Tạm dừng những hoạt động đời thường và lên kế hoạch cho một năm "sống khác", "gap year" là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện nay. 365 ngày "gap year" là 365 ngày không đến trường, hoặc đã tốt nghiệp cũng chưa vội "lao đầu" kiếm việc làm, mà thời gian ấy các bạn trẻ dùng để đi du lịch, làm tình nguyện… để tìm cho mình những trải nghiệm sống mới mẻ, mang lại sự tích cực thay đổi tư duy, nhân sinh quan, thế giới quan của mình.
Lê Nam Thuận An (sinh năm 2001, biệt danh Vừng) - một trong những gương mặt Gen Z không quá xa lạ với nhiều người, cũng đã quyết định "gap year" sau quá trình học tập không lâu tại Đại học Cornell - ngôi trường nằm trong IVY League đình đám.
Chân dung Lê Nam Thuận An |
Mông lung không biết nên chọn ngành học nào cho phù hợp, không rõ là mình muốn theo đuổi ngành nghề gì, cộng thêm nhiều áp lực như mới bước chân vào môi trường học cạnh tranh ở Mỹ... là những lý do cộng dồn khiến Vừng quyết định gác lại tất cả để gap year. Không để một "năm trống" của mình trôi qua vô nghĩa, nữ sinh đã tận dụng mọi cơ hội, nguồn lực để phát triển bản thân, làm được những điều "không tưởng".
Hiện tại, Vừng đã kết thúc 1 năm gap year của mình và quay trở lại với nhịp sống học tập của một cô sinh viên trường Cornell. Hành trình xách balo quay lại trường học sau một năm gap year không phải là điều dễ dàng, nhưng cô nàng vẫn cố gắng không ngừng nghỉ, vượt qua những rào cản để "dám đam mê - dám rực rỡ". Nếu bạn yêu mến nữ sinh tài năng này, hãy đề cử cho Vừng tại cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 sẽ được mở vào ngày 18/12/2023.
Một số thành tích của Lê Nam Thuận An:
- Từng theo học Bằng Tú tài Quốc tế tại trường United World College (UWC), Nhật Bản.
- Chủ nhân phim ngắn A Drop of the Ocean được công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế về biển vào tháng 3/2019.
- Trúng tuyển 6 trường đại học ở Mỹ với mức học bổng từ 70-100%.
- Đang theo học tại Đại học Cornell (Mỹ) với học bổng 7,2 tỷ đồng.
- Sở hữu kênh Youtube 222.000 lượt đăng ký, kênh TikTok gần 230.000 lượt theo dõi, trang Instagram với 124.000 lượt theo dõi.
Chào Vừng, chúc mừng bạn đã có một năm gap year có thể nói là khá thành công. Nhưng quay trở lại với thực tế nhé, sau 1 năm gap year, Vừng có cảm thấy khó khăn khi hòa nhập trở lại với môi trường nước ngoài hay không?
Thực ra 1 trong những lý do ban đầu khiến mình gap year là năm đầu tiên bắt đầu đi học ở Mỹ, mình hoàn toàn chưa biết cách làm quen với môi trường đại học ở Mỹ. Mình còn rất bỡ ngỡ với mọi thứ khi bắt đầu đặt chân tới đây. Mới tháng đầu tiên ở Mỹ, mình đã phải tất bật làm quen với môi trường học mới, kết bạn mới (trong khi vẫn còn nhiều giới hạn về giao tiếp xã hội do thời điểm đó năm 2021 bên Mỹ vẫn còn dịch Covid), tìm kiếm chương trình thực tập mùa hè, chọn ngành học, apply các câu lạc bộ khó nhằn ở trường, tìm kiếm nhà cho thuê ở trọ,... Mình hoàn toàn không biết thích ứng như thế nào và đưa ra các quyết định, nên mình mới lựa chọn gap year để suy nghĩ nhiều hơn về những khía cạnh này và mong muốn tận dụng được tối đa thời gian ở đại học của mình.
Bây giờ quay lại trường, mình đã là 1 sinh viên năm 3, và mình có 2 ưu tiên lớn nhất trong kỳ học này, nên dù có khó khăn đến mức nào mình cũng đã lường trước được: Tìm kiếm được công việc thực tập và xây dựng những tình bạn ý nghĩa.
Bạn có thể nói rõ hơn về 2 ưu tiên lớn nhất của bản thân trong kỳ học này được không?
