COVID-19 sáng 3/5: Việt Nam không có ca nhiễm mới, cả nước khẩn trương chống dịch

Sáng 3/5, Việt Nam tạm thời không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19 khi xuất hiện tình huống mới, phức tạp hơn.

Theo Bộ Y tế,  hiện số ca nhiễm cộng đồng từ trong đợt lây nhiễm ở Hà Nam và Vĩnh Phúc là 24, nâng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch đến nay là 2.962, hiện 2.549 người bệnh đã được điều trị khỏi.

Chuỗi lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nam chỉ trong 4 ngày (từ 29/4) đã nâng lên con số 18 ca, tại 4 tỉnh thành gồm Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP.HCM.

Chuỗi lây nhiễm ở Vĩnh Phúc từ 2/5 gồm 6 ca, liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc hết cách ly di chuyển nhiều nơi, trong đó một cô gái ở Hà Nội di chuyển liên tục và tiếp xúc với nhiều người. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tiến hành giải trình tự gene virus mẫu bệnh phẩm 6 bệnh nhân này.

Theo chương trình tiêm chủng quốc gia, hiện có thêm 6.143 người tiêm vaccine COVID-19, nâng tổng số người được tiêm lên 532.247 người.

Ngày 2/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng chống COVID-19 khi xuất hiện tình huống mới, phức tạp hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, có tình huống xấu đi hơn, khó dự báo, chưa lường hết được. Yêu cầu các địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng không bi quan, bình tĩnh, trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải tốt hơn, phù hợp với tình hình.

e.jpg
Sáng nay Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. 

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm ý kiến của Chủ tịch nước ngày 30/4, nhấn mạnh việc tất cả các tỉnh, thành phố phải kích hoạt mọi phương án phòng chống dịch, để sẵn sàng phát hiện nhanh, thần tốc khoanh vùng và bao vây dập dịch; thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế,  không nhập cảnh trái phép và không che giấu người nhập cảnh trái phép, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 nhanh hơn nữa.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 667.000 ca bệnh COVID-19 và trên 9.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 153 triệu ca, trong đó trên 3,2 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (370.059 ca), Brazil (28.935 ca) và Mỹ (trên 28.900 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.422 ca), Brazil (1.074 ca) và Colombia (485 ca).

Như vậy, số ca mắc và tử vong mới của Ấn Độ có giảm so với những ngày trước đó nhưng vẫn ở mức cao đáng lo ngại. Ấn Độ từng ghi nhận trên 400.000 ca nhiễm mới trong ngày 1/5, mức cao nhất từ trước đến nay ở nước này cũng như trên thế giới. 

Riêng tháng 4 vừa qua, Ấn Độ phát hiện 7 triệu ca mắc mới. Đến nay, Ấn Độ có trên 19,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 218.945 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 30/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc mới tại Lào tăng mức 3 con số

Theo Bộ Y tế Lào, trong 24h qua, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã tăng trở lại mức 3 con số, với 112 ca tại 6 trên 18 tỉnh/thành.

Sau 5 ngày có xu hướng giảm, số ca mắc COVID-19 tại Lào lại bất ngờ tăng mạnh khi tỉnh Bokeo, Bắc Lào ghi nhận tới 60 ca, trong đó có 57 ca tại huyện Tonpheung. Huyện có Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng của Trung Quốc và từng bị phong tỏa 2 lần vào cuối năm ngoái, sau khi một số công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Myanmar vào Lào, khi về Trung Quốc thì bị xác định nhiễm COVID-19.

Mặc dù thủ đô Viêng Chăn chỉ ghi nhận 34 ca mới, nhưng số ca tăng đột biến tại Bokeo cho thấy tình hình dịch ở Lào vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường.

Tính đến ngày 2/5, Lào ghi nhận tổng cộng 933 ca mắc COVID-19, trong đó có tới gần 900 ca mới phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay và không có hợp tử vong.

Số ca nhiễm mới tại Campuchia ngày 2/5 tăng gần gấp đôi ngày 1/5

Số ca mắc COVID-19 trong ngày 2/5 được Bộ Y tế Campuchia ghi nhận tăng gần gấp đôi so với ngày hôm trước, với 730 ca và 6 trường hợp tử vong. 

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia cho tới hiện nay là 14.520 người, trong đó 5.369 trường hợp đã bình phục và 103 người tử vong. Trong số 25 tỉnh/thành của Campuchia, chỉ còn duy nhất tỉnh biên giới Ratanakiri (giáp Việt Nam) chưa có báo cáo về ca lây nhiễm nào.

Mặc dù chính quyền thủ đô Phnom Penh đã phân cấp 4 quận gồm Dangkor, Meanchey, Por Senchey và Kampol thuộc “Khu vực Đỏ” bị phong tỏa hoàn toàn với những biện pháp hành chính nghiêm ngặt nhất, nhưng có những dấu hiệu cho thấy việc kiểm soát khoanh vùng dịch bệnh đã tốt hơn.

Thời gian cho phép việc buôn bán hàng hóa tiêu dùng, rau quả và thịt cá được thực hiện từ 3h sáng tới 8h tối hàng ngày. Thông báo từ chính quyền thủ đô Phnom Penh khẳng định các giới hạn đã được nới lỏng sau khi tình hình cho thấy nhu cầu thực tế người dân trong thời gian phong tỏa. Các hình thức kinh doanh này được thực hiện qua dịch vụ giao hàng, hoặc mở cửa hàng tư nhân tại nhà. 

HẢI MY