Hà Lan - Quốc gia nhỏ bé có thể nuôi cả thế giới?

Từ cách đây gần 20 năm, Hà Lan đã định hướng nền nông nghiệp theo quan điểm sản xuất nhiều nhất với chi phí ít nhất.

Bức bách bài toán an ninh lương thực

Mỗi năm Trái Đất đón thêm khoảng 80 triệu dân, tức mỗi ngày có khoảng 220 ngàn trẻ chào đời. Với nhịp độ này, dân số thế giới sẽ đạt 8 tỷ vào năm 2022, và 10 tỷ vào năm 2050. Song song với tăng trưởng dân số là sự hủy hoại môi trường do các chương trình phát triển đô thị, phá rừng làm đất canh tác... Dân số tăng nhanh đặt loài người trước những thách thức lớn về môi trường, xung đột địa chính trị, di dân... và đặc biệt là an ninh lương thực.

Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc cảnh báo trong một báo cáo hôm 22/2 rằng, tương lai nguồn cung lương thực toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng mà nguyên nhân là do nông nghiệp cơ giới hóa cao độ; sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các hóa chất nông nghiệp khác; tình trạng ô nhiễm, sử dụng nguồn nước và đất đai kém hiệu quả; chính sách quản lý kém, thu hoạch quá mức; và biến đổi khí hậu.

Tương lai nguồn cung lương thực toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng (Nguồn: ICR)
Tương lai nguồn cung lương thực toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng (Nguồn: ICR)

Trong hai thập kỷ qua, khoảng 20% bề mặt thảm thực vật trên trái đất giảm hiệu suất, 1/3 khu vực đánh cá trên các đại dương bị khai thác quá mức. Các chủng côn trùng thụ phấn - đóng vai trò quan trọng đối với 3/4 cây trồng trên thế giới - bị đe dọa, trong đó, 17% loài động vật thụ phấn có nguy cơ tuyệt chủng. Suy giảm đa dạng sinh học còn đến từ thế độc canh khi một trong số cây lương thực bị thiệt hại do dịch bệnh hoặc biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp toàn cầu, chưa kể, nguy cơ dịch bệnh với cây trồng cũng cao hơn.

Tuyên bố an ninh lương thực và dinh dưỡng thế giới được công bố vào tháng 8/2018 đã cung cấp một số thống kê đáng buồn là khoảng 821 triệu người trong tổng số 7,6 tỷ cư dân trên hành tinh đang không nhận đủ dinh dưỡng. Trên bình diện toàn cầu, cứ 9 người có 1 người đói ăn, gồm 515 triệu người ở châu Á và 256,5 triệu người ở châu Phi. Việc giảm lượng thức ăn đang là căn nguyên của một nữa số trẻ em dưới 5 tuổi bị chết…

Điều kỳ diệu mang tên Nông nghiệp Hà Lan

Hà Lan - quốc gia chỉ rộng 41.543 km2, mật độ dân số bình quân 414 người/m2 với khoảng 50% diện tích lãnh thổ chỉ cao hơn so với mực nước biển 1m - đã chứng minh cho thế giới một điều đáng kinh ngạc là tài nguyên thiên nhiên hay vị trí địa lý không ngăn cản được con người phát triển nông nghiệp. Từ cách đây gần 20 năm, Hà Lan đã định hướng nền nông nghiệp theo quan điểm sản xuất nhiều nhất với chi phí ít nhất.

Kể từ năm 2000, Hà Lan đã giảm 90% lượng nước cần thiết cho việc tưới tiêu nhưng lại tăng mạnh sản lượng. Năng suất khoai tây ở đây cao hơn thế giới 2 lần. Hà Lan là nước xuất khẩu khoai tây, hành tây số 1, là quốc gia xuất khẩu cà chua lớn thế giới, dù loại nông sản này rất kén thời tiết; khoảng 1/3 hạt giống rau giao dịch trên thế giới có xuất xứ từ Hà Lan.

Nông dân Hà Lan gần như ngừng hoàn toàn sử dụng hóa chất cho việc trồng trọt. Kể từ năm 2009, các trang trại chăn nuôi, giết mổ ở đây đã giảm 60% lượng kháng sinh. Với dân số chỉ hơn 17 triệu người, nhưng Hà Lan là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, theo tổng giá trị sản phẩm. Xuất khẩu nông nghiệp năm 2017 đạt mức kỷ lục 91,7 tỷ Euro, cao hơn năm trước 7%; tỷ trọng thương mại nông nghiệp cũng tăng 4%, đạt mức 29,1 tỷ Euro.

Từ cách đây gần 20 năm, Hà Lan đã định hướng nền nông nghiệp theo quan điểm sản xuất nhiều nhất với chi phí ít nhất.
Từ cách đây gần 20 năm, Hà Lan đã định hướng nền nông nghiệp theo quan điểm sản xuất nhiều nhất với chi phí ít nhất.

Công ty sinh học Koppert - một trong những công ty sáng tạo hàng đầu Hà Lan với 26 công ty phân phối sản phẩm tại 96 quốc gia, chuyên cung cấp những loài bọ cánh cứng hay những con rận có thể giúp tiêu diệt các loại rệp, nhện có hại cho cây trồng; hay ong mật đặc biệt - vừa kiếm mật vừa thụ phấn hiệu quả hơn gấp nhiều lần thụ phấn nhân tạo - sản lượng tăng từ 20% đến 30% và chi phí giảm một nửa.

