Dự án “Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e” nhằm tiếp tục cuộc đối thoại với nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, đặc biệt là tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e, xuất hiện vào đầu thời kỳ Edo (đầu thế kỷ 17). Trong thời kỳ bùng nổ “Chủ nghĩa Nhật Bản” ở châu Âu vào thế kỷ 19, cách thể hiện không gian và sử dụng màu sắc độc đáo trong tranh Ukiyo-e đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều nghệ sĩ phương Tây nổi tiếng như Monet, Cézanne và Renoir - những người sau đó đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật chịu ảnh hưởng lớn từ Ukiyo-e.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và đại diện Trung tâm Giao lưu văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam trong nghi thức các tác giả đón nhận chứng chỉ tham gia dự án. Ảnh: :L.Q.V |
Tiếp nối dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” bắt đầu thực hiện và ra mắt tại Hà Nội vào năm 2020, trải qua nhiều lần tiến hành nghiên cứu và tương tác với dòng tranh Hàng Trống, dự án đã phát triển và ra mắt được rất nhiều triển lãm trong 3 năm gần đây. Chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó… đã được đối thoại với các bức tranh Hàng Trống để từ đó sáng tạo ra những truyền thống mới với hình hài cũng như tinh thần của thế hệ trẻ trong thời đại mới.
Hơn 100 năm sau, với lần này, các nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã tham gia vào thử thách mới để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ Ukiyo-e, nhưng vẫn giữ được truyền thống Việt Nam và được biểu đạt bằng nhiều chất liệu. Dễ thấy trong các tác phẩm hình ảnh của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên, những phụ nữ Việt Nam…
Hình tượng Văn miếu - Quốc tử giám trong một tác phẩm. Ảnh: L.Q.V |
Giám tuyển của dự án là họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - người từng du học ở Trung Quốc, là một nghệ sĩ thị giác, nhiếp ảnh gia, giám tuyển độc lập và hiện là giảng viên ngành nghệ thuật thị giác của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong số các nghệ sĩ trẻ tham gia dự án/triển lãm lần này, đa phần là sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Dự án “Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e” đã ra mắt thành công tại Nhà Thái Học của Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào tháng 1 năm nay, và tháng 8 vừa qua, triển lãm đã tiếp tục được giới thiệu tới công chúng địa phương và du khách quốc tế tại thành phố Hội An trong khuôn khổ “Tuần lễ giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 20”.
Lần này, triển lãm “Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e” giới thiệu 37 bộ tác phẩm với đa dạng chất liệu lụa, sơn mài, gốm, giấy dó, sắp đặt, hoạt hình, được trưng bày tại Trung tâm Giao lưu văn hoá Nhật Bản tại Việt Nam (27 phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), đã mang thêm cơ hội thưởng thức cho những khán giả yêu thích dòng tranh này của đất nước Nhật Bản, cũng như quan tâm tới những sáng tạo độc đáo với sự hòa quyện đầy bất ngờ, thú vị của giới sáng tác trẻ Việt Nam. Triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 15/9/2024 (vào cửa miễn phí). Xin giới thiệu một số tác phẩm tại triển lãm:
Triển lãm tranh gây tranh cãi: Ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm
Câu chuyện những bức tranh bị gỡ bỏ khỏi các buổi triển lãm tranh vì nội dung phản cảm hay chưa phù hợp đã không còn quá xa lạ.