Về ưu tiên thứ nhất, ở Mỹ, kỳ thực tập vào mùa hè năm 3 là kỳ thực tập gần như là quan trọng nhất, vì các công ty ở Mỹ thường sẽ tuyển nhân viên đi làm chính thức từ những bạn thực tập sinh thành công và ấn tượng nhất đã từng làm ở công ty 1 mùa hè trước khi họ tốt nghiệp. Chính vì vậy, mình đã chuẩn bị rất nhiều bước cho kỳ apply thực tập này, bao gồm 1 bảng điểm GPA ấn tượng, luyện tập phỏng vấn, trau chuốt hồ sơ xin việc, trò chuyện với các anh chị cùng ngành để xin kinh nghiệm và apply trung bình tới thời điểm này là khoảng 80 công việc khác nhau. Tuy nhiên, mình cũng biết là với quốc tịch là sinh viên quốc tế, cộng với thời kỳ kinh tế đang hơi khó khăn ở đây thì quá trình tìm kiếm việc làm của mình sẽ không hề dễ dàng, nhưng mình vẫn kiên trì và tiếp tục học hỏi. Mình nghĩ sẽ luôn có những cơ hội phù hợp dành cho mình.
Với ưu tiên thứ hai, năm đầu tiên đến trường mình khá rụt rè và không biết cách xây dựng những tình bạn bền lâu ở đại học, vì ở một môi trường có tận 20.000 người mà không phải lúc nào chúng mình cũng học các lớp giống nhau như là ở cấp 3, thì dành thời gian với bạn bè khá là khó. Năm nay thì mình không còn bỡ ngỡ ở khoản này nữa rồi, vì mình có 3 hoạt động chính để tìm được cho mình một cộng đồng bạn bè mà mình cảm thấy hoàn toàn thoải mái và gắn bó ở trường.
Mình đang là thành viên của Cornell Digital Tech & Innovation Engineering project team - dự án Kỹ thuật sáng tạo ở trường, là một chương trình khá chọn lọc của viện khoa học kỹ thuật ở trường mình. Ở câu lạc bộ này, chúng mình sẽ xây dựng các ứng dụng và website phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu cho các bạn sinh viên ở trường - mình và các bạn trong team rất thân với nhau và mình đã tìm được cho mình những người cùng đam mê xây dựng sản phẩm (digital product) từ câu lạc bộ. Có một cộng đồng bạn bè ủng hộ, hiểu mình, và đồng hành cùng mình khiến cho việc hoà nhập lại ở trường năm nay với mình dễ hơn rất nhiều - năm đầu tiên có thể nói là mình hoàn toàn chưa có 1 người bạn nào quá thân hay mình hoàn toàn cảm thấy thoải mái chia sẻ mọi thứ cả.
Vừng có 2 ưu tiên trong kỳ học này |
Vậy còn việc thích ứng với việc thay đổi múi giờ/ thói quen thì sao, chắc chắn cũng không phải là điều đơn giản đúng không?
Mình thấy là ở môi trường đại học của mình, quỹ thời gian của bạn sinh viên nào cũng chật kín. Vậy nên ở trường mình, đa số tất cả mọi người đều dùng Google Calendar trong hệ thống email của trường - nếu bạn cần gặp mặt với ai, bạn có thể check trước lịch của người đó trên hệ thống lịch online của trường để tham khảo xem họ có thời gian trống để gặp bạn không. Thậm chí ví dụ như bạn muốn hẹn ăn tối với ai đấy, bạn có thể phải hẹn trước khoảng 1 tuần vì có thể họ đã chuẩn bị đủ các hoạt động trước hẳn 1 tuần rồi.
Tuy nhiên, mình hoàn toàn hiểu được với sinh viên bận rộn, đặc biệt là các năm cuối như bọn mình thì có quá nhiều thứ cần phải cân bằng - thời gian tập thể dục, phỏng vấn và apply công việc, và năm nay mình cần phải học nhiều tín chỉ hơn bình thường (6 môn - 22 tín chỉ) để hoàn thành bằng đại học đúng hạn sau khi đã đổi ngành 1 vài lần nữa, nên ít nhiều sẽ căng thẳng hơn mọi khi.
Với những gì bản thân thể hiện, mình cũng cảm thấy khá hài lòng với việc điều chỉnh quỹ thời gian của mình. Bản thân cũng có thể luyện tập được 1 vài kỹ năng hay ho trong khi học cách quản lý thời gian và tối ưu hóa công việc. Cụ thể, mình đã đánh máy nhanh hơn rất nhiều so với trước chẳng hạn, hoặc là multi-task 1 việc chân tay với 1 việc dùng não ví dụ như là vừa tập thể dục vừa nghe lại audio-podcast bài giảng của thầy giáo.
