Kiếm tới 3 tỷ/năm nhưng vẫn sống tiết kiệm: Làm thế nào để khống chế con quỷ tiêu hoang?

Thu nhập tăng nhưng chi phí sống vẫn không “xi nhê”, cô bạn này đã làm thế nào?

Kiếm bao nhiêu, tiêu từng ấy là hiện thực của không ít người, đặc biệt là người trẻ. Thực ra, đây là cách nói dễ hiểu, "ít tính chuyên ngành" hơn của khái niệm lạm phát lối sống.

Nếu bạn chưa biết: Lạm phát lối sống chính là tình trạng mức sống (nhu cầu mua sắm, hưởng thụ) tăng dần theo mức thu nhập cá nhân.

Để biết mình có đang, hoặc đã từng rơi vào bẫy lạm phát lối sống hay không, hãy thử nghĩ lại xem thời sinh viên, mình chỉ có 2-3 triệu để "sinh tồn" suốt cả một tháng, mình vẫn sống ổn; bây giờ, mình đi làm, kiếm được 8-9 triệu/tháng là ít, vậy mà vẫn chẳng để dư được đồng nào? Như thế nghĩa là bạn đang rơi vào bẫy lạm phát lối sống rồi đấy.

Vậy phải làm sao để tránh cái bẫy này? Hãy cùng nghe chia sẻ của Hannah Williams - Cô bạn 27 tuổi với mức thu nhập lên tới 125.000 USD/năm (khoảng 3,06 tỷ đồng).

Thành công tăng thu nhập sau khi bỏ công việc fulltime để làm tự do

Hannah từng giữ chức vụ Quản lý trong một công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu. Ở thời điểm năm 2020-2021, công việc này mang lại cho Hannah khoản thu nhập 115.000 USD/năm (khoảng 2,8 tỷ đồng).

Hannah Williams
Hannah Williams

Ở thời điểm ấy, Hannah hoàn toàn hài lòng với mức thu nhập này, cũng không nghĩ tới viễn cảnh sẽ nghỉ việc để đi làm tự do. Tuy nhiên, sau khi tự xây một kênh TikTok cá nhân với định hướng nội dung là đi phỏng vấn dạo về mức độ hài lòng với mức thu nhập hiện tại của mọi người, Hannah vô tình có thêm được nguồn thu nhập thứ 2.

Các nhãn hàng tài chính đã liên hệ với Hannah, ngỏ lời mời hợp tác để cô sản xuất và đăng tải video giới thiệu sản phẩm của họ (thường là các dòng thẻ tín dụng) lên kênh TikTok cá nhân.

Nhận thấy tiềm năng của công việc sáng tạo nội dung trên TikTok, đầu năm 2023, Hannah quyết định từ bỏ chức vụ quản lý trong công ty phân tích dữ liệu để có nhiều thời gian hơn cho việc nhận booking từ các nhãn hàng.

Thu nhập của Hannah sau 1 năm làm việc tự do rơi vào khoảng 125.000 USD (khoảng 3,06 tỷ đồng). Dù thu nhập tăng so với khi còn làm việc toàn thời gian cho công ty phân tích dữ liệu, nhưng Hannah cho biết không vì vậy mà cô cho phép bản thân sống hưởng thụ và mua sắm nhiều hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện tại, cô bạn 27 tuổi này vẫn chỉ có duy nhất 1 chiếc túi xách Prada mua từ 5 năm trước. Đây cũng là món đồ hiệu duy nhất mà Hannah có, ngoài ra, tất cả quần áo, giày dép mà Hannah sử dụng đều là hàng bình dân.

Bí quyết để "toàn mạng" trước bẫy lạm phát lối sống

Hannah nhận thức rất rõ về rủi ro của việc để mức sống tăng theo mức thu nhập. Theo đó, để bản thân không rơi vào bẫy lạm phát lối sống, cô bạn này luôn tuân thủ 2 nguyên tắc dưới đây.

1 - Quy giá trị mọi món đồ mình muốn mua ra số giờ làm việc

"Tôi đã nghĩ tới việc sẽ mua một chiếc túi Prada mới sau 5 năm chỉ trung thành với 1 chiếc túi duy nhất. Tuy nhiên, tôi đã từ bỏ hoàn toàn mong muốn này, khi nhận ra giá trị của nó bằng 3 hợp đồng booking quảng cáo tôi nhận được.

Với mỗi hợp đồng quảng cáo, tôi thường phải làm việc 10 tiếng, từ khâu chốt ý tưởng cho tới lúc quay, dựng và trả sản phẩm. Như vậy nghĩa là tôi phải làm việc 30 tiếng nếu muốn mua 1 chiếc túi xách mới với công dụng không khác gì món chiếc túi xách tôi đang có. Việc này là hoàn toàn vô nghĩa" - Hannah chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhờ cách tư duy này, Hannah đã "giữ mình thành công" trước sự cám dỗ của những món đồ hiệu đắt xắt ra miếng.

2 - "24 tiếng chờ đợi"

Những sản phẩm rẻ tiền, chẳng thấm vào đâu so với mức thu nhập hàng năm của Hannah cũng không thể dễ dàng "lấy được tiền" trong túi của cô bạn này.

Hannah cho biết cô sẽ không áp dụng chiến thuật "quy giá trị món đồ ra số giờ làm việc" với những sản phẩm giá trị nhỏ như chiếc áo phông 30 USD (khoảng 735.000đ), hay một đôi dép đi trong nhà có giá 15 USD (khoảng 367.000đ).

"Thi thoảng khi lướt MXH, tôi sẽ bắt gặp những món đồ rất dễ thương như chiếc gối hình cá mập hay đôi dép khủng long. Chúng thực chẳng đáng bao nhiêu tiền nhưng tôi sẽ không chốt đơn ngay. Thay vào đó, tôi sẽ lưu chúng tại hoặc thêm vào giỏ hàng rồi để yên đó. Nếu 1 ngày sau, tôi vẫn còn cảm thấy hứng thú với chúng, tôi mới mua" - Hannah gọi đây là chiến thuật "24 tiếng chờ đợi".

Cô bạn cũng khẳng định rằng đôi khi mong muốn mua hàng của chúng ta là nhất thời, không vì bất cứ một lý do hoặc mục đích gì cụ thể, chính bởi thế, chiến thuật "24 tiếng chờ đợi" sẽ giúp cô xác minh xem mình có thực sự yêu thích hoặc cần món đồ đó hay không.

Theo CNBC

Ngọc Linh

Với những người đang cần tiết kiệm thì đây là phương pháp hữu hiệu nhất, khiến bạn “muốn tiêu hoang cũng không thể”

Với những người đang cần tiết kiệm thì đây là phương pháp hữu hiệu nhất, khiến bạn “muốn tiêu hoang cũng không thể”

Năm nay quyết tâm quản lý chi tiêu thành công suốt 12 tháng, không tháng nào “xé nháp”, bạn dám không?

Đọc nhiều nhất