Đánh vần rồi đánh trống

Bàn chuyện đánh trống lúc này thật ra đang là một sự xa xỉ, khi toàn dân đang quây lại bàn chuyện đánh vần.

Ngày 5.9, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Thật ra toàn dân và trẻ đều biết cái sự học hành chính thức nó đã diễn ra cả tháng nay, các cháu cơ bản đã ổn định lớp và học đến non non nửa chương trình học kỳ I, cha mẹ các cháu cũng đã cơ bản nộp xong các khoản phí đầu năm cần thiết cho việc học hành của các cháu rồi. Nên cứ làm như hôm nay là ngày đầu tiên đi học, ngày mới tinh đến trường, thậm chí gọi là ngày “Khai giảng thiêng liêng” như các cô các chú trên truyền hình, thì rõ là không nên lắm.

Nhưng không sao, cứ coi là ngày lễ hội cho vui, ngày lễ đầu năm học. Trẻ em cũng cần ngày lễ, chứ không sẽ quá thiệt thòi so với người lớn ở đất nước lễ hội liên miên, 7.966 lễ hội một năm theo thống kê của Bộ VHTT tháng ba vừa rồi. Thêm ngày lễ, thêm vui, nghe tiếng trống trường rộn ràng để trẻ em thêm động lực học hành, ngoài ra cũng là điều cần thiết để quên đi cái việc năm học đã bắt đầu rồi cùng những nao nao cho việc đóng góp các khoản phí đối với cha mẹ học sinh.

Trẻ em cũng cần ngày lễ, chứ không sẽ quá thiệt thòi so với người lớn ở đất nước lễ hội liên miên; Ảnh: Trà Thị Thu
Trẻ em cũng cần ngày lễ, chứ không sẽ quá thiệt thòi so với người lớn ở đất nước lễ hội liên miên; Ảnh: Trà Thị Thu

Vậy là, cứ cổ vũ cho việc đánh trống khai giảng ngày 5.9 và những ngày sau đó. Mà trống, vào dịp long trọng nên do thầy cô hiệu trưởng đánh, ngày thường thì bác bảo vệ, chứ đừng để robot đánh trống, mất hay đi. Nghe nói nghiên cứu chế tạo robot đánh trống của một thày giáo trong Vĩnh Long đã thành công. Đến nay đã có 10 trường thuộc ĐBSCL và Đông Nam bộ đưa robot đánh trống vào vận hành thử nghiệm. Có thể robot đánh trống làm cho tiếng trống to hơn. Nhưng nghĩ cho cùng, cần gì to lắm, tiếng trống của một trường chỉ cần vang lên đủ nghe trong một khu trường. Tiếng trống robot chắc chẳng thể đem lại cảm giác gần gụi mỗi ngày và chắc chắn sẽ rất xa hai chữ “thiêng liêng”.

Việc đánh vần trở nên một vấn đề căng thẳng của nền giáo dục nước nhà và làm tan nát không biết bao tâm hồn cả trẻ em và người lớn.
Việc đánh vần trở nên một vấn đề căng thẳng của nền giáo dục nước nhà và làm tan nát không biết bao tâm hồn cả trẻ em và người lớn.

Mà bàn chuyện đánh trống lúc này thật ra đang là một sự xa xỉ, khi toàn dân đang quây lại bàn chuyện đánh vần. Thật chẳng thiếu từ ngữ cay độc hằn học nào được tung ra trên mạng quanh cái chuyện đánh vần. Một vài cụ già 80 tuổi hiện đang là tâm điểm của của cơn bão mạng quanh chuyện sách giáo khoa dạy đánh vần. À mà trước khi nói hai chữ “đánh vần”, cần nói hai chữ “đánh đồng", hai cụ già liên quan đến việc đánh vần bị đánh đồng, dù hai cách của hai cụ chẳng mấy liên quan đến nhau. Cụ B.H hẳn hoi định cải cách quốc ngữ trên cơ sở chẳng nghiên cứu ất giáp gì sất. Còn cụ H.N.Đ thì chẳng định cải tiến quốc ngữ, chỉ cải tiến đánh vần chút thôi, nhưng mà cái đám buông chữ đánh người trên mạng quá đông. Thành thử trước khi trống trường vang lên, trước khi đánh trống, thì việc đánh vần trở nên một vấn đề căng thẳng của nền giáo dục nước nhà và làm tan nát không biết bao tâm hồn cả trẻ em và người lớn.

Thôi thì, cứ cho là vui đi, cả đánh trống lẫn đánh vần. Vì dù đánh lúc nào, trống cũng vang lên vào đầu năm học và dù đọc vần thế nào, trẻ em của chúng ta vẫn cứ biết đọc biết viết. Công cuộc cải cách giáo dục của chúng ta còn liên miên lắm. Còn đánh trống, đánh vần, đánh đồng và đánh nhau chữ nghĩa nhiều lần nữa. vào năm học mới xin tạm ngừng. Chứ cãi cọ nhau mãi, tiếng Việt, tiếng Việt mà nếu dùng hai chữ “thiêng liêng” để nói về nó là hoàn toàn chính xác, sẽ chẳng biết sẽ đi đến bờ vực nào.

Hà Phạm

Sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh đoạt giải sách hay 2019

Sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh đoạt giải sách hay 2019

Tác phẩm của thiền sư đoạt giải ở hạng mục Sách thiếu nhi - một trong bảy hạng mục ở giải Sách Hay lần thứ chín.