Định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và Công nghệ

Một số ý kiến góp ý của Chi hội Nữ trí thức Bộ Khoa học và công nghệ cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

TS Nguyễn Thị Thanh Hà- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên - Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH và CN) thay mặt chi hội Nữ trí thức Bộ KH và CN cho biết, về cơ bản, bà nhất trí với dự thảo các báo cáo văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, gồm các dự thảo báo cáo sau: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII, Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

TS. Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên - Bộ Khoa học và Công nghệ 
TS. Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên - Bộ Khoa học và Công nghệ 

 Hội Nữ trí thức Bộ KH và CN có một số góp ý bổ sung cụ thể như sau:

1. Góp ý cho Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Trong phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu “Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường”, đề nghị bổ sung “Vị thế của khoa học Việt Nam trên bản đồ khoa học thế giới đã tiến bộ rõ rệt”. Nhân diễn đàn này, tôi cũng xin có một số thông tin về bức tranh khoa học Việt Nam để cung cấp cho hội nghị.

Báo cáo với hội nghị, Việt Nam đã hội nhập sâu với khoa học và công nghệ quốc tế (ví dụ: năm 2010 Việt Nam xếp thứ 64, năm 2019 đã xếp thứ 49, trong top 50 của thế giới theo xếp hạng của tổ chức xếp hạng thế giới SCIMAGO). Việt Nam đã có 02 Trung tâm khoa học quốc tế về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ. Trong ASEAN hiện nay có 6 trung tâm tương tự. Ngành Toán học của Việt Nam đã đứng đầu ASEAN về số bài báo khoa học quốc tế ISI năm 2019, so với năm 2010 đứng thứ 4. Hai tạp chí ngành Toán học và hai tạp chí ngành Vật lý đã được đưa vào danh mục tạp chí khoa học quốc tế uy tín của ISI và Scopus[1]. Ngành Vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội đã lọt vào top 500 của thế giới do Tạp chí US News của Hoa Kỳ chuyên đánh giá các trường đại học xếp hạng.

Trong phần định hướng phát triển, mục V về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, và Mục VI về Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng, và phát triển và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, dự thảo chưa đề cập đến giáo dục STEM ở bậc phổ thông. Hiện nay, giáo dục STEM là một xu hướng giáo dục quốc tế của xã hội số, là nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ. Đề nghị Ban soạn thảo văn kiện cân nhắc và bổ sung vào một trong hai nội dung V và VI nêu trên.

2. Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Về phần đánh giá kết quả đạt được

Phần đánh giá về giáo dục đại học và khoa học và công nghệ, đề nghị bổ sung: một số cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đã đạt trình độ khu vực và thế giới. Báo cáo với hội thảo, hiện nay, có 2 trường đại học của Việt Nam nằm trong danh sách top 1000 trường do tổ chức QS xếp hạng (là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), và có 2 trường đại học của Việt Nam nằm trong danh sách top 100 trường đại học theo tổ chức THE xếp hạng (là Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội). Điều này là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đầu tư trọng điểm cho một số trường đại học nghiên cứu và kiên trì theo định hướng này, sau hơn 20 năm (ví dụ Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2000) để đạt được thành tích như vậy.

Về đánh giá “Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch... được quan tâm đầu tư. Nhiều dự án xây dựng trường học, cơ sở vật chất ngành giáo dục, hạ tầng khoa học, công nghệ được tập trung đầu tư, trong đó có các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia” (trang 13) cần điều chỉnh lại vì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia không phải là hạ tầng khoa học công nghệ. Có thể bổ sung về hạ tầng cho khoa học và công nghệ như sau: Đã đầu tư 3 khu Công nghệ cao ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, 1 Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai, mới thành lập 3 Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu. Các Bộ ngành đã đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm của ngành và quy hoạch hệ thống phòng thí nghiệm trực thuộc. Ví dụ: đã thành lập Trung tâm giám định ADN  trong khuôn khổ Đề án 150 “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” thuộc Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đề nghị bổ sung thêm đánh giá về công tác tôn vinh nhà khoa học. Trong giai đoạn 2011-2020, đã có thêm hai giải thưởng cho nhà khoa học được thành lập, góp phần vào việc tôn vinh các nhà khoa học Việt Nam có đóng góp cho phát triển khoa học và công nghệ, đó là Giải thưởng Tạ Quang Bửu và Giải thưởng Trần Đại Nghĩa [2].

