Hội thảo tham vấn định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035

Sáng 3/12, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035.

Hội thảo tham vấn về định hướng chiến lược hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035 là một diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các tổ chức hỗ trợ cùng nhau thảo luận, chia sẻ đóng góp kinh nghiệm và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong giai đoạn tới.

Quang canh hội thảo
Quang canh hội thảo

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Chính phủ thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương vì một Việt Nam năng động, sáng tạo và phồn thịnh.

Tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022, Hội LHPN Việt Nam đã xác định một trong ba nhiệm vụ trọng tâm là: "Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường". Theo đó, Hội đã hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt và được giao chủ trì Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939).

Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam 
Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam 

Tại hội thảo tham vấn Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương đánh giá về hoạt động triển khai, thực hiện Đề án 939 gồm: Hội thảo tham vấn được Hội LHPN Việt Nam tổ chức, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án 939 giai đoạn 2017-2025, qua đó nếu bật những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua; chỉ ra các nguyên nhân, hạn chế, tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm thành công… 

Hội LHPN các cấp đã nỗ lực, sáng tạo trong chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai Đề án và đã đạt những thành tựu quan trọng. Tính đến năm 2024, đã có 4/5 mục tiêu của Đề án (đến năm 2025) hoàn thành và hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đặt ra, có những mức tiêu hoàn thành vượt mức gấp 3, gấp 4 lần. 

Trong đó, điểm nhấn của Đề án là Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức hàng năm. Cuộc thi đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp hội viên phụ nữ cả nước, khơi dậy đam mê, cống hiến và sự tự tin để chị em vươn lên khởi nghiệp, khẳng định quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Đề án 939 đã đáp ứng được nhu cầu khởi nghiệp, phát triển kinh tế của phụ nữ, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu thế định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ trong quá trình triển khai.

Để thực hiện Đề án đạt hiệu quả, TW Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp đã nhận được sự đồng hành của các chuyên gia và tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đóng góp các nghiên cứu, tư vấn về chiến lược, giải pháp, tạo nền tảng khoa học và thực tiễn để triển khai Đề án; cũng như sự tham gia hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức quốc tế giúp tạo thêm nguồn lực cho các hoạt động. Đó là những động lực để nhiều chị em phụ nữ vượt qua rào cản định kiến giới, tự tin khẳng định mình trên thương trường.

Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu chỉ đạo
Bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu chỉ đạo

Phó Chủ tịch Trần Lan Phương đề xuất các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận tập trung vào các nội dung như: cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn xây dựng đề án giai đoạn tới. Trong đó, cần cân nhắc một số điểm mới, nội dung mới cần đưa vào trong đề án. Cụ thể: cân nhắc mở rộng đối tượng thụ hưởng của Đề án tới các hội viên phụ nữ ở khu vực nông thôn, phụ nữ cao tuổi, hay các lao động nữ có tuổi nghề ngắn như: nữ công nhân lao động ở các khu công nghiệp, nữ lao động làm việc cho các doanh nghiệp FDI, nữ vận động viên có tuổi nghề ngắn, phụ nữ trong các lực lượng an ninh, quốc phòng…

Các chuyên gia, khách mời cùng nhau đề xuất các giải pháp tại Hội thảo
Các chuyên gia, khách mời cùng nhau đề xuất các giải pháp tại Hội thảo

Thông qua hội thảo các chuyên gia, khách mời cùng nhau đề xuất các giải pháp cụ thể, sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề mà phụ nữ khởi nghiệp đang đối mặt. Tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có cùng quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp của phụ nữ kết nối và hợp tác với nhau.

Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò quan trọng của phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Mở rộng đối tượng hỗ trợ đến các nhóm phụ nữ đặc thù như phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, phụ nữ khuyết tật... Đồng thời, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp trong các lĩnh vực mới nổi như công nghệ, xanh, và kinh tế số.

Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ tài chính, giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn. Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ năng khởi nghiệp, quản lý kinh doanh, tiếp thị, và đổi mới sáng tạo cho phụ nữ. Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phát triển các tổ chức hỗ trợ, và các mạng lưới kết nối dành riêng cho phụ nữ khởi nghiệp.

Tăng cường truyền thông và quảng bá về các thành công của phụ nữ khởi nghiệp, tạo hình ảnh tích cực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.

Các kết quả cụ thể của hội thảo sẽ được tổng hợp và đưa ra các khuyến nghị cho việc xây dựng Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035.

Đề án này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong những năm tới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hoàng Toàn

  Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2024-2029)

Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2024-2029)

Sáng 24/11, tại TP.HCM, Hội Nữ trí thức TP. HCM tổ chức Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2024-2029)