Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 căng thẳng cùng với những giây phút chờ điểm đầy hồi hộp, các em học sinh lại có thêm một nỗi bận tâm mới: Chọn trường nào để học? Đó chính là tình trạng chung của các em đạt được điểm cao, đỗ nhiều trường. Đặc biệt, cũng có những học sinh thực sự yêu thích ngôi trường đã thi đỗ nhưng vì một vài lý do mà gia đình vẫn cân nhắc liệu có nên cho con theo học hay không?
Một bà mẹ mới đây cũng trong tâm trạng đầy mâu thuẫn khi con thi đỗ chuyên Toán trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên. Đây là ngôi trường chuyên được đánh giá có mặt bằng chung học sinh giỏi toàn diện nhất cả nước. Để giành một suất vào THPT Chuyên Khoa học tự nhiên không phải là điều đơn giản. Nhưng ngặt nỗi, sau khi con vượt vũ môn thành công, phụ huynh này lại băn khoăn liệu có nên cho con theo học hay không bởi gia đình chị ở tỉnh lẻ miền Trung. Có nghĩa là một khi quyết định nhập học, con sẽ phải một thân một mình tự lo cho bản thân ở thủ đô.
Người mẹ cho biết, chị có hỏi ý kiến con, con cũng tỏ ý muốn theo học nhưng cũng nói thêm đây là vấn đề hệ trọng, mẹ bình tĩnh để con tìm hiểu, suy nghĩ. Bản thân chị thì sợ con gặp khó khăn khi ở xa bố mẹ trong lứa tuổi này. Và liệu học ở trường chuyên nói trên có thực sự tốt hơn so với trường chuyên tỉnh nhà không?
Câu chuyện của bà mẹ nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên |
Nên học xa nhà để con tự lập hay giữ con bên mình để an toàn?
Nhiều người gửi lời chúc mừng gia đình, đồng thời khen ngợi người mẹ này có một đứa con vừa học giỏi, vừa hiểu chuyện. Khi con nói muốn học nhưng đây là vấn đề hệ trọng, mẹ bình tĩnh để con tìm hiểu, suy nghĩ đã - chứng tỏ con rất chín chắn và trưởng thành.
Một luồng ý kiến cho rằng, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Và thách thức lại là yếu tố quyết định sự trưởng thành, vượt ngưỡng để thành công. Đi xa là cơ hội để con mở tư duy và tầm nhìn, rèn sự tự lập. Rủi ro rất thấp do bản lĩnh của các bạn ở chuyên cũng cứng rắn hơn nhiều môi trường thường. Các con không chỉ học kiến thức mà còn có cộng đồng xã hội tinh hoa riêng để hỗ trợ nhau nhiều lĩnh vực khác ngoài học thuật trên trường.
Nhiều người cho biết, con họ cũng ở tỉnh lẻ lên Hà Nội học cấp 3. Sau một thời gian, con tự lập, trưởng thành, được giao lưu học hỏi với các bạn và thầy cô giỏi. Chỉ là chi phí sinh hoạt sẽ tốn kém hơn so với học gần nhà.
"Theo mình thì mẹ nên cho con ra nhé, môi trường học ở KHTN cũng rất tốt. Có gì mẹ cũng nhờ thêm thầy cô chủ nhiệm quan tâm và ở quê thi thoảng bố mẹ thăm hỏi con. Giờ đều có nhóm lớp, có bất kỳ điều gì thầy cô đều thông báo nên mình dù ở xa cũng sẽ nắm bắt kịp thời. Mình thấy khối chuyên các em đều được ưu tiên ở ký túc xá, có bảo vệ từng toà, có thư viện trong khuôn viên ký túc xá, có cô quản sinh ngày đến kiểm tra 1 lần và nhắc nhở nề nếp, khá an toàn. Các e vào đó đều là các e ngoan, có ý thức tự giác học tập cao. Các em sau này ra trường đều thi quốc gia, quốc tế, đỗ đại học top đầu hoặc đi du học cả", một người nói.
