Mưa lũ lớn tại Bình Định đang diễn biến phức tạp, khó lường. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua làm ngập úng, gây sạt lở, chia cắt giao thông cũng như các khu dân cư tại tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến sáng 30/11, toàn tỉnh có hơn 16.500 căn nhà bị ngập; nhiều nhất là huyện Tuy Phước với gần 11.000 căn.
Nhiều vùng trũng thấp tại các xã Phước Hòa, Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thắng... của huyện Tuy Phước bị ngập từ 2 ngày qua; giao thông chia cắt vì nhiều tuyến đường ngập sâu.
Tuyến tránh Quốc lộ 1 qua địa bàn thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, bị ngập sâu từ tối 29/11, chia cắt giao thông. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN |
Tại huyện miền núi An Lão, mưa lũ kéo dài đã gây sạt lở đất, lấp các tuyến đường liên xã, gây chia cắt đối với các xã An Toàn, An Vinh.
Đến sáng 30/11, nhiều điểm sạt lở mới tiếp tục xuất hiện, chưa thể khắc phục. Mưa lớn kéo dài, gây ngập sâu tại nhiều tuyến đường; tuyến đường ĐT639 bị ngập sâu nhiều đoạn chia cắt cả huyện An Lão với các địa phương khác. Nhiều cây cầu giao thông trọng yếu bị ngập sâu, sạt lở.
Bí thư Huyện ủy An lão Phạm Văn Nam thông tin, mưa lũ làm 1 nhà ở thôn 1 xã An Vinh bị sạt; 43ha dâu tằm bị ngập, 6,2ha ruộng bị sa bồi; 21 vị trí đường giao thông liên xã bị sạt lở, 1.500m kênh mương bị bồi lấp, 26 đập tạm bị nước cuốn trôi, 40m tường rào bị ngã đổ, sạt lở bờ ta luy khu vực dọc Suối Tre.
Tuyến tránh Quốc lộ 1 đi qua thị xã An Nhơn bị ngập sâu từ tối 29/11 khiến các phương tiện cơ giới lớn di chuyển hướng Bắc-Nam và ngược lại không lưu thông được, phải di chuyển vào tuyến trục nội thị thị xã An Nhơn.
Tuy nhiên, tại các khu vực nội thị An Nhơn cũng bị ngập sâu; tuyến đường Lê Duẩn cũng bị ngập sâu, lưu thông rất hạn chế. Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Định đã cử lực lượng điều tiết giao thông.
Toàn thị xã An Nhơn có hơn 2.700 nhà dân bị ngập. Hầu hết các vùng, khu vực bị ngập nước do đường giao thông chia cắt cục bộ; khoảng hơn 3.000 hộ dân, 37 tràn bị ngập.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc, 2 ngày qua, huyện đã cử lực lượng chốt chặn nhiều điểm trên tuyến đường ĐT639 và tại các điểm cầu Mỹ Thành (xã Ân Mỹ), Vạn Trung (xã Ân Hảo Tây), Đá Bạc (xã Đak Mang) ngăn người dân qua lại vì nước lũ chảy siết.
Đến sáng 30/11, toàn huyện Hoài Ân có gần 1.500 nhà và hàng ngàn giếng nước bị ngập. Ủy ban Nhân dân huyện đã cử lực lượng hỗ trợ nước uống cho người dân. Hàng loạt các tuyến đường, kênh mương trên địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng.
Các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn... đều có nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập, chia cắt.
Thành phố Quy Nhơn đã di dời 254 hộ dân với 683 nhân khẩu ở các phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú và Đống Đa; huyện Phù Cát đã di dời 36 hộ dân khu vực núi Gành, xã Cát Minh; Thị xã An Nhơn di dời 137 hộ với 278 nhân khẩu./.
Bất động sản được dự báo là kênh trú ẩn của dòng tiền?