 

Về đánh giá hạn chế, yếu kém, cần cân nhắc điều chỉnh lại một số nội dung sau:

- Nên đánh giá việc thực hiện Chiến lược so sánh với các chỉ tiêu đạt ra, các chỉ tiêu đạt được cũng như các chỉ tiêu chưa đạt được.

- Về đánh giá “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Cần cân nhắc lại đánh giá này. Xin có một số ví dụ sau: Qua đại dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta đã thấy rõ vai trò của khoa học và công nghệ. Khi được đầu tư tới ngưỡng và bài bản, các nhà khoa học Việt Nam đã đi từ nghiên cứu cơ bản đến làm chủ các công nghệ tiên tiến trong việc chế tạo kit chẩn đoán virus SARS - Covi 2, Nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đã tạo app để truy vết bệnh nhân, giúp cho Chính phủ và người dân kịp thời ứng phó với đại dịch. Trong nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã giúp cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương, chuyển sang trồng cây ăn quả với giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng tiêu chuẩn sạch và hữu cơ, góp phần tăng khả năng xuất khẩu cho nông sản. Trong cơ cấu xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam, giá trị xuất khẩu của rau quả đã ngang bằng với thủy sản, và là hai ngành dẫn đầu về giá trị xuất khẩu của Việt Nam[3]. Năm 2011 khi bắt đầu thực hiện Chiến lược thì các mặt hàng như thủy hải sản, cà phê và gạo chiếm tỷ trọng lớn nhất. Việc nghiên cứu, dự báo tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã được đẩy mạnh, đã giúp cho công tác dự báo chính xác. Năm 2020 đồng bằng sông Cửu Long thắng lợi toàn diện vụ đông xuân, do chủ động xuống giống sớm tránh được mặn hạn [4].

  • Đầu tư cho khoa học, công nghệ hiệu quả chưa cao: đề nghị bổ sung “Đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa cao. Từ nguồn ngân sách Nhà nước, chủ trương của Đảng và Nhà nước là chi 2% chi ngân sách cho khoa học và công nghệ nhưng hiện nay chưa đạt được con số 2%. Chi từ nguồn ngoài ngân sách: từ các doanh nghiệp thì gần đây một số doanh nghiệp lớn bắt đầu chi cho khoa học và công nghệ, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ khả năng chi cho đổi mới công nghệ. Tỷ lệ chi từ GDP cho khoa học và công nghệ của Việt Nam đều thấp hơn so với khu vực và thế giới.
  • Việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập còn chậm”. Hiện nay, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đang thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ: Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập với mục tiêu tổng quát là “Đổi mới căn bản toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; …”. Các đơn vị đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thu gọn đầu mối và thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ công trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Vì thế, đề nghị ban soạn thảo văn kiện chỉnh sửa lại cho chính xác.

Về đánh giá nguyên nhân: cần nêu nguyên nhân tương ứng với 10 đánh giá yếu kém, hoặc sắp xếp theo từng lĩnh vực như công tác xây dựng thể chế, công tác cán bộ, công tác thực thi,..

