Giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và Nguồn nhân lực chất lượng cao - những nội dung liên quan trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng

Dưới đây là một số ý kiến đóng góp của PGS. TS Lê Thị Phương Hoa về Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công. Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ ngày càng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã ghi nhận sự đổi mới và phát triển khoa học và công nghệ trong những năm qua. Khoa học và công nghệ từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường và đóng góp tích cực về nhiều mặt. Hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo. Dự thảo cũng nêu ra những điểm còn tồn tại như việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài. Hệ thống thông tin, thống kê khoa học và công nghệ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ việc xây dựng các chiến lược, chính sách.

PGS.TS Lê Thị Phương Hoa - Ủy viên Ban thường vụ Hội Nữ trí thức Việt Nam (đứng thứ 5 từ trái qua) và các thành viên Hội nữ trí thức Việt Nam
PGS.TS Lê Thị Phương Hoa - Ủy viên Ban thường vụ Hội Nữ trí thức Việt Nam (đứng thứ 5 từ trái qua) và các thành viên Hội nữ trí thức Việt Nam

Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nữ khoa học đặc biệt phụ nữ tham gia các lĩnh vực lĩnh vực liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) là rất cần thiết và có tầm quan trọng. Tôi xin đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham gia STEM như sau:

Thứ nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu số về các nhà khoa học nữ. Hiện nay, dữ liệu về các nhà khoa học nữ còn phân tán ở từng cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu và chưa đồng bộ. Trong khi đó cơ sở dữ liệu này là nguồn cung cấp thông tin cho việc hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ và đổi mới chính sách nhân lực khoa học và công nghệ với sự tham gia mạnh mẽ của đội ngũ các nhà khoa học nữ. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các nhà khoa học nữ có thể tham gia các hoạt động tư vấn, xây dựng, kết nối hợp tác nghiên cứu, ứng dụng trong ngành và liên ngành. Thông tin về các thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và tăng cường vị thế của phụ nữ trong phát triển khoa học và công nghệ đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Đó cũng là những nguồn sáng thắp lửa cho thế hệ trẻ đam mê nghiên cứu, tham gia tích cực vào STEM.

Thứ hai là có chính sách tài chính hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tập thể nữ nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Phụ nữ có những đức tính quý báu như kiên trì, nhẫn nại, thông minh, sáng tạo. Thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học nữ đã và đang từng bước được công nhận và đánh giá cao. Theo số liệu thống kê của Cục thống kê và NASATI, phụ nữ tham gia  nghiên cứu khoa học chiếm đến 45 - 47% nhưng chỉ có khoảng 23 - 26% tổng số đề tài nghiên cứu do các nhà khoa học nữ chủ trì. Cụ thể, chỉ 26,1% (năm 2018) và 24,7% (năm 2019) đề tài quỹ NAFOSTED có chủ trì là nữ. Do vậy, cần xây dựng quỹ khoa học - công nghệ ở các Bộ, ngành để hỗ trợ các nhà khoa học nữ tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học tập trung vào một số ngành mũi nhọn có tầm ảnh hưởng quan trọng đến các lĩnh vực của đời sống, sản xuất, quốc phòng, an ninh như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ môi trường… Việc đầu tư, quản lý tài chính khoa học và công nghệ có thể chuyển đổi theo nguyên tắc đặt hàng, dựa vào kết quả và hiệu quả cuối cùng.

PGS.TS Lê thị Phương Hoa (đứng thứ ba từ trái qua)
PGS.TS Lê thị Phương Hoa (đứng thứ ba từ trái qua)

Thứ ba là có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút thế hệ trẻ tham gia STEM. Đây là nguồn lực tiềm năng cho sự phát triển khoa học và công nghệ. Đưa giáo dục STEM vào các bậc học từ phổ thông đến đại học nhằm tuyên truyền, phổ biến và thúc đẩy ngiên cứu giáo dục STEM từ sớm. Các chuyên gia STEM nữ chính là các nhà cố vấn cao cấp cho các nhà khoa học trẻ. Việc tổ chức các khoá tập huấn, tư vấn nghiên cứu kể cả cách viết thuyết minh đề tài và đăng ký các quỹ đề tài khoa học công nghệ là rất cần thiết. Hiện nay, số lượng quỹ và giải thưởng cho các nhà khoa học trẻ (ví dụ dưới 35 - 40 tuổi) đặc biệt đối với nữ còn rất ít. Các quỹ và giải thưởng này cũng là cơ sở thu hút các nhà khoa học nữ trẻ tích cực tham gia nghiên cứu.

Thứ tư là tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế. Thiết lập mạng lưới các nhà khoa học nữ tham gia STEM ở Việt Nam và phát triển sự hợp tác với các mạng lưới quốc tế như INWES, APNN. Sự hợp tác không chỉ dừng ở việc tổ chức giao lưu, hội thảo mà còn phát triển hợp tác nghiên cứu, trao đổi nghiên cứu viên. Sự hợp tác giữa các nhà khoa học nữ cùng chuyên ngành và liên ngành sẽ góp phần phát triển các đề tài nghiên cứu sâu rộng, có tính khoa học và ứng dụng cao.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân hy vọng có thể đóng góp vào việc thúc đẩy phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

PGS. TS Lê Thị Phương Hoa - Ủy viên Ban thường vụ Hội Nữ trí thức Việt Nam

Lực lượng phụ nữ góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Lực lượng phụ nữ góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Đông đảo các nhà khoa học nữ, nữ doanh nhân, nữ trí thức, các chuyên gia và hội viên phụ nữ đã tham gia hội thảo.