Dùng thẻ tín dụng mà "không khéo" là dễ nợ ngập đầu. Sự thật này, có lẽ tất cả chúng ta đều đã biết. Tuy nhiên, nếu nghĩ theo chiều ngược lại, nhất quyết nói không với việc sở hữu và sử dụng thẻ tín dụng, liệu có phải là lựa chọn tuyệt đối đúng đắn hay không?
Câu trả lời là chưa chắc.
Bạn sẽ bị thiệt thế nào khi không dùng thẻ tín dụng?
Hiện tại, phần lớn các quán ăn, siêu thị, shop thời trang/mỹ phẩm,... đều cho phép khách hàng thanh toán dưới hình thức quẹt thẻ (bao gồm thẻ tín dụng và thẻ ATM).
Khi thanh toán hóa đơn bằng hình thức quẹt thẻ tín dụng, bạn sẽ không phải trả bất cứ khoản phí nào. Đối tượng phải thanh toán khoản phí này cho ngân hàng là đơn vị thuê thiết bị POS - thiết bị phục vụ việc quẹt thẻ tín dụng. Phí credit ở Việt Nam thường rơi vào khoảng 1 - 2.5% tổng số tiền trong 1 lần giao dịch (tùy từng ngân hàng).
Và để tránh tình trạng "bị hớ" nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng, phần lớn các nhà hàng, siêu thị, shop thời trang/mỹ phẩm… đều đã tính toán mức phí quẹt thẻ tín dụng vào giá thành sản phẩm. Như vậy nghĩa là dù thanh toán bằng hình thức nào đi chăng nữa, bạn vẫn đang "phải gánh" một phần hoặc toàn bộ chi phí quẹt thẻ tín dụng mà không biết.
Ảnh minh họa |
Nếu chọn thanh toán bằng thẻ tín dụng, bạn có thể được hoàn tiền trực tiếp vào thẻ, tùy vào chính sách của từng ngân hàng mà mức hoàn tiền có thể dao động trong khoảng 2-20% giá trị hóa đơn. Trong trường hợp bạn thanh toán bằng tiền mặt hoặc hình thức chuyển khoản, bạn sẽ không được nhận bất cứ khoản tiền hoàn trả nào, vì ưu đãi này chỉ áp dụng với hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Cái thiệt khi không dùng thẻ tín dụng, đến đây, đã quá rõ ràng, đặc biệt là với những người thường xuyên lui tới các nhà hàng, shop thời trang/mỹ phẩm trong TTTM.
Phải làm sao để thẻ tín dụng sinh lời chứ không sinh nợ?
Ngoài việc thanh toán dư nợ tín dụng trước hoặc đúng ngày ngân hàng thông báo, bạn cần ghi nhớ và áp dụng 2 mẹo nhỏ dưới đây, để việc dùng thẻ tín dụng không trở thành mối họa nợ nần.
1 - Không chi tiêu số tiền vượt quá khả năng chi trả
Thẻ tín dụng là một loại đòn bẩy tài chính, cho phép bạn chi tiêu với hạn mức gấp nhiều lần thu nhập hàng tháng. Nếu bạn quẹt hết hạn mức của thẻ mà không có khả năng thanh toán toàn bộ dư nợ, chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu, bạn sẽ phải chịu mức lãi khoảng 5-7% số dư nợ chưa thanh toán.
Ảnh minh họa |
Để hạn chế tình trạng này, không có cách nào khác ngoài việc kiểm soát số tiền mình tiêu từ thẻ tín dụng.
Ví dụ thế này cho dễ hiểu: Lương tháng của bạn là 15 triệu đồng, nhưng hạn mức thẻ tín dụng của bạn lại lên tới 50 triệu đồng. Trong trường hợp này, số tiền mà bạn nên dùng ở thẻ tín dụng là 5-8 triệu đồng, để đảm bảo thanh toán toàn bộ dư nợ mỗi kỳ sao kê và không phải chịu bất kỳ khoản lãi nào.
2 - Thường xuyên kiểm tra, tổng kết số tiền mình đã chi tiêu từ thẻ tín dụng
Một trong những lý do khiến không ít người rơi vào cảnh nợ nần vì dùng thẻ tín dụng chính là bẫy "ảo tưởng dư dả".
Ví dụ thế này: Thẻ ATM của bạn có 5 triệu, bạn mua một đôi giày 800k nhưng bạn không thanh toán bằng thẻ ATM, mà thanh toán bằng thẻ tín dụng. Thế là bạn có cảm giác mình còn nguyên 5 triệu, trong khi thực ra bạn chỉ còn có 4,2 triệu thôi.
Để tránh bẫy "ảo tưởng dư giả" này, sau 2-3 ngày, bạn nên tổng kết số tiền mình đã tiêu từ thẻ tín dụng. Sau đó, chuyển số tiền tương đương từ thẻ ATM mà bạn hay dùng sang 1 chiếc thẻ khác, và tuyệt đối không được "động" vào khoản tiền đó.
Việc này có thể hơi tốn công nhưng nó sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế về khoản tiền mình thực sự có, đồng thời, đảm bảo bạn luôn có đủ tiền để thanh toán dư nợ tín dụng.
Trước khi quẹt thẻ tín dụng mà không biết hỏi câu này, dễ "mất tiền oan"!
Một câu hỏi rất đơn giản, ngắn gọn thôi nhưng có thể "tiết kiệm" cho bạn khối tiền đấy.