Ý kiến khác lại khuyên bà mẹ nên cho con học chuyên ở Tỉnh. Các trường chuyên ở Tỉnh không hề kém thành phố lớn, mà tuổi này con cần bố mẹ bên cạnh. Khi xa nhà, không có người hỗ trợ kịp thời, từ định hướng học tập, nghề, nhân cách, thái độ sống... và xa hơn là mất dần kết nối với gia đình và người thân. Học tập chỉ là 1 khía cạnh của cuộc sống. Con khỏe mạnh, vui vẻ, gắn bó với gia đình còn quan trọng hơn. Cám dỗ bên ngoài rất nhiều: Từ game, bạn bè chơi bời, sinh hoạt không điều độ thức khuya dậy muộn bỏ học…Rồi có thể áp lực, sinh ra bệnh tâm lý… Bố mẹ thì ở xa, có lao lên với con cũng nửa ngày đường, nước xa không cứu được lửa gần.
Con bạn giỏi thì học trường chuyên Tỉnh vẫn giỏi, nhất là với độ phủ thông tin như hiện tại, kỹ năng thiếu hoàn toàn có thể bù đắp mà không cần “đến tận nơi”. Một lý do nữa là thuận cho bố mẹ về kinh tế, cũng như thời gian chuyển giao để con tự lập hẳn.
Một số phụ huynh nhận định, nếu con tự giác và kỷ luật thì ra Hà Nội học là mở mang chân trời kiến thức và trải nghiệm cực kỳ tốt. Còn không, nếu bố mẹ không sát sao, cháu có thể sẽ mất phương hướng. Tốt nhất, gia đình nên cho con ra tận nơi tìm hiểu về môi trường ăn ở sinh hoạt để cùng con lên phương án tổ chức cuộc sống ổn định khi xa nhà để con quyết định. "Cùng lắm nếu học 1 kỳ hoặc 1 năm thấy không ổn lại quay về học gần nhà vẫn được mà, còn hơn bỏ qua sau này lại hối tiếc, tuổi trẻ nên để các con mạnh dạn dấn thân bơi ra biển lớn", một người nói. Cũng có người trách bà mẹ đã không suy tính kĩ, khiến con ôn luyện vất vả vào trường chuyên rồi cuối cùng lại để gia đình vào tình thế khó xử.
Nói về tình huống này, một giáo viên dạy Văn ở Hà Nội cho biết: Để trả lời câu hỏi này thì chính người mẹ phải xác định lại các vấn đề sau:
1. Tính cách của con. Đã tự lập chưa, đủ bản lĩnh chưa, có thể thu xếp cuộc sống không có bố mẹ ở bên không?
2. Mục tiêu của con và gia đình. Nếu chỉ là một môi trường học tập tốt thì trường chuyên của Tỉnh đủ đáp ứng, hồ sơ đẹp, vào đại học tốt chuyên Tỉnh vẫn đáp ứng tốt. Chuyên của các trường đại học phù hợp nhất với mục tiêu thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Nếu không đi theo con đường đó thì cá nhân mình thấy không cần thiết.
3. Bên cạnh đó con đi học xa nhà ở độ tuổi vừa mới lớn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Mình đã thấy các trường hợp rời trường thành phố về lại quê của một số bạn. Nếu tính tự chủ không cao, bản lĩnh không lớn và không theo đuổi việc vào các đội tuyển sẽ rảnh và dễ sa đà. Ngược lại vẫn có rất nhiều bạn tiến xa nên vẫn phải xem tố chất của con và sự giám sát của gia đình nữa để quyết định.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh có anh chồng "cực phẩm": Làm bố đơn thân, giấu kĩ danh tính vợ nhưng cách dạy con miễn chê
Đây là một trong những ông bố đơn thân "hot" nhất hiện tại.