'Đi trốn' của Bình Ca: Hành trình trưởng thành của những đứa trẻ thời chiến

'Đi trốn' là hành trình trưởng thành của những đứa trẻ trong chiến tranh chống Mỹ, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn, chúng cũng phải đi tìm lối ra cho cuộc đời mình

Năm năm trước, Quân khu Nam Đồng xuất hiện trong làng văn như một hiện tượng thú vị. Cuốn sách bất ngờ gây sốt và đã được tái bản 15 lần trong 4 năm này lại là tác phẩm đầu tay của một cây bút không chuyên – Bình Ca.

Năm năm sau, Bình Ca cho ra mắt tác phẩm thứ hai: Đi trốn

Nhà văn Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh có tâm sự rằng, hồi trước, trong chiến tranh, ông luôn thầm ngạc nhiên khi thấy những đồng đội vốn là học trò thành phố, thậm chí có cả con ông cháu cha, nghĩa là những tay - như người ta thường định kiến - chỉ quen ăn trắng mặc trơn, vậy mà họ đã mau chóng nhập mình vào quân ngũ, cứng cáp lên rất nhanh, giỏi chịu đựng gian khổ, tháo vát lanh lẹ. Ông không hiểu bằng cách nào họ trở nên như thế. Và có thể nói tiểu thuyết Đi trốn của Bình Ca đã giúp ông tháo gỡ thắc mắc ấy.

'Đi trốn' của Bình Ca: Hành trình trưởng thành của những đứa trẻ thời chiến

Lấy bối cảnh vào khoảng năm 1965-1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cuốn sách kể về cuộc phiêu lưu của một nhóm năm bạn nhỏ - con em cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao - giữa chốn núi non hang động và sông nước hoang sơ hung hiểm. Năm cô cậu nhóc vừa dũng cảm vừa vụng về, vừa chân thành vừa nông nổi. Trong hành trình ấy, lũ trẻ dần trưởng thành lên, không chỉ tìm lối ra cho cuộc đi trốn, chúng cũng phải đi tìm lối ra cho cuộc đời mình, trong một thời đoạn vô cùng nghiệt ngã của đất nước.

Nhóm bạn con nhà lính từ thủ đô về nơi sơ tán gồm Tự Thắng, Thảo, Linh, Việt Bắc, Hoài Nam - được đưa ra Hà Nội học tập theo diện con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến tranh trường kỳ. Lũ trẻ đang ở tuổi mười hai, mười ba, cái tuổi sôi nổi, bồng bột, ham khám phá nhất. Vì một sự cố bất ngờ, cả đám bị bỏ lại giữa rừng hoang, trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn. Lối về đã bị bịt kín, chúng đóng bè trôi lênh đênh trên dòng sông ngầm trong lòng núi, trôi qua những hang động huyền ảo kỳ bí, những thung lũng xanh rờn không dấu chân người, mà đường về vẫn vô tăm tích. Cuộc phiêu lưu li kỳ đến nghẹt thở, lũ trẻ liên tục phải chiến đấu với thú dữ, với những tình thế sinh tử ghê gớm để tồn tại. Và trong hành trình ấy, lũ trẻ dần trở nên tự lập, thông minh, gan dạ, trách nhiệm, nhưng vẫn hồn nhiên, trong trẻo.

Tác giả Bình Ca nêu trong phần “Vĩ thanh”: “Theo tôi, cuộc đời mỗi người như một dòng sông, luôn chảy về phía trước. Trong cuốn sách này, tôi muốn giới hạn câu chuyện kể về những nhân vật của mình trong một khúc sông tuổi thơ.” Một khúc sông ngắn ngủi thời niên thiếu, một cuộc phiêu lưu trẻ thơ, non nớt, vụng dại. Dù thể loại là hư cấu, màu sắc hiện thực trong câu chuyện rất đậm nét. Cũng như Quân khu Nam Đồng, đây không chỉ là cuốn tiểu thuyết viết về trẻ con và cho trẻ con. Có nhiều câu chuyện, sự kiện mà người lớn có thể nhìn lại và thấy mình trong đó.

Nhà văn Bình Ca, tranh ký họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Nhà văn Bình Ca, tranh ký họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường

Đây là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi có nhân vật là con em của các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneve 1954. Chúng được nuôi dạy tập trung trong các trại nhi đồng như Trại Nhi đồng Khe Khao, Trại Nhi đồng miền Nam và Trường học sinh miền Nam. Dù là con em cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao, đa phần lũ trẻ vẫn lớn lên hoang dã, thiếu vắng hơi ấm gia đình. Có đứa ở trong trại nhi đồng ngay giữa Hà Nội, nhưng đến khi ra trại cũng chưa từng được bố mẹ đón ra lần nào. Có đứa ba đi công tác từ khi nhỏ xíu, đến khi gặp lại nhất định không chịu nhận ba…

Theo nhà văn Bảo Ninh, nhóm bạn trẻ năm người trong tiểu thuyết chính là hình ảnh thời niên thiếu của cánh lính trẻ gốc gác học trò thành thị những năm chống Mỹ. Nhờ vào truyền thống gia đình và do hoàn cảnh đất nước bị tai ương chiến tranh, phải rời Hà Nội đi sơ tán, sớm chạm trán với khó khăn thử thách, các nhân vật thiếu niên hồn nhiên vô tư lúc đầu truyện đến cuối truyện đã từng trải và trưởng thành hẳn lên. Có thể thấy trước rằng với những đức tính và phẩm cách bước đầu có được sau cuộc đi trốn nhớ đời ấy mà Tự Thắng, Việt Bắc, Linh, Thảo sẽ là những nhân vật điển hình cho một thế hệ thanh niên còn ghi dấu mãi trong lịch sử đất nước: thế hệ đã trải qua thời niên thiếu gian khổ, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, vượt qua gian khó thời hậu chiến bao cấp, và mở màn công cuộc Đổi Mới… Nhà văn Bình Ca gắn bó mật thiết với thế hệ ấy. Truyện Quân khu Nam Đồng và tiểu thuyết Đi trốn đều kể về thời thanh thiếu niên của họ.

Vốn sống giàu trải nghiệm, lối văn tự nhiên, tiết chế, không hoa lá cành, tốc độ vừa phải, chắc chắn, Bình Ca đã dựng ra được cả một không khí riêng cho cuốn tiểu thuyết, với màu sắc lịch sử sắc nét, không gian địa lý chân thực, và một thế giới trẻ thơ sống động.

Nhân dịp ra mắt tác phẩm Đi trốn, nhà xuất bản Nhã Nam tổ chức buổi giao lưu với tác giả. 

THÔNG TIN SỰ KIỆN

Khách mời:
- Tác giả Bình Ca
- Nhà báo Phạm Gia Hiền
Thời gian: 18h – 20h, thứ Năm, ngày 19 tháng Mười một năm 2020
Địa điểm: Hội trường tầng 9, tòa nhà Hanoi Tourist, số 18 Lý Thường Kiệt, Hà Nội

LA

Nhà văn gạo cội người Séc Milan Kundera chiến thắng giải thưởng văn học Franz Kafka

Nhà văn gạo cội người Séc Milan Kundera chiến thắng giải thưởng văn học Franz Kafka

Giải thưởng văn học uy tín quốc tế Franz Kafka năm nay đã thuộc về nhà văn Milan Kundera, người từng bị tước bỏ quyền công dân Séc và sống tại Pháp.