biết ai là ai luôn. Còn có người thì họ lo lắng điều gì chả biết hay tâm lý làm sao mà nhiều khi mình gặp chào họ hay hỏi thăm vài câu cũng bị bơ luôn, chả thèm trả lời.
- Thương em quá. Như này đi. Bố mẹ không làm được thì lên để họ lên thành phố kiếm việc khác nhẹ nhàng. Mẹ dọn dẹp nhà cửa theo giờ, bố chạy xe công nghệ. Lên ở chung với em chứ bố mẹ cũng đi làm cho vui. Bố mẹ anh cũng nông dân, bảo ở nhà không làm gì là không chịu được đâu. Ở quê còn bà còn hàng xóm, lên thành phố sợ bố mẹ em buồn.
Nhiều người khuyên cô nên cân nhắc kỹ lưỡng về yếu tố tài chính và mong muốn của phụ huynh trước khi đưa bố mẹ từ quê lên cùng sinh sống (Ảnh minh hoạ) |
- Cảm ơn vì tấm lòng hiếu nghĩa của bạn đã muốn đón bố mẹ ở quê lên chăm sóc. Nhưng mình nghĩ bạn nên xem xét đến các yếu tố:
1. Bố mẹ bạn có muốn lên thành phố ở cùng bạn không? Thường người lớn tuổi họ ở quê quen, không khí trong lành, đi ra đi vào có việc làm, có bạn bè chòm xóm, họ vui vẻ. Lên thành phố họ thui thủi, sẽ buồn. Bạn đi làm cả ngày, tối về cũng ăn rồi ngủ hoặc có hôm đi với bạn bè, cũng không ngồi cạnh với với bố mẹ 1 ngày hơn 5 tiếng. Đấy là tâm lý chung bạn cân nhắc hỏi ý kiến bố mẹ. Mình có hiếu, thì chữ hiếu trước tiên là tôn trọng mong muốn của bố mẹ.
2. Nếu bạn muốn chăm sóc bố mẹ, có nhiều cách. Bạn có thể gửi thêm tiền về, để bố mẹ bớt đi làm lại, bớt vất vả.
3. Bạn có thể mua thêm gói bảo hiểm cho bố mẹ. Bảo hiểm sức khỏe hoặc bảo hiểm nhân thọ để chăm sóc tốt về y tế cho bố mẹ khi có việc xảy ra.
4. Có thể dành thời gian dắt bố mẹ đi du lịch, vui chơi, thăm người thân, họ hàng...
- Em trẻ mà giỏi quá. Hiện tại với thu nhập của em, chị nghĩ có thể xác định mục tiêu mua nhà ở Hà Nội. Nếu có nhà việc em đón cha mẹ lên ở, hoặc thi thoảng lên chơi, sau này có con cái ông bà lên phụ giúp là hợp lý.
Để hoàn thành mục tiêu lớn nhiều khi phải hy sinh các mục tiêu nhỏ kể cả khoảng 15 triệu hàng tháng kia. Em trao đổi rõ với bố mẹ xem hàng tháng cần chi tiêu những gì. Nếu họ không thấy thật cần thiết em xin giữ lại nhiều nhất mà tích lũy và phòng trường hợp ốm đau... cần tiền đột xuất. Chứ 1/2 lương em dùng để gửi về mà bố mẹ chỉ để ăn tiêu thì khá lãng phí.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện của cô gái này?
Chồng nổi giận khi biết tôi dùng tiền tiết kiệm trả nợ cho em trai nhưng ngày mẹ vợ ốm đau tìm đến nhà, anh lại rất lịch sự
Mẹ lo sợ vì nợ nần mà vợ chồng em trai bỏ nhau, nên đã nhiều lần xin tôi cầm cố sổ đỏ để trả nợ giúp em.