Đây là điểm khởi đầu của những sự kiện thể thao thân thiện cho người tự kỷ được tổ chức ở Việt Nam, và mỗi năm Mai Trần đều bận rộn và vác rá đi “ăn xin” cho sự kiện này. Nó được gọi tắt là VAAD. Nó được lấy format từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một nước láng giềng là Philippines. Năm 2016, có một đoàn các bạn nhỏ tự kỷ Việt Nam lần đầu tham gia một giải thi đấu thể thao và để lại ấn tượng sâu sắc.
Chưa từng thấy cuộc thi chạy nào vui thế
28 người - đó là số lượng của đoàn chúng tôi. 8 trẻ em, 3 giáo viên, còn lại là các cha mẹ, đến từ Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi lên đường đến Philippines bằng chi phí tự túc bao gồm vé máy bay, lưu trú, phí nộp cho Ban tổ chức để tham gia sự kiện (Ban tổ chức chỉ mời miễn phí hai trẻ tự kỷ và một người lớn đi hỗ trợ).
Chúng tôi bay với hãng Cebu, hãng bay giá rẻ để giảm chi phí. Và vì cách 3 ngày mới có một chuyến bay thẳng đến Manila, nên chúng tôi phải bay vào 1h sáng ngày 15/1/2016, để kịp đến tham gia sự kiện vào lúc 8h sáng giờ Philippines (lệch 1 tiếng so với giờ Việt Nam).
"Angels Walk for Autism" là một sự kiện thể thao hằng năm được tổ chức tại Philippines dành cho những người mắc hội chứng tự kỷ. |
Một chuyến bay đêm êm đềm. Vào lúc hạ cánh, máy bay như dần dần đậu xuống một cái sàng khổng lồ đầy hạt cườm lấp lánh - những ngọn đèn đêm ở Manila. Chúng tôi được một người của Ban tổ chức đón tại cửa ra, và lập tức bước lên xe tiếp tục hành trình 2 giờ đường bộ về Laguna, nơi diễn ra sự kiện Friendly Games – Thể thao thân thiện của người tự kỷ.
Tôi gặp lại nhiều gương mặt đã quen trong những chuyến đi tìm hiểu về tự kỷ trong khu vực Asean. Cô gái Nunu người Thái Lan ôm chầm lấy tôi khi gặp mặt. Nunu là một người tự kỷ có trình độ và đang làm điều phối viên cho APCD, tổ chức Phát triển Khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương.
Ở đây, người tự kỷ rất... bình thường, và người bình thường rất đồng cảm, như một gia đình lớn. Ban tổ chức bắt đầu chia nhóm cho các vận động viên tự kỷ, không phân biệt quốc gia, lứa tuổi. Cuộc thi chạy được tổ chức đầu tiên. Người lớn trong đoàn Việt Nam hơi có chút lo lắng vì các bạn nhỏ vừa trải qua một chặng bay đêm thiếu ngủ. Nhưng hình như các bạn ấy lại chẳng lo lắng gì, rất vui vẻ ra nhập cuộc chơi.
Như đã nói, các lượt chạy không phân biệt lứa tuổi. Có những bạn chậm nhận thức bố mẹ sẽ dắt tay chạy kèm. Thành tích chạy sẽ được ghi nhận để xếp hạng chung cuộc. Nhưng quan trọng hơn cả là chạy về tới đích. Đường chạy đầu tiên dài 50m.
Poster sự kiện "Friendship Games" dành cho người tự kỷ năm 2016. |
Loạt chạy đầu tiên có một thành viên Việt Nam là Hoàng. Cậu ta lập tức vọt lên dẫn đầu trong tiếng cổ vũ rầm rĩ của đoàn Việt Nam (đoàn cũng có tý cậy đông, chỉ thua chủ nhà Philippines thôi). Nhưng chạy bỏ xa người khác quá hình như hơi... áy náy, nên Hoàng dừng lại khi đã sắp về đích. Cậu ta quay lại nhìn và... chờ, các cổ động viên càng hét và ra hiệu cho cậu chạy tiếp cậu lại càng không hiểu. Các vận động viên khác lật đật chạy tới, cậu thì vừa chạy vừa cười vừa múa may hoan hỉ, cậu thì bé xíu, cậu thì to đùng như voi, cậu thì vừa chạy vừa gãi. Nhưng nói chung vẫn là chạy và hướng về phía đích. Hoàng không phải người chạm đích đầu tiên, cậu ấy chờ bạn khác chạm đích rồi mới chạy về theo. Đoàn cổ vũ đông đảo của Việt Nam tiếc nuối ra mặt. Còn trưởng ban tổ chức, cô Marivic, thì nhìn tôi đang hậm hực và cười bò ra: “Oh, it’s funny!”. Tôi cũng bật cười đến suýt rơi cả máy ảnh. Các cổ động viên, các tình nguyện viên làm nhiệm vụ, các trọng tài, cũng lăn ra cười nốt. Chưa từng thấy hội thi chạy nào vui như thế này.
Các loạt chạy sau lại tiếp tục. Cực kỳ vui. Có vận động viên có hẳn người hỗ trợ dắt tay để chạy (vì không thế thì cậu ta cứ chạy lòng vòng). Có bạn được hẳn cả bố lẫn mẹ chạy hai bên kêu gào cổ vũ. Tất cả đều về đích! Tất cả đều được hoan hô vang dội và gương mặt bừng lên niềm hạnh phúc. Đoàn Việt Nam rất mạnh, mấy lần chạm vạch đích đầu tiên. Những bạn mạnh nhất được thi tiếp đường chạy 100m. Trong lượt chung kết này Huy của đoàn Việt Nam về nhất. Lập tức cậu ta tạo dáng như ngôi sao, đứng lại tại vạch đích làm dáng chụp hình. Đủ các loại máy ảnh chớp nháy đùng đùng.
Buổi sáng thi chạy đã kết thúc trong thành công vang dội đến không ngờ của đoàn Việt Nam. Các bạn thật tuyệt vời. Dù vừa xuống máy bay, vừa say xe, vừa thiếu ngủ, nhưng đã góp phần hết mình vào cuộc thi. Vô cùng hể hả, cả đoàn say sưa chúc mừng và khen nhau không ngớt.
Kết thúc buổi sáng là mỗi người một suất cơm gà ngồi ăn trong hội trường náo nhiệt hàng chục ngôn ngữ khác nhau nhưng cùng màu áo và cùng nụ cười rạng rỡ.
“Hãy đến với những con người Việt Nam tôi”
Sau nỗ lực buổi sáng, cả đoàn thấm mệt. Ai nấy líu ríu bảo nghỉ một chút rồi sẽ tham gia tiếp, nhưng lúc nằm lăn ra là không biết trời đất gì nữa. Tuy vậy đúng 1h30 phút chiều, Huy là người thức giấc đầu tiên và nghiêm chỉnh có mặt. Hoạt động buổi chiều là nghệ thuật. Ban tổ chức đặt bút, sáp màu, sáp nặn lên bàn. Vẽ không phải sở trường của Huy, nên cậu ấy chọn tô màu cho tranh thôi.
Hàng năm, Philippines thường tổ chức cuộc thi chạy dành cho những người mắc hội chứng tự kỷ ở mọi lứa tuổi. |
Ở đây không ai tính tuổi cả. Bạn mẫu giáo bé xíu ngồi cạnh bạn thanh niên to đùng, vẫn cùng mím môi phùng má tô màu một cách hồn nhiên. Có những bạn đã ngoài 30 tuổi. Một số bạn có năng khiếu thì vẽ và nặn sáp. Mọi tác phẩm đều được ban tổ chức trân trọng đem ra trưng bày. Sắc màu tươi sáng tràn ngập căn phòng, nhìn rất đáng yêu.
Đến giữa buổi chiều thì đoàn Việt Nam lại có mặt đông đủ. Bắt đầu chương trình giao lưu văn hóa giữa các nước. Đoàn chủ nhà nhảy múa rất sôi động. Đoàn Lào có một bạn hát cực kỳ hay. Còn đoàn Việt Nam quyết định trưng hết lên sân khấu lực lượng hùng hậu của mình.
Số là ở nhà đã bàn nhau chuẩn bị bài hát múa “Hãy đến với những con người Việt Nam tôi”. Nhưng mỗi người mỗi nơi nên chỉ gửi clip hình ảnh cho nhau tự tập ở nhà. Trang phục biểu diễn là áo đỏ sao vàng. Cả đoàn thay áo hớn hở đứng chờ lên sân khấu, đỏ chói một góc phòng.
Nhưng đến lúc sắp hàng mới vỡ lẽ ra là chưa ai thuộc bài. Ai cũng bảo em xin đứng hàng sau để múa theo! Chị Mai Anh nhớ ra là lúc tập bạn Hoàng thuộc nhất, nên bảo Hoàng đứng trên cho cả đoàn theo. Nhưng bỗng nhiên Hoàng nói xanh rờn: “Con quên hết rồi!”.
Người giới thiệu trên sân khấu đã bắt đầu đọc tên đoàn Việt Nam. Làm sao bây giờ? Cô Thúy có sáng kiến: “Để em đứng dưới nhìn vào clip rồi ra hiệu động tác cho mọi người nhé. Ok luôn, lên!”.
Thế là 27 người còn lại bao gồm cả bố mẹ, thầy cô, các bạn tự kỷ hùng hổ kéo nguyên băng lên dàn kín sân khấu, hiên ngang ưỡn ngực chờ nhạc để bắt đầu, nhưng mắt thì liếc xuống chỗ cô Thúy đứng. Nhạc nổi, bài hát vang lên: “Này bạn thân yêu năm châu bốn phương, Việt Nam đất nước chúng tôi xin chào...”. Động tác cũng đơn giản, tất cả vung tay đá chân tưng bừng, tuy không đều lắm nhưng rất khí thế. Cả phòng âm vang sôi động, tinh thần phấn chấn là chính, đâu có cần múa may chuẩn lắm đâu. Tiếng vỗ tay rào rào vang lên khắp bốn phía.
