Tất nhiên, người đi không bực bằng người trực nồi cơm, các cụ nói thế, các cụ nói không sai bao giờ, nhưng việc trực nồi cơm bây giờ khác, nói cách khác, đây là một thời cơm nước khác, hay là kiểu cơm nước của một thời đã khác...
Cái giờ có mặt ở nhà để ăn cơm, có khi chỉ một bữa tối cùng nhau, trở nên hiếm hoi từ lúc nào không biết nữa. Nhưng rõ ràng, bữa ăn gia đình không giống như một nền nếp bắt buộc, như xưa. Xưa, sau 5 giờ chiều, bố mẹ từ chỗ đi làm, con cái từ chỗ đi học, đều về nhà sum vầy trong bữa tối. Xưa, nghèo, có một món mặn và một món canh, nếu không ăn cùng nhau thì cái phần để dành bao giờ trông cũng tội tội. Bốn người trong nhà tôi, nếu ăn trứng rán, thì tiêu chuẩn (thời bao cấp gì cũng là tiêu chuẩn) là một nửa quả trứng một người.
Tiêu chuẩn ấy giờ nói ra bọn trẻ khó hình dung được. Mà trứng rán, với 2 quả trứng vịt, có khi thêm chút bột mỳ pha với nước, thêm thật nhiều hành hoa thái nhỏ, vẫn là một món trông đầy đặn hơn nhiều các món thịt. Mỗi bữa ăn dưới đèn dầu thời bao cấp, thịt thái thật mỏng, mỗi bát cơm chỉ chừng 1-2 miếng mặn mặn, rồi chan canh. Đĩa thịt bé tí xíu trên mâm. Phiếu thực phẩm quy định mỗi người có mấy lạng thịt thôi, trong cả tháng.
Chuyện phân phối lượng thịt ấy có kể lại cho lũ trẻ bây giờ thì chắc chắn mang dáng dấp huyền thoại. Hai lạng thịt cho mỗi người, ngày dù ăn hai bữa, cũng là phải chia cho đến 60 lần, chẳng tay mõ làng nào chia nổi như thế, dù có ultra mỏng, 2 lạng thịt chia 60 vẫn là điều không thể hình dung.
Nhưng, một người mẹ, một người nội trợ thì vẫn phải làm viêc ấy. Không chia 2 lạng thịt thành 60 miếng, mà chia những bữa ăn của 30 ngày trong tháng thành những bữa có thịt và tất nhiên, dằng dặc những bữa không có thịt. Những ngày cuối tuần bởi thế, thành những ngày bếp núc thật tưng bừng. Không ai hình dung được một con vịt bán theo phiếu chưa đến 1,5 kg và đầy lông măng lại là một bữa tiệc rất hoành tráng, bao gồm tiết canh, luộc, xáo măng, lòng mề xào mướp... cho một gia đình. Hay cứ thứ bảy, chủ nhật nhà nhà bún chả, ngạt ngào hương thịt nướng bay khắp xóm, thịt chẳng làm gì thơm bằng nướng chả, cho nên cả nhà với mấy lạng thịt cũng bỗng dưng như có tiệc...
Nhắc thời ấy, là vì, sự phần cơm liên quan đến những bữa ăn có dây dưa chút thịt. Có gì buồn bằng mâm đã dọn, lũ trẻ háu đói đã ngồi thật sát, tay lăm lăm đũa, mà vẫn chưa dám động vào mâm, vì chưa có hiệu lệnh gắp, lý do là bố chưa về. Trong mâm cơm nghèo ngày xưa có một chữ Lễ. Hình như càng nghèo, chữ Lễ càng to.
Sự đợi cơm ngày xưa không hẳn chỉ vì cơm, nó là cách cư xử của những người trong nhà với nhau. Có kính, có nhường... Người chủ nhà vào mâm có khi không gắp cho mình ngay, mà thường gắp thức ăn cho con, cho vợ. Cái sự đợi chờ bố về được bù đắp trong nháy mắt. Vẻn vẹn có một tí cơm với tí thức ăn, nhưng ấm cúng một bữa ăn.
Quay lại với việc chờ cơm.
Bởi cái lẽ thức ăn ngày xưa ít ỏi lắm. Trong nhà cũng không có sẵn mỳ tôm và tủ lạnh, nên nếu cha hay mẹ, hay một ai đó có vị trí trong gia đình chưa về cùng ăn, thì chia lại mâm cơm không phải việc dễ dàng. Đã phần, thì phải phần cho đàng hoàng, nên cả nhà ăn gì cũng phải để lại y như thế cho người vắng mặt, mà phải để miếng ngon lành nhất, đầy đặn nhất. Có khi một người chưa về, san sẻ cả nửa chỗ thức ăn, vẫn chưa ổn vì nhìn chưa đẹp mắt. Mẹ, hay bố, không cho lũ con ăn trước dường như ngoài chữ Lễ, còn có chữ Kiệm. Cứ chia ra nửa mâm cho người đi vắng, là lũ trẻ lại thiếu, lại đòi, bữa ăn như thế không ngon.
Một bữa ăn trong một ngày là chuyện nhỏ thôi. Khi mà thời đại mới đem đến những quan niệm khác về sự ăn uống. Khi thời gian trở về nhà của mỗi người khác xa nhau, những bữa cơm chung đã không còn ý nghĩa ngày xưa. Thức ăn còn, vi sóng hoặc đun lại, không có gì phải nghĩ. Ai về giờ nào ăn giờ nấy, cũng không cần phải bực nhau...
Chỉ có đôi khi, nhớ quay quắt những bữa cơm phải đợi chờ. Thời chiến đã đành, thời bình cũng vậy. Nhớ những lúc rón rén định đưa đũa vào mâm rồi không dám, ngại ánh mắt của mẹ. Nhớ, bởi hầu như không còn nữa. Chữ Lễ ngày xưa lạc hậu đã rất lâu rồi.
Phụ nữ: giận hờn thế nào cho đủ yêu thương?
Người phụ nữ thông minh, đầy trải nghiệm sống sẽ không dễ mất bình tĩnh để cãi cọ mà sẽ tự suy xét, tự đặt câu hỏi và tự trả lời.