Đừng buồn, sống trong nợ nần là cơ hội để cuộc sống ngăn nắp và trưởng thành hơn!

Nghe thật cám cảnh, nhưng chìm đắm trong nợ nần đã giúp 3 bạn trẻ thấu đáo hơn nhiều điều về cuộc sống.

Gần đây, trên Zhihu có một chủ đề rất hay, thu hút hơn 1 triệu lượt theo dõi. Một người dùng ẩn danh đã đặt ra câu hỏi: Cảm giác khi trả xong một khoản nợ lớn sẽ như thế nào nhỉ, có ai có thể nói cho tôi biết không?

Ở phần bình luận, ngoài những câu trả lời ngắn gọn súc tích, miêu tả cảm giác nhẹ gánh, vui sướng khi không còn bị áp lực tiền bạc đè lên vai, có không ít người đang phải vật vã sống cùng những khoản nợ cũng tham gia, bày tỏ nỗi lòng.

Câu chuyện của 3 người trẻ dưới đây là một trong số đó.

Đổng Khiết (27 tuổi): "Nhờ trả nợ, tôi mới nhận ra mình có khả năng tiết kiệm nhiều hơn mình nghĩ"

Đổng Khiết hiện đang là nhân viên phân tích dữ liệu phần mềm cho một công ty công nghệ. Suốt 28 tháng qua, 2867 NDT (khoảng 9,8 triệu đồng) là khoản tiền mà Đổng Khiết phải mang đi trả nợ mỗi tháng. Sau khi trả nợ, Đổng Khiết chỉ còn khoảng 900 - 950 NDT (khoảng 3 - 3,2 triệu đồng) để trang trải mọi chi phí sinh hoạt ở một thành phố đắt đỏ như Thâm Quyến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Tôi có vay tiền người thân để hùn vốn làm ăn với bạn. Chúng tôi phải gồng lỗ gần nửa năm trời vì công việc kinh doanh không thuận lợi. Đến khi không thể cố gồng thêm nữa, chúng tôi đành dẹp tiệm. Sau đó, tôi phải đi vay tiền ngân hàng để trả khoản nợ đã vay người thân nhằm đầu tư cho việc kinh doanh này" - Đổng Khiết chia sẻ về lý do bản thân phải gánh khoản nợ 88.877 NDT (khoảng 305 triệu đồng) trong suốt hơn 2 năm qua.

Chỉ còn 3 tháng nữa thôi, Đổng Khiết sẽ trả xong món nợ này. Nhìn lại những tháng ngày vật vã sống với số tiền ít ỏi còn lại sau khi trả nợ, Đổng Khiết cho biết: "Khi chưa mắc nợ, tiền ăn uống một tháng của tôi cũng đã hơn 1000 NDT. Vậy mà đến khi chỉ có 950 NDT để lo toàn bộ chi phí sinh hoạt trong một tháng, tôi vẫn sống được. Đương nhiên cuộc sống như vậy chắc chắn không thể thoải mái. Nhưng nó giúp tôi nhận ra khả năng sinh tồn của mình đỉnh đến mức nào".

Dự định của Đổng Khiết sau khi hoàn thành xong món nợ này chính là cho mình 1 tháng được tiêu hết tiền lương, để ăn những món mình thích, mua quần áo mới cho bản thân và bố mẹ. Sau đó, chàng trai 27 tuổi này sẽ tiết kiệm 2700 NDT mỗi tháng - Con số gần bằng khoản tiền mà Đổng Khiết dùng để trả nợ hàng tháng trong suốt hơn 2 năm.

Trường Minh (33 tuổi): "Còn đang nợ, đừng nghĩ tới chuyện kết hôn"

Ở độ tuổi 29, Trường Minh bước vào hôn nhân khi trên vai vẫn đang phải gánh một khoản nợ gần 200.000 NDT (khoảng 686 triệu đồng).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Tôi kết hôn vì yêu vợ mình nhưng thú thật đó không phải là lý do duy nhất. Tôi đã nghĩ rằng cưới xong, kiểu gì mình cũng sẽ có một khoản tiền để trả bớt khoản nợ lúc ấy. Và đó là suy nghĩ đáng trách nhất trong suốt 31 năm đời tôi, thậm chí nó còn đáng trách hơn cả nguyên nhân gây ra khoản nợ này" - Trường Minh chia sẻ.

