“Chồng” rồi sẽ không còn là nhân vật phản diện đầy đáng ghét

Đừng nhìn đàn ông ở vai trò phản diện chỉ vì anh ấy “không biết”, hãy bao dung thay vì sự oán giận, bạn cũng sẽ thấy nhẹ nhàng cho chính mình.

Có rất nhiều phụ nữ tâm sự với mình về những uất ức sau sinh đa phần đều liên quan đến người chồng. Thật ra thì khi phụ nữ có gia đình mối quan hệ mật thiết nhất với họ lúc này là chồng, là con. Thế nên nếu mà một người phụ nữ trầm cảm sau sinh thì nguyên nhân phần lớn vẫn là mối quan hệ với chồng.

Nếu chồng tâm lý, yêu thương vợ, quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ vợ thì mọi vấn đề đều có thể được giải quyết, giả như cô ấy có đối diện với sự xung đột trong cách nuôi dạy con với những người lớn trong nhà hoặc là đứng trước sự chê bai về ngoại hình của bao nhiêu người bên ngoài. Chỉ cần chồng cô ấy đủ yêu thương, tử tế với cô ấy thì những vấn đề khác không còn là điều quan trọng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thế nhưng, đàn ông Việt Nam đa phần không được giáo dục về cách chăm sóc một phụ nữ sau sinh. Có biết bao nhiêu hình ảnh chế cười-trong-nước-mắt về cảnh tượng người phụ nữ một mình ôm con trong đêm còn người chồng nằm bên cạnh vẫn đang say giấc nồng. Thậm chí, trên các diễn đàn phụ nữ, khi admin đặt câu hỏi “Chồng bạn có thức đêm chăm con cùng bạn không?”. Phía dưới đó sẽ là bao nhiêu comment oán thán.

Việc “người chồng phụ vợ chăm con” vốn dĩ là một trách nhiệm mà người đàn ông phải làm với gia đình nhỏ của mình cũng trở thành một điều xa xỉ để rồi người phụ nữ nào có chồng được như thế cũng khiến bao nhiêu phụ nữ khác trầm trồ ngưỡng mộ ghen tị gọi là “anh chồng quốc dân”.

Người ta dần xem một điều bình thường trở thành một sự phi thường hiếm hoi. Đó là còn chưa kể anh ta có thể thốt ra những câu “chỉ có chăm con thôi” như một sự coi thường vợ phiền toái làm mỗi công việc “nhẹ nhàng” đó cũng còn không xong. Họ xem đó là “công việc của phụ nữ”.

Với họ, nó rất nhẹ nhàng đơn giản dù đứa trẻ bú sữa từ xương máu của người mẹ, dù cô ấy vất vả thức đêm thức hôm, dù cô ấy phải làm bao nhiêu việc không tên khác từng tí từng tí một từ thay bỉm, tắm con, cho con ăn chiếm hết bao nhiêu thời gian của cô ấy.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gần đây có những bộ phim ngắn tái hiện lại khung cảnh phụ nữ sau sinh. Người chồng chỉ nghĩ đến mỗi làm việc và để lại cô ấy một mình với đứa trẻ với bao xung đột về tâm lý. Và có người không kiểm soát được bản thân mà giết con, có người thì để lại thư tuyệt mệnh. Tất cả cũng chỉ vì người đàn ông đánh giá nhẹ vấn đề của vợ, không đặt mình vào vị trí của vợ để hiểu.

Cũng có những người họ yêu thương vợ con nhưng mà họ không chịu học những kỹ năng cần thiết cho một giai đoạn mới để làm chồng, làm cha. Họ không hiểu người phụ nữ cần sự hỗ trợ từ họ như thế nào. Họ nghĩ rằng chỉ cần làm việc kiếm tiền lo cho vợ con là đủ.

Và có những phụ nữ cũng không biết cách nhờ sự hỗ trợ sao cho đúng mà lại phóng ra những bất mãn, oán giận khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng. Thế là mối quan hệ cứ mãi cách xa vì mỗi bên đều thấy bên kia sai.

Khi tôi sắp sinh con, tôi và chồng cùng trải qua buổi workshop “Tâm lý vượt cạn” do bệnh viện nơi chọn sinh tổ chức. Tôi đã rất vui khi chứng kiến nhiều bà mẹ được chồng hộ tống đi học cùng. Đó là một hành động chia sẻ đầy văn minh. Tôi đã cảm thấy rất vui mừng bởi rất nhiều sản phụ được chồng đồng hành và các anh còn trả lời tốt hơn các bà vợ. Tôi cũng đã hạnh phúc với cái khoảnh khắc chồng hôn lên trán mình, nắm tay khi vừa sinh nở xong.

Nhưng “sau sinh” lại là một giai đoạn khác và chúng tôi cũng mắc phải nhiều sai lầm như các cặp vợ chồng khác. Và tôi chợt nhận ra, không những là những buổi “tâm lý vượt cạn” mà người ta cần tổ chức những buổi “tâm lý sau sinh” để các ông chồng bà vợ có thể thấu hiểu nhau hơn, làm vợ làm chồng ở từng giai đoạn là như thế nào.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhất là phụ nữ có thể học những lớp quản trị cảm xúc sau sinh bởi vì đó là giai đoạn họ rất dễ trầm cảm với nhiều diễn biến nội tâm phức tạp. Tùy mối quan hệ mà người ta tự giải quyết với nhau nhưng hãy ý thức về cách “dạy” đàn ông đến từ sự mềm mỏng của chính mình trước. Rồi từ từ hãy nâng cấp độ. 

Đừng nhìn đàn ông ở vai trò phản diện chỉ vì anh ấy “không biết”, “chẳng mấy ai dạy” nhất là trong xã hội Việt Nam.

Hãy bao dung vì họ “không biết” thay vì sự oán giận. Bạn cũng sẽ thấy nhẹ nhàng cho chính mình hơn. 

“Chồng” rồi sẽ không còn là nhân vật phản diện đầy đáng ghét. 

Vân Anh

Đừng đi tìm một cuộc sống như ý

Đừng đi tìm một cuộc sống như ý

Tha thứ cho những lỗi lầm, những lời nói vô ý của nhau sẽ khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn.