Không nộp giấy vụn bị phạt tiền, từ bao giờ "kế hoạch nhỏ" lại trở thành nỗi "ác mộng lớn" của học sinh?

Cộng đồng mạng đang chia ra làm 2 phe tranh cãi trước vụ việc này.

Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước đoạn tin nhắn của của giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh học sinh một lớp tại trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo đó, tin nhắn nêu rõ giáo viên chủ nhiệm phát động thu kế hoạch nhỏ, yêu cầu mỗi học sinh thu gom và nộp tối thiểu 2kg giấy các loại. Chưa hết, giáo viên còn nhấn mạnh học sinh nào quên thì phụ huynh sẽ phải mang tới nộp, nếu không nộp thì bị phạt 50.000/kg giấy. Ngay khi đoạn tin nhắn trên xuất hiện, nhiều bậc phụ huynh bức xúc và thể hiện thái độ không đồng tình.

Liên quan đến sự việc, dân mạng đã chia ra nhiều thành nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) - nơi xảy ra vụ việc
Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) - nơi xảy ra vụ việc

Không nên áp dụng kiểu tình nguyện "bắt buộc" như vậy

Phần đông netizen cho rằng "kế hoạch nhỏ" là một phòng trào đẹp, tuy nhiên việc "ép buộc" học sinh tham gia đang làm méo mó đi ý nghĩa tốt đẹp đằng sau nó. Về bản chất thì phong trào kế hoạch nhỏ không sai, có chăng là ở cách làm của một số trường học đã biến một phong trào ý nghĩa như thế thành "nỗi sợ hãi" của nhiều học sinh và phụ huynh. Hệ quả của nó là học sinh không những không hiểu được ý nghĩa của hành động đẹp này mà ngược lại, chỉ lo sợ không hoàn thành "nhiệm vụ". Phụ huynh vì vậy mà nay cũng phải đôn đáo bỏ tiền bạc công sức để giúp con "gom giấy vụn" bằng mọi cách. 

- Hướng dẫn tiết kiệm thì phải hướng dẫn ở lớp, giúp các con thực hành ngay từ lớp học. Chính tay các con phải tiết kiệm chứ như này toàn bố mẹ tiết kiệm thu gom hộ từ cơ quan, học sinh chả phải làm gì ngoài xách cái túi giấy từ nhà đến trường nộp cho xong chuyện, ý thức hay niềm vui từ hoạt động mình nghĩ bằng không.

- Mình nghĩ kế hoạch nhỏ là kêu gọi chứ có phải bắt buộc đâu mà đòi phạt nhỉ?

- Bố mẹ làm văn phòng thì còn cố gom giấy vụn về cho con, chứ mình thấy nhiều nhà bố mẹ làm tự do, buôn bán thì lại phải bỏ tiền ra đi mua giấy vụn về cho con mang đi nộp, có nhà không kịp mua giấy vụn lại bỏ tiền đi mua hẳn 1 tập giấy A4 trắng cho con mang đi nộp cho đủ chỉ tiêu của lớp nữa cơ. Thế chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

- Kế hoạch nhỏ của con - Kế hoạch to của bố mẹ. Vì để kiếm được giấy cho con đi nộp, bố mẹ cũng phải xoay đủ kiểu. Giờ con đi học mà phụ huynh còn phải "vào cuộc" nhiều hơn các con thì mệt mỏi quá. Chúng ta không nên áp dụng kiểu tình nguyện "bắt buộc" như vậy.

- Kế hoạch nhỏ thực ra cũng tốt nhưng ko nên áp đặt là cháu nào cũng phải có và phải có từ 2-3kg trở lên. Nhiều nhà gọn gàng người ta cũng không tích trữ đến vài kg giấy hay bìa, vỏ lon để lại làm gì cả thì lấy đâu ra mà nộp. Mỗi lần nộp là phải ra hàng phế liệu mua.

- Mục đích và ý nghĩa của việc này thì tốt, mang tính giáo dục cao. Nhưng thực thi thì mỗi trường 1 kiểu và có nhiều việc làm khó cho các con còn làm khó cho phụ huynh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

2kg cũng không có gì nhiều, gom một chút là xong

Ở một diễn biến khác, không ít người cho rằng nếu không bắt buộc như vậy thì sẽ chẳng có học sinh làm tham gia hưởng ứng. Ngoài ra, nhà trường chỉ yêu cầu có 2kg giấy, cũng không có gì nhiều nhặt, chỉ cần gom một chút là đủ.

- Mình thấy nộp gần ấy giấy vụn cũng không có gì khó khăn. Sách giáo khoa, sách viết các năm trước không dùng đến, mình gom lại cho con để mang đi nộp đi, để cho chật nhà làm gì các bậc phụ huynh.

- Nếu nghĩ thoáng ra thì đây là một cách để phụ huynh dọn dẹp nhà cửa thôi, sách vở viết cũ của con kiểu gì chả thừa 4-5 kg để mang đi nộp, đằng này cô có yêu cầu có 2kg giấy vụn.

- Hành động này mang tính giáo dục con, giúp con hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Việc triển khai hoạt động kế hoạch nhỏ nhằm mục đích rèn cho các con thói quen gọn gàng và tiết kiệm giấy.

- Mình nghĩ nếu không bắt buộc thì sẽ chẳng ai nộp. Mỗi lớp nộp 1-2 quyển vở thì chẳng làm được việc gì cả.

Trưa 11/4, chia sẻ với VTC News, bà Trần Lệ Khanh - trưởng trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, liên đội trường phát động phong trào kế hoạch nhỏ dựa trên tinh thần tự nguyện, song trong quá trình truyền đạt đến phụ huynh, học sinh, một giáo viên chủ nhiệm đã thông tin chưa chính xác. Nhà trường sẽ họp hội đồng sư phạm, yêu cầu nữ giáo viên giải trình sự việc và đưa ra hình thức xử lý phù hợp.

Đông