Chuyên gia tư vấn cách vẫn ăn tinh bột mà đường huyết không cao

Để kiểm soát mức độ đường huyết, các chuyên gia khuyên nên sử dụng thực phẩm chứa nhiều cacbohydrate phức hợp, tăng chất xơ và ưu tiên chất béo lành mạnh.

Đái tháo đường và tiền đái tháo đường là các rối loạn chuyển hóa được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin, hay cả hai.

Đường máu tăng biến chứng nhiều bệnh

PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên GĐ BV Nội tiết TƯ cho biết, insulin được sản xuất từ tuyến tuỵ, một tuyến nằm sau dạ dày, giúp cho các tế bào của cơ thể sử dụng đường từ máu. Glucose là một nguồn năng lượng cho các tế bào. Glucose được tạo ra từ thức ăn (tinh bột) và thức uống ngọt.

Khi bị đái tháo đường, nồng độ đường trong máu tăng cao. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đó là lý do tại sao hạ thấp lượng đường trong máu là chìa khóa để quản lý bệnh đái tháo đường. Giữ lượng đường trong máu ổn định sẽ giúp giảm nguy cơ bị các biến chứng. Đường huyết cao có thể gây tổn hại cho các cơ quan và tăng nguy cơ bị bệnh tim, biến chứng nguy hiểm ở thận, não, mắt.

Khi đã mắc đái tháo đường thường phải điều trị suốt đời bằng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống. Với người có nguy cơ bị đái tháo đường hoặc đã mắc đái tháo đường rất khó kiêng khem, vậy làm thế nào để vẫn ăn uống bình thường mà đường huyết không tăng?

Ăn tăng gạo lứt, khoai củ…

Tăng cường sử dụng thực phẩm chứa cacbohydrate phức hợp như gạo lứt, khoai củ...
Tăng cường sử dụng thực phẩm chứa cacbohydrate phức hợp như gạo lứt, khoai củ...

Lê Thị Loan, Viện Dinh dưỡng cho biết, ăn hơn 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp rất có lợi cho người mắc đái tháo đường và đặc biệt nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa. Năng lượng do nhóm bột đường cung cấp chiếm từ 55–60% tổng năng theo nhu cầu dựa vào cân nặng và mức độ hoạt động thể lực.

Hạn chế các thực phẩm có chứa carbohydrate tinh chế như bánh mỳ trắng, gạo trắng, khoai tây chiên, kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh. Nên sử dụng thực phẩm chứa nhiều cacbohydrate phức hợp như gạo lứt, khoai củ…để giữ mức đường máu ổn định vì chúng được tiêu hóa chậm hơn, do đó ngăn ngừa cơ thể sản xuất quá nhiều insulin, chúng cũng no lâu hơn.

Nếu thèm ăn đồ ngọt có thể ăn chúng trong bữa ăn, không nên ăn độc lập vì có thể gây tăng đường máu đột ngột.

Tăng chất độn để giảm đường máu

Chất độn (chất xơ) có nhiều trong một số thực phẩm như táo, cam, vỏ trái cây, cây họ đậu, gạo giã rối, rau xanh… Chất xơ có tác dụng làm giảm đáp ứng glucose máu và insulin bằng cách kìm hãm thủy phân tinh bột và hấp thu glucose, lưu thức ăn ở dạ dày lâu hơn và cải thiện độ nhạy cảm của insulin, làm giảm nhanh mức đường máu. Lượng chất xơ nhiều làm tăng cảm giác no, làm giảm cholesterol. Khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, lượng chất xơ khẩu phần khoảng 14g/1000 kcal từ thức ăn và nên là chất xơ hòa tan.

Ưu tiên chất béo “lành mạnh”

Chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp no lâu hơn, làm lượng đường trong máu không bị tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, để phòng thừa cân béo phì, mức tiêu thụ lipit trong khẩu phần ăn của người trưởng thành nằm trong khoảng 18-25% năng lượng của khẩu phần.

Nên sử dụng chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành...
Nên sử dụng chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành...

Cần tránh chất béo bão hòa, chất béo thể Trans (sản phẩm bơ sữa toàn phần và mỡ động vật, các đồ chiên rán kỹ). Cần hạn chế cholesterol ở mức thấp nhất. Nên sử dụng chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật như dầu ôliu, dầu hạt cải, dầu đậu nành…Ưu tiên sử dụng các axit béo Omega–3 hỗ trợ não và sức khỏe tim mạch.

Ngoài ra nên tăng cường hoạt động thể lực để giúp giảm cân, cải thiện độ nhạy của insulin và giúp giảm glucose máu. Nên có một chế độ luyện tập thể dục thường xuyên mỗi ngày khoảng 30p–1giờ.

Thiên Ngân

Các loại hạt giúp giảm cân hiệu quả

Các loại hạt giúp giảm cân hiệu quả

Nếu phòng gym không nằm trong kế hoạch giảm cân của bạn, những loại hạt sau đây có thể là đáp án trong cuộc chiến dai dẳng này.