Vì nói dối vợ là cần tiền để vận hành công ty, Trường Minh đã lấy 2/3 số tiền mừng cưới để mang đi trả nợ. Sau đó, dư nợ của Trường Minh vẫn còn gần 110.000 NDT (khoảng 377 triệu đồng). Nhưng cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, chưa đầy 1 năm sau khi kết hôn, vợ Trường Minh phát hiện ra khoản nợ của chồng.

"Cô ấy đã quyết định bán hết của hồi môn và dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để đưa cho tôi trả nợ. Đến tận bây giờ khi cả hai đã ly hôn, tôi vẫn vô cùng biết ơn những gì cô ấy đã làm. Chỉ có điều, hôn nhân không thể lâu dài nếu một bên luôn trách cứ, một bên luôn phải chịu sự giày vò. Bất cứ lúc nào chúng tôi tranh cãi, cô ấy cũng lôi khoản nợ năm xưa ra để đay nghiến tôi. Chúng tôi đã ly hôn vì chuyện ấy.

Tôi biết mình không thể đổ lỗi cho ai vì chính tôi đã làm khổ cô ấy vì khoản nợ của mình" - Trường Minh bộc bạch và không quên khẳng định nếu đang có nợ, hãy trả cho hết đi rồi hẵng tính tới chuyện lập gia đình.

Lãng Thiên Văn (26 tuổi): "Không gì có thể miêu tả cảm giác bản thân không thể lo cho bố mẹ lúc họ ốm đau"

Thiên Văn tự nhận mình là "một kẻ ngu dốt" khi phải gánh khoản nợ tín dụng lên tới 55.000 NDT (khoảng 188 triệu đồng) do ăn chơi, trác táng. Suốt 1 năm quẹt thẻ vô tội vạ, Thiên Văn đã dùng hết hạn mức của chiếc thẻ tín dụng này và phải chuyển dư nợ về hình thức trả góp trong vòng 36 tháng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Tôi đã nghĩ rằng chuyện này cũng không phải là thách thức gì quá lớn, dù số nợ đó không nhỏ nhưng nếu chia ra để trả hàng tháng, tôi vẫn có thể sống ổn, chỉ cần hạn chế việc ăn chơi lại một chút là được. Quả thực bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn chưa thể tha thứ cho bản thân vì suy nghĩ nông cạn này" - Thiên Văn bộc bạch.

Trong khoảng thời gian đang trả góp thẻ tín dụng, cha của Thiên Văn bị đột quỵ. Tuy ông may mắn vượt qua cơn nguy kịch nhưng khoản tiền viện phí, chữa trị suốt 2 tháng trời thực sự là gánh nặng tài chính với gia đình Thiên Văn.

"Bố mẹ tôi đều đã nghỉ hưu. Mức lương hưu của họ chỉ đủ sống chứ cũng không dư dả gì. Nhìn mẹ phải chạy vạy vay tiền khắp nơi để lo cho cha lúc đó, tôi chợt ước ao giá như mình không quẹt hết hạn mức thẻ tín dụng thì lúc đó, tôi đã có thể thanh toán toàn bộ tiền viện phí, chữa trị cho cha" - Thiên Văn chia sẻ.

Hiện tại, Thiên Văn vẫn chưa trả xong khoản nợ tín dụng và ngày nào cũng phải sống trong cảm giác dằn vặt, nơm nớp lo sợ sẽ có biến cố về mặt sức khỏe xảy đến với cha mẹ của mình.

Ngọc Linh

Sau đám cưới của anh trai, bố mẹ tôi ngập trong nợ nần

Sau đám cưới của anh trai, bố mẹ tôi ngập trong nợ nần

Mẹ hỏi vợ chồng tôi có khoản tiền nào rảnh rỗi không để cho ông bà vay trả cho hết nợ.