Lúc kết thúc đi xuống, ông Chủ tịch APCD cười tươi rạng rỡ, nhìn Mai Trần nói một hồi dài tiếng Anh lẫn tiếng Nhật (ông là người Nhật). Không hiểu lắm nhưng chắc là ngài khen. Thấy Mai Trần ngơ ngác chỉ cười, ngài lấy điện thoại tra google, rồi quay lại nói bập bẹ: “Việt Nôm hay lớm, tốt lớm”. Hihi! Không phải tuyệt vời, mà là quá tuyệt vời!
Tất cả đều có huy chương
Bữa tối 15/1 là buffe giao lưu giữa các đoàn quốc tế. Các thầy cô, bố mẹ ngồi với nhau, các bạn tự kỷ, đã quen nhau trong thi đấu, ngồi tụ tập với nhau. Tất cả cùng chiến đấu món thịt gà và bàn tán, tâm sự ra trò, đủ mọi loại ngôn ngữ.
Cuộc thi Đi bộ thiên thần cho người tự kỷ ("Angels walk for autism) được tổ chức hàng năm tại Philippines. |
Đêm ở Laguna mát mẻ dễ chịu, không cần mở điều hòa. Cả đoàn ngủ ngon, sáng dậy ăn mì và giò chả, dưa chuột, cà chua mang từ Việt Nam sang, tươi tỉnh phấn chấn, mặc đồng phục mới màu xanh lá đậm, tiến ra bể bơi. Bác Chủ tịch APCD vừa thấy đoàn VN đã cười tươi (nụ cười này sẽ mang lại rất nhiều điều hay trong phần sau nhé).
Hôm nay các bạn ấy rất tự tin, lập tức thay đồ bơi và khởi động. Bạn nào cũng khỏe mạnh, người đẹp, mặt sáng, nhìn cứ nổi bần bật. Chẳng có bạn nào cần người bơi kèm xuống bể cả (mặc dù Ban tổ chức cho phép bơi kèm, cũng giống hôm qua cho chạy kèm).
Bắt đầu thi, đoàn Việt Nam được cổ vũ rất ầm ĩ. To mồm nhất là anh chàng Quân. Cứ có bạn bè mình vào lượt thi là anh ta hô “Hoàng ơi cố lên”, “Huy ơi cố lên” váng cả óc. Có điều đối thủ mạnh nhất của Việt Nam là đoàn Nhật Bản. Các bạn ấy bơi như cá. Bật một cái đã ra gần giữa bể, bỏ xa cả tốp. Nhưng may mắn là Hiếu của đoàn Việt Nam vẫn về nhất trong một lượt thi. Mẹ Mai Anh đang bị đau chân, đi bộ thì khập khiễng nhưng lúc con thi thì chạy băng băng trên bờ, hò hét đến khản cổ.
Anh chàng Quân to người và to mồm cuối cùng cũng đến lượt. Xuống rẽ nước như trâu, nhưng lại không tập trung bơi mà lại hóng lên bờ chờ... cổ vũ. Đợi mãi không thấy ai kêu to bằng mình nên chàng bèn... tự mở mồm hét toáng “Quân ơi cố lên!”. Rủi là kỹ năng bơi của chàng không tốt lắm nên chàng cứ há mồm là bị sặc nước. Oặc oặc một hồi rồi cũng về bét.
Chả có vấn đề gì, lên bờ một phát là cả hội kéo sang đăng ký thi bowling, mặc dù chưa hề tập chơi cái môn này bao giờ! Các anh chị sinh viên đứng hai bên hướng dẫn từng bạn chơi. Bóng cũng lăn ra trò, nhưng không có hy vọng được giải gì. Thành tích cao nhất của đoàn Việt Nam lại thuộc về Hoàng, cậu ấy ném được bằng một tay và đổ được hai con ki (các cô cậu khác toàn bê bóng hai tay thả bừa xuống băng lấy phong trào)
Vậy là những môn thi sôi nổi cuối cùng cũng kết thúc. Tất cả quay lại phòng lớn dự lễ trao giải. Cả phòng nhao nhao, các phóng viên bố mẹ chạy qua chạy lại như rang lạc, mỗi huy chương được trao là cả một sự tung hô vĩ đại phía dưới. Huy và Hiếu là hai chàng có huy chương vàng, còn bạc đồng lắm quá tính sau, nói chung ai cũng có huy chương cả.
Tạm biệt Los Banos, Laguna, các đoàn quốc tế nối nhau lên xe trở về Manila để tham gia cuộc Đi bộ Thiên thần vào ngày hôm sau. Hai ngày đã đủ để lưu luyến, những kỷ niệm về Friendly Games sẽ mãi là những ký ức đẹp nhất trong lòng tất cả mọi người.
Trẻ tự kỷ chơi 1 giờ với bố mẹ tốt hơn 5 giờ với chuyên gia
Cha mẹ chính là người cứu con mình khỏi chứng tự kỷ tốt nhất.