Lựa chọn gap year một năm, tức là so với bạn bè đồng niên, Vừng đang học chậm hơn họ. Vậy bạn có sợ cơ hội của mình sẽ bị co hẹp lại hơn so với mọi người không?
Mình nghĩ tuổi tác chỉ là con số thôi, và ở trường do mình dùng tiếng Anh và đại từ nhân xưng của mình với các bạn là "I", "you" nên mình hầu như không bao giờ nghĩ về việc đó cả.
Năm gap year của mình có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, và mình không bao giờ nghĩ rằng mình lãng phí 1 năm hay sợ bị theo sau bạn bè nhỏ tuổi hơn mình. Trong năm gap year, mình đã host 1 talkshow của riêng mình, đã có 1 kỳ thực tập thật tuyệt vời tại một công ty truyền thông lớn, được hiểu hơn về ngành agency-marketing với kỳ thực tập thứ 2 ở một công ty về quảng cáo và marketing có tiếng, được xuất bản cuốn sách Từ điển 202x - cuốn sách NFT đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng quỹ học bổng của riêng mình mà mình đã mơ ước từ lâu, và đã đặt chân tới 6 quốc gia ở khu vực Trung Đông để học hỏi thêm về văn hoá Hồi giáo. Mỗi khi chia sẻ những hoạt động gap year của mình với các bạn ở trường, mình thấy thời gian này hoàn toàn xứng đáng.
Năm gap year của Vừng có rất nhiều hoạt động ý nghĩa |
Mới gap year xong, không dễ để bản thân thích nghi với việc học tập ngay được, đặc biệt là việc học mang tính cá nhân hóa và chủ động cao như ở bậc đại học, vậy tình hình học tập của Vừng sao rồi nhỉ?
Từ trước đến nay thì mình luôn khá khắt khe với bản thân trong việc học tập và thường muốn đạt kết quả tốt. Mình đã chuyển ngành những 3 lần trước khi chọn được 1 môn mà mình thực sự yêu thích ở trường. Lúc đầu, khi mình mới bắt đầu vào đại học, mình lựa chọn ngành Điện ảnh và Chính trị vì các hoạt động ngoại khoá cấp 3 của mình (làm phim, MUN) rất liên quan đến hai mảng này. Tuy nhiên, khi bắt đầu học sâu các lớp ở đây hơn thì mình cảm thấy những khoá học này không phải là những môn thú vị nhất ở trường, điển hình là các lớp điện ảnh thì rất thiếu nguồn lực và cơ hội để phát triển dài hạn ở trường mình.
Mình có một vài người bạn giới thiệu cho mình một số lớp ở ngành Khoa học thông tin (information science), và mình đã tò mò học thử những lớp vỡ lòng đầu tiên về ngành này như là INFO 1260 - Choices and consequences in computing với những giáo sư nổi tiếng thế giới như là Jon Kleinberg - một trong những người tham gia nghiên cứu quan trọng cho algorithms (các thuật toán) nổi tiếng thế giới, hay là INFO 4240 - thiết kế sản phẩm công nghệ cho xã hội.
Những môn học này khiến cho mình cảm thấy hứng thú với việc sáng tạo và sử dụng công nghệ. Ngành này có rất nhiều hướng phát triển khác nhau, bạn có thể làm developer - lập trình viên, UI/UX Designer - thiết kế, product manager - quản lý sản phẩm, policy maker - nhà hoạch định chính sách về công nghệ.
Vậy có môn nào khiến Vừng "khóc hết nước mắt" vì quá khó chưa?
Thật ra, ai trong ngành của mình cũng sẽ học những khoá cơ bản như là Intro to Python, một môn khá khó với mình trong năm nay với 1 người chưa bao giờ biết lập trình 1 ngôn ngữ nào cả, nên toàn bộ khoá học mình khá là chật vật và cảm thấy kém cỏi hơn các bạn khác.
Tuy nhiên, mình luôn tự nhủ là ai cũng có thể mạnh riêng và mình không thể hoàn hảo ở tất cả các môn học được. Bù lại thì những môn mà mình có ưu thế hơn, đặc biệt là về mảng tư duy và thiết kế sáng tạo (design thinking) thì mình thậm chí có cơ hội được thầy lựa chọn làm trợ giảng (teaching assistant) sau khi hoàn thành khoá học để hỗ trợ thầy giảng bài, chữa bài, và chấm thi cho các em khoá dưới.
Các mối quan hệ thì sao, Vừng có dễ dàng làm quen với các bạn đến từ đa chủng tộc, đa văn hóa?
