Chính phủ đề xuất dùng ngân sách thanh toán tất cả chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19

Việc điều trị Covid-19 gồm chi phí chữa bệnh Covid-19 và bệnh nền khác. Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách thanh toán chi phí điều trị.

Chiều 22/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày Báo cáo tóm tắt công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13.

Báo cáo trước Quốc hội về công tác quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trình bày và kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Theo ông Long, chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19 gồm chi phí chữa bệnh Covid-19 và chữa các bệnh nền khác. Vướng mắc hiện nay là việc thanh toán khám chữa bệnh BHYT với bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh Covid-19, vì chi phí này do ngân sách nhà nước chi trả. chi phí điều trị bệnh nền, các bệnh khác do quỹ bảo hiểm chi trả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vẫn còn chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh BHYT giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vẫn còn chênh lệch về chất lượng khám chữa bệnh BHYT giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên.

 Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thay mặt Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh nền. Đồng thời ban hành nghị quyết quy định việc đóng bảo hiểm y tế trong thời gian người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hoặc dừng hợp đồng lao động, không hưởng lương do dịch bệnh.

Thẩm tra báo cáo nêu trên, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp giải quyết dứt điểm vướng mắc trong quá trình thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; trong đó quan tâm đến việc thanh toán chi phí khám, điều trị cho người bệnh mắc COVID-19.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ tháng 4/2021, ngân sách nhà nước sẽ chi trả chi phí khám, chữa bệnh do Covid-19, gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc,... Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám chữa bệnh các bệnh khác. Bệnh nhân Covid-19 phải tự chi trả hoặc cùng chi trả các chi phí ngoài phạm vi được hưởng BHYT.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 877.537 ca nhiễm COVID-19. Đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 872.811 ca, trong đó có 795.307 người đã được công bố khỏi bệnh.  

Về công tác quản lý sử dụng quỹ BHYT năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết năm 2020, có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019. Tuy nhiên, chi phí khám chữa bệnh BHYT chỉ giảm khoảng 2% so với năm trước.

Chính phủ kiến nghị ngân sách sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị bệnh Covid-19. Ảnh: Zing
Chính phủ kiến nghị ngân sách sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị bệnh Covid-19. Ảnh: Zing

Theo ông Long, nguyên nhân chi phí khám chữa bệnh BHYT không giảm tương ứng với số lượt, bởi thời gian điều trị nội trú kéo dài do nhiều nơi bị phong tỏa, không chuyển được bệnh nhân giữa các tuyến. Dịch COVID-19 khiến người dân chỉ nhập viện khi tình trạng diễn biến nặng, dẫn đến điều trị phức tạp, tốn kém hơn...

Năm 2020, ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội đã rà soát, quyết toán số tiền 10.151 tỷ đồng chưa thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của các năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc trong việc thanh quyết toán, như thẩm định và thanh quyết toán còn chậm, tình trạng chi phí khám chữa bệnh BHYT chưa được thống nhất đưa vào quyết toán hằng năm vẫn xảy ra; chưa giải quyết triệt để việc thanh toán kinh phí tồn đọng...

Ngoài kiến nghị liên quan đến chi phí điều trị COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thay mặt Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế, thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, nợ tiền đóng, chậm đóng, trốn đóng, lạm dụng, trục lợi BHYT, để đảm bảo trong tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế;

Đến cuối năm 2020, cả nước có gần 88 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ gần 91% dân số. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%.

Cả nước có hơn 2.600 cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Tổng thu quỹ BHYT lớn hơn tổng chi trên 5.000 tỷ đồng; dự kiến kết dư quỹ bảo hiểm y tế lũy kết đến cuối năm 2020 là gần 33.000 tỷ đồng.

Q.Huy