Về Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030

Về nội dung 2 “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đề nghị cân nhắc lại nội dung “Khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn”. Có thể viết lại là “Khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng các quan điểm khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn

Cần khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng các quan điểm khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn
Cần khơi dậy sức sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng các quan điểm khác nhau, các cách tiếp cận khác nhau trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn

Nội dung “Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản”: đề nghị chỉnh sửa như sau “Nhà nước quan tâm đầu tư đúng mức cho nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng phục vụ công ích”. Trên thế giới, mọi quốc gia đều quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng phục vụ công ích vì không có doanh nghiệp nào đầu tư cho 2 lĩnh vực trên, chỉ có nhà nước đầu tư để tăng tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia và hội nhập quốc tế, và nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội. Ví dụ như chỉ có Nhà nước đầu tư cho việc nghiên cứu, dự báo và đề xuất các giải pháp phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đề nghị chỉnh sửa nội dung “Lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của khoa học, công nghệ” thành “Lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của khoa học, công nghệ” vì trình độ công nghệ chỉ là một trong các nội dung quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ.

Đề nghị không dùng thuật ngữ “Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia” mà chỉ ghi chung là “hệ thống phòng thí nghiệm thuộc các bộ, ngành”.

Đề nghị bổ sung khoa học và công nghệ biển vào các hướng nghiên cứu ưu tiên vì Nhà nước đã ban hành “Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22 tháng 10 năm 2018).

Đề nghị bổ sung thêm nội dung “Nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên thế giới” vì Việt Nam hiện nay đang hội nhập quốc tế sâu rộng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Việt Nam đã được các bảng xếp hạng khoa học quốc tế uy tín đánh giá và xếp hạng, cả về số công trình công bố quốc tế và các tổ chức khoa học và công nghệ và có những cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.

Đề nghị bổ sung thêm nội dung “Có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học nữ tham gia hoạt động khoa học và công nghệ”. Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Bình đẳng giới đã nêu được sự bình đẳng giới trong hoạt động khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, sự tham gia của nữ giới trong một số ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ còn hạn chế, đặc biệt là việc chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhà khoa học nữ được hưởng các chính sách hỗ trợ, ví dụ như chương trình nghiên cứu dành cho nữ ở Đài Loan, chương trình hỗ trợ nhà khoa học nữ đi thực tập khoa học ở nước ngoài của Israel, v.v…Vì thế, cần có các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà khoa học nữ.

Đề nghị bổ sung ở Phần 2 hoặc phần 3 về phát triển nguồn nhân lực nội dung giáo dục STEM ở bậc phổ thông.

Một số nhận xét chung: các mục tiêu về giới trong các mục tiêu cho giai đoạn tới giai đoạn 2020-2030 còn chưa rõ nét. Ví dụ, Báo cáo Chính trị chỉ có một chỗ đề cập đến bình đẳng giới. Trong các báo cáo chưa nêu các giải pháp cụ thể hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái. Chưa nhấn mạnh về giáo dục STEM cho trẻ em gái như mục tiêu của Liên hiệp quốc. Chưa đưa ra các chỉ tiêu thống kê về giới trong các ngành, điều này đặc biệt làm khó khăn cho công tác báo cáo và đề ra giải pháp cho nữ giới. Cần đưa các mục tiêu, hoặc chỉ số về giới vào một số mục tiêu.

Trên đây là một số ý kiến của Chi Hội Nữ trí thức Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chú thích:

[1] Hai tạp chí Toán học là Acta Mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Mathematics của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hai tạp chí Vật lý là Advance in Natural Sciences – NanoScience and Nanotechnology của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tạp chí Vật liệu và Linh kiện tiên tiến (JS AMD) của Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Giải thưởng Tạ Quang Bửu giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc cáctrong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển (từ năm 2013). Giải thưởng Trần Đại Nghĩa là giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc nhất về khoa học tự nhiên và công nghệ; trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước (từ năm 2015).

[3] Báo cáo của Trung tâm Hội nhập quốc tế -Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam

[4] Bản tin lấy nước và dự báo mặn xâm nhập vùng Đồng Bằng Sông Cưu Long do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cung cấp hàng tháng.

TS Nguyễn Thị Thanh Hà

Giới thiệu Hội Nữ trí thức Việt Nam

Giới thiệu Hội Nữ trí thức Việt Nam

Hội Nữ trí thức Việt Nam (NTTVN) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có mục đích tập hợp đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ của nữ trí thức.