Mình học trường United World College tại Nhật Bản vào năm cấp 3. Trường cấp 3 của mình có 80 quốc tịch hiện diện ở trường, và mình đã sinh sống với các bạn đến từ đủ các châu lục trên thế giới ở một ngôi nhà có 16 bạn nữ, nên mình hoàn toàn thoải mái với môi trường đa văn hoá. Mình nghĩ rằng trường cấp 3 của mình thậm chí còn đa dạng hơn cả đại học của mình bây giờ về mặt quốc tịch và sự tiếp xúc của mình với các nền văn hoá khác nhau mỗi ngày, vì theo con số thống kê thì chỉ khoảng 24% sinh viên là quốc tế, đa số sinh viên trường mình vẫn là người Mỹ.
Vừng đang tập chung xây dựng những mối quan hệ chất lượng |
Còn điều gì hối tiếc trong 1 năm gap year vừa qua mà Vừng chưa làm được không?
Năm gap year mình đã làm nhiều hoạt động cho riêng bản thân mình, và mình học được nhiều điều về thế giới xung quanh từ chuyến đi Trung Đông, về môi trường làm việc từ những trải nghiệm thực tập, mà mình chưa quay hết và đưa hết lên video.
Trước năm gap year, có những lúc mình đã từng nghĩ đến việc dừng kênh YouTube để có thể tập trung vào cuộc sống cá nhân, nhưng các comment và chia sẻ thật lòng của các bạn đăng ký khi thấy được 1 điều các bạn ấy thấy đồng cảm trong video của mình là điều khiến mình có động lực tiếp tục. Vậy nên điều duy nhất mình hối tiếc là mình đã có thể làm nhiều video hơn nữa.
Dự định trong tương lai của Vừng là gì?
Sắp tới, vào kỳ nghỉ đông mình sẽ có 1 kỳ thực tập ngắn hạn ở startup ở Mỹ - ở 1 công ty AI khá tiềm năng là Rewind AI. Mình cũng vừa mới được lựa chọn vào chương trình Kessler Fellowship - 1 chương trình chọn lọc ở trong viện khoa học kỹ thuật của trường dành cho các bạn sinh viên quan tâm tới khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp, nên mình sẽ học thêm về sự giao thoa giữa hai lĩnh vực này.
Về lâu dài thì mình có kế hoạch tổ chức Học bổng Vừng lần 2. Năm ngoái mình đã rất vui khi có tận hơn 1.000 bạn đăng ký tham gia apply, và đọc các bài làm của các bạn ấy là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất mùa hè năm ngoái của mình và khiến mình cảm thấy rất may mắn khi có 1 cộng đồng subscriber thật tài năng. Mình cũng mới có 1 thói quen mới ở trường sau khi tiếp xúc với rất nhiều bạn bè có lối sống lành mạnh ở trường là tập chạy, nên tháng 4 tới mình sẽ chạy half-marathon đầu tiên trong đời của mình.
Mình cảm thấy những mục tiêu cá nhân không hề liên quan đến nghề nghiệp như là chạy đã khiến cho cuộc sống của mình đa dạng và có nhiều thói quen tốt hơn, nên đây cũng là một trong những kế hoạch quan trọng của mình trong năm sắp tới.
Cảm ơn những chia sẻ của Vừng!
Cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 sẽ chính thức mở từ ngày 18/12/2023 tại website: wechoice.vn. Hãy gửi đến chúng tôi những nhân vật, những câu chuyện mang đậm tinh thần dám sống vì đam mê - dám cháy rực rỡ với khát vọng của mình.
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ý nghĩa với cộng đồng.
Mùa thứ 8 với chủ đề "Dám đam mê, Dám rực rỡ", WeChoice Awards 2023 vẫn sẽ là nơi tìm kiếm và lan tỏa những nguồn cảm hứng tích cực thông qua hệ thống giải thưởng đa dạng, đặc biệt là giải thưởng quan trọng nhất: Nhân vật Truyền cảm hứng, bao gồm 10 Nhân vật Truyền cảm hứng và 5 Đại sứ Truyền cảm hứng.
- 10 Nhân vật Truyền cảm hứng do cộng đồng độc giả bình chọn dựa trên các đề cử gửi đến cổng đề cử của WeChoice Awards 2023, thông qua website wechoice.vn.
- 5 Đại sứ Truyền cảm hứng là hạng mục duy nhất hoàn toàn do Hội đồng thẩm định - gồm những nhân vật có uy tín xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau bình chọn.
Nữ sinh từng mang Hội nghị mô phỏng LHQ về Việt Nam năm 17 tuổi: Giờ là luật sư giỏi, vẫn "dám ước mơ" những điều không tưởng
Hiện tại, Thu Giang đang là luật sư công tác tại một hãng luật hàng đầu thế giới.