Dịch sốt xuất huyết đang ở mức độ nào?

Đỉnh dịch sốt xuất huyết gần đây nhất vào năm 2017 (với 184.000 ca mắc) và năm nay được dự báo sẽ xuất hiện đỉnh dịch.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thống kê các địa phương cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 11/6, cả nước đã ghi nhận 43.628 ca mắc, 22 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Số mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Bộ Y tế cảnh báo hiện đang là đợt cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, dự báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng
Bộ Y tế cảnh báo hiện đang là đợt cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, dự báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 7.039 ca so với cùng kì năm 2021 (tương đương 66,5%). Trong đó có 209 ca sốt xuất huyết nặng, tăng 28 ca (hơn 7 lần) so với cùng kì năm 2021.

Theo đại diện Sở Y tế Bình Dương, tính từ đầu năm đến 2/6 tỉnh Bình Dương ghi nhận hơn 3.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 7 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng 5/2022, đã ghi nhận khoảng 478 ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tình, tăng gấp đôi tháng trước đó.

Do mưa sớm, thời tiết nóng ẩm, muỗi vằn sinh sôi, phát triển mạnh, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái,.

Tại Đồng Tháp đã ghi nhận 1.640 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 300% so với cùng kỳ, trong đó có 47 ca nặng, một trường hợp tử vong. Điều đáng chú ý là cả 12 huyện trên địa bản tỉnh đều ghi nhận ca bệnh.

"Một trong những khó khăn Đồng Tháp đang đối mặt là dung dịch phun diệt muỗi sắp hết, thuốc đặc trị ca nặng khan hiếm do các gói thầu mua sắm đang chậm", ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ khi thị sát hai điểm nóng dịch ở huyện Hồng Ngự và TP Hồng Ngự ngày 10/6.

Theo chu kỳ dịch bệnh, cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch sốt xuất huyết. Lần dịch xảy ra lớn và gần đây nhất vào năm 2017 ( với 184.000 ca mắc) và năm nay được dự báo sẽ xuất hiện đỉnh dịch.

Bộ Y tế cảnh báo hiện đang là đợt cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, dự báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng, do đó cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch: đề nghị các viện vệ sinh dịch tễ thành lập các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống sốt xuất huyết; tăng cường thực hiện chiến dịch truyền thông phòng chống sốt xuất huyết và hưởng ứng hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022)...

Tránh nhầm lẫn các triệu chứng sốt xuất huyết với Covid-19

Đặc biệt, sốt xuất huyết có các biểu hiện ban đầu như: sốt, đau đầu, đau mỏi cơ… nên người dân rất dễ nhầm lẫn với tình trạng mắc Covid-19 mà chủ quan, không đưa người bệnh tới cơ sở khám chữa bệnh kịp thời dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh nhân N.V.H (26 tuổi, Hà Nội) đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: "Tôi đã tiêm 3 mũi vaccine Covid-19 nên nghĩ mình chỉ mắc Covid-19 nhẹ và nhanh khỏi. Tuy nhiên, tới ngày thứ 3, tôi vẫn sốt cao 40 độ C kèm theo triệu chứng đau đầu, mệt mỏi nhiều nên quyết định khám. Tới viện thì xét nghiệm cho thấy tiểu cầu giảm sâu, mắc sốt xuất huyết”

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nếu anh H. đến viện muộn, nguy cơ xuất huyết nội tạng, đặc biệt xuất huyết não sẽ để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

Các chuyên gia đặc biệt lưu ý người dân cần cẩn trọng, đặc biệt là phụ huynh không được chủ quan, khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt hãy đưa trẻ nhập viện để được khám chứ không nên cho rằng trẻ mắc COVID-19 hay bệnh khác mà tự ý điều trị tại nhà.

"Có trường hợp trẻ sốt cao, người thân nghi ngờ bị Covid-19 nên tự cách ly tại nhà hoặc có những bé bị sốt sau chích ngừa Covid-19 lại tưởng là sốt do chích ngừa mà không đến bệnh viện sớm. Cá biệt, đã có trường hợp nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với sốt phát ban nên tự điều trị sai cách", ThS, BS Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Dấu hiệu phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19. Ảnh: benhvien175.vn/
Dấu hiệu phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19. Ảnh: benhvien175.vn/

“Phụ huynh cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời. Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện, ngay cả trong đêm: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, đi ngoài phân đen; tay chân lạnh; nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống”, Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM khuyến cáo.

Những biện pháp cần thực hiện để phòng chống dịch sốt xuất huyết 

Để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, Bộ y tế khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như:

- Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi…

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi.

- Thả cá để diệt loăng quăng tại những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt.

- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

Minh Khang (T/h)

Nguy cơ bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy... bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu quyết liệt phòng, chống

Nguy cơ bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy... bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu quyết liệt phòng, chống

Các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy, viêm não... có thể bùng phát thành dịch lớn