Tôi chỉ phẫn nộ bằng trái tim của một người mẹ mà thôi!
Là một người mẹ có con tự kỷ, cảm giác của tôi sau khi đọc bài báo này sáng nay là vừa đau xót vừa thấy may mắn. Đau xót thì rõ rồi. Đứa trẻ nào dù bình thường hay mắc bệnh, cũng đều là những tài sản vô cùng quý giá của cha mẹ, nữa là một đứa trẻ tự kỷ thậm chí không biết nói, thậm chí không biết tự vệ sinh cá nhân, rối loạn hành vi, giao tiếp... nhưng bị nhốt chung tất cả vào một ngôi nhà bẩn thỉu, hôi hám, nam nữ lẫn lộn, 6 tuổi lẫn với 30 - 40 tuổi rồi hàng ngày không được dạy dỗ hiểu biết mà chỉ bị đánh đập để làm sao làm được xiếc.
Hình ảnh trích trong video của Việt Nam net về một buổi tập của trẻ Tự kỷ tại Tâm Việt. Khi em không muốn tập, người phụ trách đã đe dọa:"Nhớ nhé, trong túi xách luôn có dao nhớ chưa?" |
Tôi đau xót vì tại sao vẫn có hàng trăm bậc cha mẹ bị truyền thông dắt mũi, tin vào một trung tâm gắn mác can thiệp tự kỷ nhưng không hề hiểu trẻ tự kỷ cần gì. Đúng là họ không có lỗi, vì họ thiếu tỉnh táo, thiếu hiểu biết, tin rằng những gì truyền hình quốc gia hay một tờ báo ca ngợi chắc hẳn là đúng. Nhưng xin nhớ: Khó khăn cốt lõi của trẻ tự kỷ chính là khả năng giao tiếp và hòa nhập với xã hội.
Vậy các cha mẹ có con gửi gắm Tâm Việt ơi, học làm xiếc thì giúp gì cho con về giao tiếp? Kể cả con có trở thành kỷ lục gia làm xiếc như thanh niên tự kỷ K.N mà trung tâm Tâm Việt vẫn đem ra làm "con rối" trước truyền thông, thì con quý vị có tự phục vụ bản thân hàng ngày không, có tự kiếm được một công việc nuôi thân không, có thể tự giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp không?
Trên website đăng tải bài viết: Bài phát biểu về Tự kỷ của TS Phan Quốc Việt (người sáng lập Tâm Việt) gây chấn động giới khoa học tại diễn đàn GIN-NOBEL 2019! |
Phương pháp của ông Việt viết trên thông tin báo chí:
Trong khi đa số các trung tâm can thiệp đều với hình thức 1 – 1 thì TS. Việt trọng tâm vào peer coaching – huấn luyện đồng cấp (cho các học sinh tự dạy nhau). Đặc biệt, Ts. Việt áp dụng dạy trẻ theo mô hình Maslow ngược, cho trẻ tự tin tự thể hiện, khẳng định bản thân trước mọi nhu cầu khác.
Điều quan trọng nhất là cần tạo ra một cộng đồng không gian, “Sống còn – giống cộng đồng; sống xuất sắc – cộng đồng xuất sắc”. Đó là nơi trẻ được tự do thể hiện khát vọng mục đích sống, được cùng nhau luyện tập xuất sắc, phát huy giá trị bản thân, mang lại lợi ích cho xã hội.
Dựa trên nền tảng huấn luyện trẻ tự kỷ, phương pháp này có thể mở rộng với các đối tượng khác như điều dưỡng, trẻ mồ côi, người cao tuổi.
Điều mà các gia đình có con mắc tự kỷ thấy bất lực nhất là tương lai mờ mịt của chúng. Chính vì vậy, Tâm Việt không chỉ là nơi huấn luyện giúp giảm triệu chứng hành vi tự kỷ mà kết hợp định hướng nghề nghiệp cho Vips ở nhiều lĩnh vực khác nhau: diễn viên xiếc, diễn giả, trở thành huấn luyện viên đào tạo Vips mới...
Nhìn những hình ảnh đẹp đẽ này, cha mẹ vẫn nhiều người tin mù quáng vì con họ trước đó có khi không biết làm một cái gì, giờ tung hứng được là họ mừng, cứ tưởng con khỏi bệnh đến nơi. Đâu ai biết được đằng sau những hình ảnh kia, sau cánh cửa kia, con họ bị đánh đập, chửi bới như vậy. Học phí ở đây từ 9 triệu đồng trở lên. |
Sự thật thì sao: Trong giờ ăn, khi một em học sinh không nghe lời, người nấu bếp dùng đũa đánh liên tiếp vào em khiến học sinh này khóc trong hoảng loạn. Giờ tập, mỗi người một góc... |
Và tôi thấy thật may sao, vì cuối cùng cũng có một bài báo đúng nghĩa phản ánh những sự thật trần trụi xảy ra nơi đây. Từ khi là sinh viên đến khi mở doanh nghiệp, tôi đã dị ứng với trung tâm Tâm Việt. Chỉ với 2 trò tiểu xảo duy nhất là "đội chai thủy tinh đi thăng bằng" và "bước trên thủy tinh" mà ông Việt nghĩ ra với mục đích đặt ra thử thách cho một người nào đó để họ "vượt qua giới hạn của bản thân", cùng vài bài giảng mà ở góc nhìn của tôi là dùng ngôn từ hoa mỹ choang choác nhưng nội hàm không có gì đặc sắc.
Một số em sáng sủa, nhanh nhẹn, tỉnh táo nhất sẽ được chọn ra tiếp khách, biểu diễn để các đòan quay phim, chụp hình. Ảnh: vietnamnet |
Hai mươi năm nay ông kiếm tiền trên sự nhẹ dạ của sinh viên bằng hàng nghìn hội thảo hàng nghìn người, nói, cười, vỗ tay, gào thét xôm không thua gì hội thảo bán hàng đa cấp. Đến khi tôi mở doanh nghiệp riêng được 4,5 năm, vô tình tham dự một CLB doanh nhân mà ông Việt tự đến và xin làm Phó chủ tịch rồi tự tổ chức buổi "huấn luyện kỹ năng mềm" cho các CEO, cũng diễn lại hai trò tiểu xảo ở trên, thêm món "yoga cười" rất vô duyên, khiến tôi nhanh chóng lủi về sau 20' bắt đầu, bởi nó làm tôi nghĩ đến gánh xiếc hơn là một CLB CEO đúng nghĩa.
Ông luôn xuất hiện với bộ mặt đỏ gay, người có khi phảng phất có khi nồng nặc mùi bia rượu, và chém những câu đao to búa lớn nhưng không mấy khi trúng vào vấn đề được hỏi. Cách đây vài tháng, có một cháu bé học ở cơ sở Bắc Ninh tử vong, nhưng gia đình cháu không chịu lên tiếng nên câu chuyện cũng chỉ râm ran trong các nhóm kín của cha mẹ có con tự kỷ rồi cũng chìm.
Ông Việt được tung hô là Phù thủy ngôn từ và những triết lý đổi đời (ảnh: tamviet.edu.vn) |
Và khi đã là một người mẹ nuôi con tự kỷ, tôi thấy buồn khi ông Việt cũng nhảy sang "kinh doanh thêm" lĩnh vực can thiệp tự kỷ vốn đòi hỏi rất nhiều chuyên môn sâu, kết hợp nhiều lĩnh vực, trong khi ông là tiến sĩ Toán.
Nhờ vào truyền thông và dòng slogan "đào tạo kỷ lục gia" mà rất nhiều cha mẹ, đặc biệt cha mẹ có con tự kỷ nặng, đã tìm đến với ông ta, thường sau khi đã thử rất nhiều cách và đã quá mỏi mệt, họ trông chờ vào phép màu nào đó có thể giúp con họ tiến bộ hơn.
Đúng, "tâm vận động" cũng là một trong số cách phương pháp can thiệp tự kỷ, nhưng nó không giải quyết vấn đề cốt lõi ở trẻ tự kỷ đó là "GIAO TIẾP" mà chỉ giúp đứa trẻ tốt lên ở một mặt vận động nào đó.
Trong buổi tập, một số trẻ còn không mặc quần, muốn nằm ngồi thì tùy. |
Và để dạy được trẻ tự kỷ cũng cần những giáo viên có chuyên môn, đặc biệt kiên nhẫn và nhiều tình yêu thương chứ không phải đòn roi hay chửi mắng. Chúng vốn đã chịu đủ thiệt thòi rồi. Còn cha mẹ chúng thì cả tuần, thậm chí cả tháng mới được đến đón con một lần, và khi đón cũng không thể bước qua cánh cửa để biết thực sự con họ đã bị đối xử, dạy dỗ như thế nào.
Tôi cám ơn bạn phóng viên đã phải giả danh một giáo viên tập sự tại Tâm Việt trong nhiều tháng trời để quay, chụp, ghi lại được những hình ảnh đau lòng này. Dù đau lòng nhưng tôi tin nếu tuyến bài được đi tiếp mà không bị "ai đó" can thiệp, thì sẽ cảnh tỉnh được rất nhiều cha mẹ khác!
Tôi không đại diện cho một tổ chức nào. Tôi cũng chẳng có tư thù cá nhân hay cạnh tranh kinh tế gì với ông Việt. Tôi chỉ phẫn nộ bằng trái tim của một người mẹ mà thôi.
Mới 12 tuổi, cô bé này đã trở thành CEO công ty công nghệ với ứng dụng học ngoại ngữ cho trẻ em
Hillary Yip Ying-hei đã tạo dựng nên ứng dụng học ngoại ngữ trực tuyến khi mới 10 tuổi, sau đó trở thành CEO của MinorMynas vào năm 12 tuổi.