Yếu tố quyết định thành công của Hà Lan là sử dụng công nghệ cao cũng như có quy hoạch chuẩn với nông nghiệp. Năm 2017, chính phủ nước này đã đầu tư 2 triệu Euro để mua số liệu vệ tinh về độ ẩm, chất lượng đất, không khí, áp suất… giúp nông dân chọn các phương án tưới tiêu, bón phân, thụ phấn. Giải pháp này giúp nông dân Hà Lan can thiệp được chính xác quy trình trồng trọt, giúp tiết kiệm đáng kể hạt giống, phân bón, lượng nước tưới…

Bên cạnh đó, Hà Lan cũng có quy hoạch khá tốt và dành hơn 50% diện tích đất cho nông nghiệp. Nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng, Hà Lan sử dụng các tổ hợp nhà kính để ứng dụng công nghệ cao cũng như kiểm soát quá trình phát triển của cây trồng. Hệ thống đèn LED, chế độ tưới tiêu, kiểm soát dinh dưỡng… cho phép can thiệp chính xác quá trình sinh trưởng của cây để tạo ra sản lượng cũng như chất lượng tốt nhất.

Hiểu được những bất lợi của đất nước mình Hà Lan đã chủ động điều chỉnh định hướng đầu tư. Hàng năm, nước này đầu tư bình quân 4.000 Euro/hecta đất nông nghiệp cùng hàng loạt các chính sách tài trợ, xây dựng hệ thống tưới tiêu, trợ giúp người nông dân. Do đất ít lại không thuận lợi về ánh sáng, nhiệt độ nên thay vì trồng các cây trồng truyền thống có chi phí cao, họ chuyển sang trồng các loại cây, rau hay chăn nuôi theo hướng tối ưu nhất.

Năm 2016, nông nghiệp Hà Lan chiếm tới 22% tổng kim ngạch xuất khẩu, và dù đứng sau Mỹ về tổng giá trị xuất khẩu nông sản, hiệu suất sử dụng đất lại đứng đầu thế giới, với sản lượng cao hơn 270 lần với cùng diện tích đất. Tỷ trọng nông nghiệp của nước này chỉ chiếm 1,6% GDP và chưa đến 1,5% dân số Hà Lan làm nông nhưng những kỳ tích vẫn được lập nên. Nhân tố đứng đằng sau những thành tựu đáng khâm phục của nông nghiệp Hà Lan là Trung tâm nghiên cứu Đại học Wageningen (WUR) - được mệnh danh là "Thung lũng thực phẩm" (Food Valley).

Từng là nước chịu cảnh đói kém khi 20.000 người thiệt mạng do đói ăn vào cuối Thế chiến 2, chính quyền Amsterdam hiểu rõ tầm quan trọng của an ninh lương thực. Hà Lan phân bổ đến 10% ngân sách cho nghiên cứu nông nghiệp - con số cực kỳ lớn. Ngày nay, khoảng 45% học sinh tốt nghiệp WUR được tuyển dụng tại hơn 100 quốc gia khác nhau, cho thấy chất lượng giáo dục công nghệ nông nghiệp cũng như sự đầu tư của chính phủ Hà Lan cho mảng này.

Các nhà khoa học Hà Lan đang tìm hướng đi cho nông nghiệp thế giới bằng các giải pháp mang tính đột phá. Tình trạng hạn hán và đất cằn cỗi ở châu Phi có thể được giải quyết bằng cách thuần hóa các loại cây có khả năng kết hợp với vi khuẩn để sản xuất phân bón cho chính nó. Nếu một hecta đất có thể thu hoạch 1 tấn/năm đậu nành, thì với cùng diện tích, có thể sản xuất 150 tấn đạm từ các loại côn trùng - cũng là nguồn thức ăn cho gia súc và gia cầm. Sử dụng đèn LED cho phép sản xuất nông nghiệp trong những nhà kính 24/24, đồng thời có thể kiểm soát các điều kiện khí hậu, giúp sản xuất bền vững, hạn chế tác hại đối với môi trường.

Hà Lan phân bổ đến 10% ngân sách cho nghiên cứu nông nghiệp - con số cực kỳ lớn.
Hà Lan phân bổ đến 10% ngân sách cho nghiên cứu nông nghiệp - con số cực kỳ lớn.

Công nghệ đạt được bước tiến vượt bậc nhất ở Hà Lan là ngành tạo giống, nhất là trong bối cảnh trên thế giới đang tranh cãi xung quanh việc phát triển những hạt giống biến đổi gene nhằm sản xuất ra những mùa vụ lớn hơn và kháng bệnh tốt hơn. Điều tuyệt vời là rất nhiều công ty Hà Lan dẫn đầu thế giới trong việc kinh doanh hạt giống với giá trị xuất khẩu gần 1,7 tỷ USD trong năm 2016, nhưng không hề sản xuất sản phẩm biến đổi gene (GMO).

Những hạt giống biến đổi gene ở châu Âu có thể tiêu tốn đến hàng trăm triệu USD và đòi hỏi 12 - 14 năm để nghiên cứu và phát triển thì nhân giống phân tử và không gây biến đổi gen cho kết quả sau 5 - 10 năm và chi phí chỉ khoảng 100.000USD, cao nhất là khoảng 1 triệu USD; các nhà khoa học Hà Lan đã chọn giải pháp thứ 2. Vấn đề mà đội ngũ cán bộ khoa học nông nghiệp Hà Lan quan tâm và thảo luận hàng ngày là họ có thể làm gì cho các nước đang phát triển… Theo National Geographic, có lẽ nỗi trăn trở đó chính là bí quyết thành công của Hà Lan - nước nhỏ nhưng có thể nuôi cả thế giới!

Hương Giang (tổng hợp)

Ánh sáng xanh tàn phá làn da và sức khỏe

Ánh sáng xanh tàn phá làn da và sức khỏe

Bạn có biết sức tàn phá của ánh sáng xanh với làn da tương đương việc phơi nắng 20 phút giữa trưa mà không sử dụng sản phẩm chống nắng nào?