Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương người bị cúm thường thấy đau mỏi, sốt, sổ mũi, ho, người mệt mỏi khó chịu. Vì những triệu chứng này, người bệnh cảm thấy rất nặng nề, mệt mỏi, mất hết năng lượng. Tuy nhiên các triệu chứng này hầu như khỏi nhanh cho nên 80-90% bệnh nhân cúm không phải nhập viện điều trị, bệnh tự khỏi.
Khi sốt trên 38,5 độ C, hãy uống thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng. Thuốc sẽ giúp hạ sốt, giảm đau mỏi người, đặc biệt là uống nhiều nước. Tốt nhất pha oresol theo khuyến cáo, uống thay nước lọc trong ngày (từ 1,5-2 lít nước), uống nước dừa, nước trái cây, ăn nhiều đồ loãng như cháo, súp... sẽ hỗ trợ hạ sốt rất tốt.
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như ho (dùng thuốc ho), ngạt mũi, sổ mũi thì rửa muối biển, nhỏ thuốc chống ngạt mũi.
BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện E khuyến cáo, bệnh nhân cúm A nên được chăm sóc, cách ly tại phòng riêng để tránh lây nhiễm cho người thân trong gia đình. Các loại rác thải như giấy ăn để lau mũi, khạc nhổ... cần để trong túi rác riêng, buộc kín để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Cần thường xuyên rửa tay, hạn chế làm virus bám vào các vật dụng như tay nắm cửa, cầu thang... có thể lây truyền cho người khác.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương cảnh báo thuốc Tamiflu sử dụng phải theo đơn thuốc không được sử dụng tùy tiện. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.
Việc điều trị thuốc kháng virus Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch…
Với các trường hợp còn lại, chỉ điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng.
Nếu thấy cúm biểu hiện các triệu chứng có dấu hiệu nặng lên, có biểu hiện viêm phổi cần phải nhập viện. Các trường hợp cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ nên được nhập viện để theo dõi và bác sĩ là người quyết định có điều trị sớm bằng thuốc kháng virus.
Khi sốt cao liên tục, khó hạ, kém đáp ứng thuốc hạ sốt, bệnh nhân có biểu hiện nặng lên, khó thở, biến chứng viêm phổi... cần phải đưa đến bệnh viện.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan; khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang.
Các biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh. Đặc biệt, người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cúm.
Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…)); Người trên 65 tuổi.
Rạp phim tháng 8: tiếp tục một mùa hè bùng nổ với các "bom tấn" điện ảnh
Loạt phim Hàn quy tụ dàn sao siêu khủng đến sự trở lại của đạo diễn Jordan Peele, màn ra mắt của phim slasher máu me bậc nhất màn ảnh Việt.