Hàng trăm tàu đang chuyển hướng rời khỏi Suez để đi vòng sang Mũi Hảo Vọng

Hàng trăm tàu đang bị kẹt ở hai đầu kênh Suez đã tính đến giải pháp thay thế đắt đỏ là vòng qua mũi Hảo Vọng.

Sáng 29/3, hình ảnh từ Marinevesseltraffic, website chuyên theo dõi hải trình tàu thương mại cho thấy hàng trăm tàu đang chuyển hướng rời khỏi Suez để đi vòng sang Mũi Hảo Vọng. 

Hàng trăm tàu đang chuyển hướng rời khỏi Suez để đi vòng sang Mũi Hảo Vọng

Theo hãng tài chính dữ liệu Refinitiv, cách này sẽ mất thêm ít nhất là 26 ngày nữa, trong khi  hành trình từ kênh đào Suez, Ai Cập đến cảng Rotterdam, Hà Lan thường chỉ mất khoảng 11 ngày.

Công ty chuyên theo dõi vận chuyển xăng dầu Kpler cho biết, 7 hãng vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã quyết định chuyển hướng ra khỏi Suez. Theo người phát ngôn NOH Ji-hwan của công ty vận tải biển Hàn Quốc HMM, những tàu vận tải từ châu Á sang Anh của họ đi qua kênh đào Suez đã đổi hướng vòng quanh châu Phi.

Trưởng nhóm nghiên cứu tại Kpler, ông Alex Booth cho biết các tàu đang mắc kẹt ở kênh đào khó có thể thay đổi hành trình của mình xuống châu Phi và có thể mất đến gần 6 tuần. 

Với những con tàu đang trên hành trình từ Á sang Âu, vòng quanh châu Phi khiến họ đối mặt cướp biển ở vùng ngoài khơi Somalia. Những tàu không có bảo vệ có thể sẽ mất thêm 3 ngày để đi vòng qua khu vực tránh hải tặc.

Dòng chảy ấm và lạnh ở châu Phi còn tạo ra những điều kiện thời tiết khó lường có thể gây ra nhiều trở lại. Đặc biệt phí nhiên liệu bổ sung cho một chuyến đi bình thường rơi vào khoảng 30.000 USD/ngày, tuỳ thuộc vào tàu. Đối với những chuyến đi dài, tổng chi phí có thể lên đến 800.000 USD.

Nếu chỉ neo tàu ở đầu kênh đợi đến khi có thể di chuyển, chủ tàu sẽ phải trả thêm phí giữ tàu quá hạn và phí chậm trễ hàng hoá dao động từ 15.000-30.000 USD/ngày.

Kpler ước tính đoạn đường từ cảng dầu Ras Tanura của Ả Rập Saudi vòng xuống Mũi Hảo Vọng sẽ mất 39 ngày, trong khi đi qua Suez là 24 ngày. Chênh lệch 15 ngày là có thể chấp nhận được với một vài hãng tàu.

Sự kiện một trong số những tàu chở container lớn nhất thế giới Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào Suez khiến ngành vận tải biển toàn cầu có thể trở về những năm trước 1869, thời điểm kênh Suez chưa hoạt động.

Theo Moody’s Investor Service, 15% năng lực vận tải container của thế giới đang bị ảnh hưởng bởi sự cố lần này. Ước tính có 9,8 triệu thùng dầu - chiếm khoảng 1/10 lượng tiêu thụ toàn cầu - hiện vẫn đang chờ để được vào kênh. Quyết định chờ hay chuyển hướng vẫn phụ thuộc vào đội kỹ sư đang cố gắng giải cứu tàu Ever Given.

Theo Refinitiv, việc khai thông kênh đào Suez đang gặp một số điều kiện bất lợi. Phải đến giữa tuần sau, thuỷ triều và các điều kiện hàng hải khác mới có chuyển biến tích cực.

Trong trường hợp xấu nhất, cơ quan quản lý kênh đào Suez sẽ thi hành kế hoạch C: dỡ bỏ một số container ra khỏi tàu Ever Given nhưng sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nếu dự định này được thực hiện.

Thanh Mai

Mặt trái của dòng chảy thương mại thế giới nhìn từ sự cố siêu tàu Ever Given ở kênh đào Suez

Mặt trái của dòng chảy thương mại thế giới nhìn từ sự cố siêu tàu Ever Given ở kênh đào Suez

Sự cố "siêu tàu" Ever Given bị mắc cạn trong Kênh đào Suez của Ai Cập đã phơi bày tính dễ tổn thương của dòng chảy thương mại toàn cầu.