Đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ sinh con thứ hai lên 7 tháng

Bộ Y tế đề xuất nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Dân số, trong đó có việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ sinh con thứ hai từ 6 tháng lên 7 tháng nhằm thích ứng với thực trạng dân số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Trong dự thảo Luật Dân số đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đưa ra nhiều điểm đổi mới quan trọng, trong đó đáng chú ý là đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ sinh con thứ hai từ 6 tháng lên 7 tháng. Đây là một phần trong nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về công tác dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh dân số Việt Nam đang có nhiều biến động.

Theo đó 5 nội dung cơ bản của dự thảo Luật Dân số bao gồm

Thứ nhất: Bảo đảm quyền sinh con và duy trì mức sinh thay thế

Dự thảo luật quy định quyền và nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, cho phép họ tự quyết định thời điểm, số lượng và khoảng cách giữa các lần sinh – điều này đánh dấu sự thay đổi so với quy định cũ trong Pháp lệnh Dân số năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Đồng thời, Chính phủ sẽ định kỳ công bố tình trạng mức sinh để các địa phương kịp thời xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, nếu mức sinh tại một số địa phương xuống quá thấp, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Trong nội dung này, đáng chú ý là đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019, theo đó, lao động nữ sinh con thứ hai sẽ được nghỉ thai sản 7 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay. Các trường hợp khác vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.

Thứ hai: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Luật tiếp tục kế thừa quy định nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Chính phủ sẽ định kỳ công bố tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các tỉnh, thành phố để có biện pháp điều chỉnh, hướng tới đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Thứ ba: Thích ứng với già hóa dân số

Luật đưa ra nhiều chính sách nhằm thích ứng với tốc độ già hóa dân số, bao gồm việc xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà, cộng đồng và cơ sở tập trung; đào tạo nhân lực ngành lão khoa; hỗ trợ học bổng, học phí cho người theo học chuyên ngành này; mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi chưa có thẻ, bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Thứ tư: Nâng cao chất lượng dân số

Một nội dung quan trọng khác là quy định về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Luật yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; khuyến khích cặp đôi chủ động tham gia. Đặc biệt, các đối tượng thuộc vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số hoặc có hoàn cảnh khó khăn sẽ được Nhà nước hỗ trợ thực hiện hoạt động này. Ngoài ra, luật cũng quy định cụ thể các bệnh cần phải được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Thứ năm: Sửa đổi, bổ sung các luật liên quan

Để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, dự thảo Luật Dân số cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các luật hiện hành như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm y tế...

Dự thảo Luật Dân số là bước đi quan trọng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước. Việc lấy ý kiến nhân dân sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi nhằm hoàn thiện các quy định phù hợp với nhu cầu và mong đợi của xã hội.

Hoàng Toàn

Ốm đau, thai sản: Những điểm mới về chế độ hưởng từ 1/7/2025

Ốm đau, thai sản: Những điểm mới về chế độ hưởng từ 1/7/2025

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025, với nhiều sửa đổi quan trọng về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất.