Điều ước nhỏ nhoi của người thầy vùng lũ

Ngày 20/11, khi mà nhiều nơi tổ chức ngày lễ thiêng liêng thì vùng mưa lũ, thầy cô vẫn đang khắc phục hậu quả sau lũ để các em được đến trường.

Những ngày vừa qua, do hậu quả mưa lũ, bão bùng, nhiều trường học còn chưa khắc phục xong hư hỏng. Nhà trường ở một số địa phương phải mượn địa điểm, học sinh thiếu đồ dùng học tập... Dù là ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều giáo viên cho biết họ chẳng mong được tặng hoa, chỉ mong học trò có thêm được bộ áo quần hay có một chỗ ngồi tránh gió rét...

Kết bè chuối tiếp tế lương thực

Tại xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), trường  phổ thông dân tộc nội trú H.Bố Trạch cũng gặp muôn vàn khó khăn. Thầy hiệu trường Hoàng Đức Hòa mới nhận chức 3 tháng, ban đầu đặt mục tiêu bám bản lên hàng đầu để tìm hiểu đời sống của học sinh. Thầy kể, cứ xong 1 tuần, giáo viên lại vào bản gọi học sinh đến lớp. 

Thầy cô trường Ra Ty Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đưa học sinh qua suối. Ảnh: Thanh Lộc.
Thầy cô trường Ra Ty Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đưa học sinh qua suối. Ảnh: Thanh Lộc.

Đợt lũ vừa qua, 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch ở biên giới vẫn chưa thông đường. Nhiều đoạn trên đường 20 bị ngập sâu và sạt lở nghiêm trọng. Các giáo viên của trường đã phải động viên nhau tìm cách ra ngoài lấy lương thực đem về tiếp tế cho các em. Nhà trường cũng cử các giáo viên "cắm" ở từng nơi, mỗi tuần đều thay phiên nhau. 

Khi qua hang Tám Cô, nước dâng quá cao, các giáo vien phải chặt chuối đóng bè. Một tay níu bè chuối, một tay bơi trong dòng nước lạnh. Những hình ảnh khiến nhiều người vô cùng xót xa. Bất chấp nguy hiểm rình rập, các thầy cô đã kiên cường bơi qua những đoạn ngập lụt bằng bè chuối để tiếp tế đồ ăn. Tuyến đường 20 gần như năm nào cũng ngập, vì thế, việc đóng bè chuối trở thành kỹ năng của các thầy cô giáo nói riêng và các đơn vị khác ở địa bàn nói chung.

  Giáo viên bơi vượt lũ bằng bè chuối để tiếp tế lương thực cho học sinh và giáo viên

Giáo viên bơi vượt lũ bằng bè chuối để tiếp tế lương thực cho học sinh và giáo viên

Sau 2 tuần bị cô lập, nước rút dần, một số đoạn bị sạt lở,  thầy Hòa hội ý với các giáo đang ở lại và chốt phương án gọi điện thoại cho các giáo viên đang mắc lũ ở đồng bằng chuẩn bị lương thực, thực phẩm, xăng và các vật dụng thiết yếu. Sau khi dạy xong, các thầy cô giáo lại cùng nhau chạy xe di chuyển xuống Km 19 để đổi người và nhận lương thực. Trong số 15 người đang ở lại trường, chỉ có 9 người xin về, số còn lại vẫn muốn ở lại tiếp tục dạy.

“Đoàn xe nối đuôi nhau băng hơn 40 km đường rừng. Mỗi người mỗi tâm trạng. Vui vì sẽ được về với gia đình, được gặp lại mọi người sau nhiều ngày xa cách và về với đồng bằng, vì không biết nhà cửa lụt lội thế nào. Nhưng buồn vì về thì ai sẽ chở học đi học và không biết lúc nào mới thông đường để lên?”, thầy Hòa nhớ lại.

Chỉ mong học sinh được đến lớp

Quảng Trị là địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ liên tục trong 1 tháng qua gây ra, nhất là các huyện biên giới Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị. Nhiều trường học cũng như các điểm trường, khu bán trú của học sinh bị hư hại nặng do sạt lở đất, gió bão làm tốc mái.

Những ngày vừa qua, các thầy, cô giáo cùng lực lượng biên phòng đã cùng hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả để các em học sinh có thể trở lại trường trong thời gian sớm nhất.

Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tý chia sẻ: “Với khối lượng bùn đất nhiều thế này, không biết đến bao giờ sẽ khắc phục nổi để các em có thể trở lại trường. Hàng trăm mét khối bùn, đất cộng thêm rác thải la liệt khắp các lớp học, khuôn viên nhà trường khiến công tác thu dọn vô cùng vất vả. Chắc phải nhờ tới máy móc chứ sức người thì làm không nổi. 280 học sinh của trường phải nghỉ học nhiều ngày rồi chắc hẳn đang mong mỏi từng ngày để đến lớp. Sau lũ, có rất nhiều việc phải làm, trước mắt tôi chỉ mong các lực lượng hỗ trợ thu dọn bùn đất để các em học sinh sớm được đến lớp. Còn bàn ghế, đồ dùng học tập, thiệt hại về vật chất thì dần dần khắc phục” . 

Theo chia sẻ của các thầy cô, để sớm đưa học sinh trở lại trường học theo kịp chương trình, hiện nay, được sự hỗ trợ của cấp trên, điểm trường Pa Nho, thuộc Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, huyện Hướng Hóa đang được khẩn trương sửa chữa một số hạng mục nhỏ, thay thế các cánh cửa. Ngoài ra đồ dùng học tập, sách, vở cho học sinh, đã có một số mạnh thường quân ủng hộ, cơ bản tạm đủ dùng cho các em học sinh.

Xin nhận lời chúc sau

Từ ngày 28/10, toàn bộ trường tiểu học và THCS Phước Thành (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) phải nghỉ học vì mưa lũ làm trường bị sạt lở khá nặng, đường sá vẫn còn bị chia cắt…

Thầy Trà Văn Nhiều, Hiệu trưởng trường tiểu học và THCS Phước Thành - cho biết, trận mưa lũ ngày 28/10 làm sạt lở, vùi lấp toàn bộ khu ở của học sinh; xe máy, xe đạp của giáo viên và học sinh cũng bị trôi hết. Sau trận sạt lở, toàn bộ 34 cán bộ và giáo viên đã về nhà hết, vì ở lại không an toàn, giờ chỉ có một mình bảo vệ ở lại để trông coi tài sản.

Bùn đất ập vào phòng ngủ của học sinh.
Bùn đất ập vào phòng ngủ của học sinh.

Kỷ niệm ngày 20/11 năm nay, thầy Nhiều chia sẻ là chỉ biết nhắn tin chúc mừng các thầy cô của trường qua mạng xã hội và hỗ trợ ít kinh phí cho các thầy cô, đợi khi đường thông, trường sửa chữa lại thì gặp mặt chúc nhau sau.

Thầy Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc cho biết từ 3 tuần nay, toàn bộ phòng học, khu nội trú của học sinh, giáo viên đều dành cho người dân các thôn lân cận về lánh nạn do sạt lở. Mất mát lớn nhất là 4 em học sinh của trường đã bị sạt lở chôn vùi trong vụ sạt lở làm 11 người dân bị chết và mất tích. Đến nay vẫn còn 4 người chưa tìm thấy thi thể.

Trong dịp kỷ niệm 20/11 năm nay, các em học sinh chưa thể đến trường, giáo viên chưa thể đến lớp vì đường sá còn sạt lở, cơ sở vật chất của trường chưa được sửa chữa lại. “Không mong muốn nào hơn lúc nay là thầy cô được đi dạy và học sinh được đi học”, thầy Ngộ chia sẻ.

Thầy Lê Văn Bốn – phụ trách điểm trường Tăk Rối thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập) cho biết, mưa lũ làm điểm trường hư hại rất nặng. La-phông, tường bị sập, bàn ghế, dụng cụ học sinh hư hỏng.  Sau lũ, trường phải nhờ nhà dân dạy cho 15 em học sinh khối mầm non nhưng điều kiện khó khăn, chật chội, tối tăm không phù hợp với việc dạy và học.

Điểm trường Tăk Rối thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập
Điểm trường Tăk Rối thuộc trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập

“Giờ không có mong muốn chi khác, tôi muốn ổn định để thầy cô yên tâm dạy học, học sinh yên tâm đến trường. Ngày 20/11 năm nay, mình chỉ ở điểm trường sinh hoạt với các cháu học sinh ở đây chứ không mong muốn gì, vì trong điều kiện hiện rất khó khăn, chỉ mong các em đi học đầy đủ là vui rồi”, thầy Bốn chia sẻ.

Sau lũ, nhà trường dọn dẹp để tạm thời làm chỗ dạy cho các em.
Sau lũ, nhà trường dọn dẹp để tạm thời làm chỗ dạy cho các em.

Không nhận hoa ngày 20/11

Sở Giáo dục và Đào tạo một số tỉnh thành miền trung như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... vừa phát đi thông báo về việc không nhận hoa, quà trong dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sở Giáo dục Thừa Thiên Huế cho biết đơn vị xin ghi nhận những tình cảm tốt đẹp của các cá nhân, tổ chức gửi gắm đến các thầy cô. Nhưng năm nay, Sở sẽ không nhận hoa chúc mừng trực tiếp mà chỉ nhận các lời chúc mừng qua email.

Tại Quảng Trị, Sở Giáo dục cũng gửi thông báo không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa tại trụ sở cơ quan nhân ngày 20/11. Mục đích là để tiết kiệm chi phí chống dịch và chia sẻ những khó khăn, mất mát với bà con nhân dân vùng lũ bão ở miền Trung vừa qua.

Ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình cũng đã ra thông báo về việc cắt giảm tối đa các cuộc họp hành không cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên sẽ được chuyển đến các trường học nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ. 

Thanh Mai

[Chuyện tử tế] Chú bảo vệ dẫn học sinh qua đường suốt 17 năm không quản mưa nắng

[Chuyện tử tế] Chú bảo vệ dẫn học sinh qua đường suốt 17 năm không quản mưa nắng

Ông Hồng đã làm công việc này gần 17 năm, mục đích cuối cùng mà ông hướng tới là làm sao để học sinh và phụ huynh qua đường an toàn.